Quảng Bình:

Nhóm bạn trẻ dùng thuyền vượt lũ, ứng cứu kịp thời 120 người

Tiến Thành

(Dân trí) - Giữa những ngày nước lũ dâng cao, anh Chính cùng nhóm bạn đã dùng thuyền vượt nước dữ, quăng quật trong mưa gió để cứu người. Chỉ trong 2 ngày, nhóm của anh đã đưa 120 người ra khỏi vùng nguy hiểm.

Những ngày qua, tình hình mưa lũ tại Quảng Bình diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là vào đêm 18 và ngày 19/10, nước dâng ngập đến nóc hàng ngàn căn nhà, nhiều người dân đã phải dỡ mái nhà trong đêm, chui ra ngoài kêu cứu.

Nhóm bạn trẻ dùng thuyền vượt lũ, ứng cứu kịp thời 120 người - 1

Nước lũ dâng cao, người dân chỉ còn cách leo lên mái nhà chờ cứu hộ.

Trong đêm mưa lũ, tiếng kêu cứu đưa người già, trẻ em và phụ nữ đến nơi an toàn cứ liên tiếp phát đi. Mặc dù lực lượng chức năng tại Quảng Bình đã huy động tất cả nhân lực, vật lực, xuyên đêm cứu người, tuy nhiên số lượng người bị mắc kẹt quá lớn nên công tác cứu nạn hết sức khó khăn.

Trong hoàn cảnh đồng bào gặp nạn vì mưa lũ, đã có rất nhiều người không ngại nguy hiểm, dấn thân vào vùng lũ, cùng với các lực lượng chức năng để ứng cứu.

Nhiều người dân có thuyền bè đã tất tả, ngược xuôi, lao vào vùng ngập sâu đưa người già, trẻ nhỏ đến nơi cao hơn, giúp đỡ đồng bào vượt qua hoạn nạn. Cả Quảng Bình đã xuyên đêm để chống chọi với lũ như thế.

Nhóm bạn trẻ dùng thuyền vượt lũ, ứng cứu kịp thời 120 người - 2

Ngư dân vùng bãi ngang của huyện Lệ Thủy dùng thuyền đánh cá ngược về vùng lũ cứu người. 

“Trong hoạn nạn mới biết lòng người, đêm lũ, từ lực lượng công an, bộ đội đều gắng hết sức lực cứu dân. Nhiều ngư dân có thuyền ở xã Ngư Thủy đã cùng nhau ngược về vùng lũ, cứu người trong đêm, nhờ vậy mà hạn chế được thiệt hại”, một người dân tại huyện Lệ Thủy chia sẻ.

Trong nhịp hối hả cứu người, những ngày qua, rất nhiều người tại Quảng Bình đã không ngớt lời khen ngợi đối với anh Lê Hữu Chính.

Nhóm bạn trẻ dùng thuyền vượt lũ, ứng cứu kịp thời 120 người - 3

Lực lượng chức năng và người dân có thuyền, bè tại Quảng Bình nỗ lực cứu người mắc kẹt vì mưa lũ.

Anh Chính quê ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, địa phương đang bị ngập cục bộ, nhiều khu vực đã bị nhấn chìm hoàn toàn.

Từ kinh nghiệm về phòng, chống lụt bão và từ tấm lòng của mình, anh Chính quyết định chi số tiền tiết kiệm để dành của mình để mua một chiếc đò nhôm chạy máy cole. Chiếc thuyền nhôm rộng 2,2m, chở trên 2 tấn, được trang bị thêm áo phao, phao cứu hộ (loại tròn có dây), đèn pin...

Nhóm bạn trẻ dùng thuyền vượt lũ, ứng cứu kịp thời 120 người - 4

Anh Lê Hữu Chính đưa một cụ ông lên thuyền đi tránh trú.

Đêm 18/10, nước lũ lên nhanh, tiếng kêu cứu khắp cả các vùng của huyện Quảng Ninh, trong đêm tối, cùng với sự giúp đỡ của một số người bạn, nhóm của anh Chính đã lên thuyền, vượt nước dữ tiến về các xã vùng rốn lũ Xuân Ninh, Hiền Ninh, Tân Ninh… (ở huyện Quảng Ninh). Anh Chính cũng đã đăng số điện thoại của mình lên Facebook cá nhân để người dân cần ứng cứu sẽ gọi.

Đêm 18 và sáng ngày 19/10, nước lũ tiếp tục lên cao, trên dòng nước bạc, chiếc thuyền nhôm nhanh chóng di chuyển các cụ già, người ốm đau giữa cơn mưa tầm tã. Điện thoại của anh Chính cứ liên tiếp kêu, dồn dập.

Với những nỗ lực xuyên đêm, nhóm cứu hộ của anh Chính đã đưa được rất nhiều người thoát khỏi vùng nguy hiểm. Xuyên 2 ngày cứu người không nghỉ, nhóm cứu hộ của anh Lê Hữu Chính đã cứu được 120 người mắc kẹt trong lũ đến nơi trú ẩn an toàn.

Nhóm bạn trẻ dùng thuyền vượt lũ, ứng cứu kịp thời 120 người - 5

Trong 2 ngày 18 và 19/10, nhóm của anh Chính đã cứu được 120 người mắc kẹt trong lũ.

Chia sẻ về việc này, anh Chính cho biết: “Trong hoàn cảnh khẩn cấp giữa bốn bề nước lũ bủa vây, người dân kêu cứu thì không phải riêng tôi mà bạn và hàng triệu trái tim khác phải hành động như vậy thôi.

Tôi nghĩ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cứu nạn cứu hộ hay từ thiện lúc này đều xuất phát từ cái tâm và tình người trong khó khăn, hoạn nạn”.

Hiện tại, thông qua Facebook của mình, anh Lê Hữu Chính cũng đang kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để hỗ trợ áo phao, thuyền nhôm và cả ca nô để chính quyền địa phương, người dân vùng rốn lũ chủ động hơn trong việc tránh, trú lũ lụt.