Nhọc nhằn SV bươn trải trong ánh đèn chợ đêm

(Dân trí) - Sau ánh đèn loang loáng trong tiếng mua bán trao đổi hàng náo nhiệt là nỗi lo lắng cho cuộc sống mưu sinh. Những nỗi toan tính, chặt gạn từng đồng bạc nhỏ và cả giọt mồ hôi trong đêm lạnh giá.

Chợ đêm Phùng Khoang là một trong những khu chợ nổi tiếng về đêm ở Hà Nội cùng với những chợ Xanh,chợ Dịch vọng…Khu chợ sầm uất này là nơi làm việc của nhiều sinh viên – những bạn chỉ tranh thủ làm được buổi tối vì ban ngày bận học.

Chợ đêm bắt đầu lúc 17h thậm chí sớm hơn và kết thúc lúc khi đã quá nửa đêm. Những đôi vai nghiêng mình vác những bó cọc tre, cọc sắt chừng 10kg thậm chí là 15, 20kg, những đôi tay dang rộng kéo những chiếc thùng sột soạt trên nền chợ đầy đá, những chiếc thùng đủ kích cỡ được kéo tỏa ra khắp chợ. Đó là cảnh tượng quen thuộc ngày nào cũng có khi bắt đầu chuẩn bị cho phiên chợ tối.

Không có thời gian làm ban ngày, việc bán hàng ở những khu chợ đêm trở thành lựa chọn cho nhiều sinh viên muốn có thêm thu nhập. Có nhiều bạn vừa tan buổi học đã vội vàng không kịp về nhà trọ đã lao thẳng đến khu chợ để xúm tay cùng chủ dọn hàng ra, ấy vậy mà vẫn có lúc không kịp khi người mua đã ập đến.

Chợ đêm là nơi nhiều sinh viên bám trụ để mưu sinh (Nguồn ảnh Internet)
Chợ đêm là nơi nhiều sinh viên bám trụ để mưu sinh (Nguồn ảnh Internet)

Duyên – SV trường ĐH Kiến trúc cho biết “Mình làm từ 17h30 đến hơn 23h đêm chỉ được 1 triệu không ăn”. Cùng cảnh ngộ, Hoa – SV trường ĐHKHXH & NV chia sẻ : “Chỗ nào trả lương cao nhất cũng chỉ triệu rưỡi không nuôi ăn nhưng hầu như đó là những hàng dọn tư 16h, còn không toàn 1 triệu hoặc chưa đến”.

Nếu trời không mưa thì công việc của họ lại tiếp tục chào mời và kì kèo mua bán cho đến 23h thì bắt đầu dọn hàng. Tiếng kéo thùng lại vang lên giục giã, lại xếp hàng, dỡ cọc, bó cọc, vác và kéo thùng. Trong vòng 30 phút đến 1 tiếng, khu chợ chỉ còn lác đác vài người, yên tĩnh chờ buổi chợ sáng.
 
Tuy nhiên có những hôm mưa kéo đến mọi việc trở nên vất vả hơn. Tất cả đều tập trung cứu hàng cho khỏi ướt. Chợ ngoài ồn ào như ong vỡ tổ, nhà đã giăng bạt đỡ ướt hơn một chút còn lại chạy cuống cuồng cứu được gì hay nấy.
 
Đường vào kho tắc nghẽn, tiếng kêu la vang động như sóng cuộn. Hòa-SV bán hàng trong ki ốt có mái che hốt hoảng dọn hàng vì theo cô, “tuy ô này có mái che song cũng dễ bị hắt ướt lắm”.
 
Cơn mưa muộn thì dọn xong được về luôn còn nếu tạnh thì lại bán tiếp. Có hôm dọn đi dọn lại mãi vì mưa rồi lại ngớt nhưng người thì ướt hết mà vẫn phải đứng bán.
 
Cuộc sống vất vả khó khăn khiến sinh viên phải lao động để đỡ đi phần nào gánh nặng trên đôi vai gầy của bố mẹ. Chính tâm lý đó giúp họ vượt qua khó khăn và trụ lại với công việc như ở chợ đêm dù đồng lương quá ít ỏi.
 
Có người tiền lương không đủ để mua thuốc vì đau chân, mỏi gối, viêm mũi (vì mùi thực phẩm của chợ sáng) nên họ đi tìm cơ hội ở nơi khác dẫu biết rằng không dễ để tìm việc. 

 

Với việc ra mắt mục Phóng sự trẻ, đúng như tên gọi, chuyên mục mong muốn có được một sân chơi cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên có đam mê với công việc của người làm báo. Chúng tôi muốn gọi họ như những “người làm báo trẻ” kế cận để hòa với nhịp chuyển động của thông tin.

 

Phóng sự trẻ muốn đón nhận những tác phẩm qua lăng kính của các bạn trẻ về các mảng nội dung liên quan đến chân dung con người, sự việc, hiện tượng, tập quán… mà bạn có dịp khám phá, tìm hiểu.

 

Phóng sự trẻ - tiếng nói của giới trẻ, sân chơi của giới trẻ. Và vì thế, để chia sẻ “sắc trẻ” đó tới hàng triệu độc giả, hãy bắt đầu từ hôm nay để thử sức viết của mình trên chuyên mục.

 

Cùng với việc ra mắt thêm nhiều nội dung mới trên trang Văn hóa, Giải trí, Phóng sự trẻ ra mắt không nằm ngoài mục đích đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin và văn hóa đọc tới độc giả khắp mọi nơi, trong đó có giới trẻ.

 

Tham gia Phóng sự trẻ, những bài được chọn đăng của các bạn sẽ được trả nhuận bút hấp dẫn theo quy định của Tòa soạn.

 

Tin, bài, hình ảnh, video xin gửi về hòm thư: nhipsongtre@dantri.com.vn và xin đề mục cần gửi tới Phóng sự trẻ.

 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Hiệp Nguyễn (hiepnt.k56@gmail.com)