Nhất thiết phải thắng tranh luận với…con gái?

Nhiều chàng trai cho biết: “Mình có thể tranh cãi nảy lửa với các chiến hữu suốt vài ngày, rồi cả hai đều vui vẻ sau đó. Nhưng khi góp ý với con gái chưa đầy 5 phút, nàng bắt đầu nổi giận dù nàng chẳng chứng minh được nàng đúng. Tại sao?”

Ai đúng, ai sai?

 

Nguyên Tường (lớp 12 trường PTNK) có tài hùng biện và rất giỏi lập luận, suy nghĩ logic. Sự chững chạc của Tường lọt vào tầm ngắm của Bích Trâm (lớp bên cạnh). Và họ nhanh chóng tìm hiểu nhau.

 

Thời gian đầu, mọi chuyện rất êm ả, cho đến khi Trâm quan sát một cặp đôi và đưa ra một nhận xét cảm tính. Tường phản bác lại bằng lập luận của mình. Cách suy nghĩ của con trai tuy đơn giản nhưng lại rất…khoa học, khiến Trâm không thể cãi lại.

 

Tức giận, Trâm bỏ đi sau khi kịp nói một câu: “Cậu đi mà tranh luận với bạn bè cậu ấy, mang lí thuyết vào tình cảm như thế thì 10 người như tớ cũng chào thua”. Tường ngơ ngác: “Ơ, tại sao lại thế, rõ ràng cô ấy sai, mình đúng, vậy mà cô ấy không cảm ơn mình, lại còn giận mình”.

 

Còn Phúc Nhân (sinh viên năm 1 trường ĐH Hoa Sen) chỉ vì một lần “trót dại” mà phải ăn năn lâu dài. Anh chàng tranh luận với người yêu để chứng minh mình đúng, thậm chí còn đùa cợt: “Em đúng là ngốc và chẳng bao giờ lớn được cả. Mãi về sau em vẫn thua anh thôi”.

 

Nhân chỉ có ý trêu ghẹo người yêu để cô nàng nũng nịu hoặc giận dỗi, nào ngờ kết quả vượt xa dự đoán của Nhân: cô nàng im lặng cả tuần và rồi gọi điện cho Nhân tuyên bố nhát gừng: “Một người thiếu tôn trọng con gái như anh, sẽ chẳng bao giờ hòa hợp với em cả. Chúng ta chấm dứt ở đây được rồi”.

 
Nhất thiết phải thắng tranh luận với…con gái?

Đôi khi con gái muốn bạn lắng nghe hoặc ủng hộ hơn là cãi lý với nàng. (ảnh minh họa)
 

Lắng nghe phái đẹp giải thích

 

Qua những câu chuyện trên, ta có thể hiểu rằng: “Con gái không chịu tiếp thu sự góp ý, coi trọng “cái tôi”, chẳng bao giờ chịu nhận mình sai và rất ngoan cố?”. Đó chỉ là nhận định một chiều từ phía các chàng.

 

Phương My (lớp 11 trường THPT B) chia sẻ: “Người ta thường bảo “con gái nói có là không”. Khi mình giả vờ không lắng nghe hắn góp ý, có nghĩa là mình đang “làm giá” một chút thôi, thực chất mình đã tự nhận ra cái sai và khắc phục rồi.

 

Vậy mà hắn cứ nói mãi, kiểu như muốn phân định rạch ròi đúng sai. Điều này thật sự quan trọng khi đã yêu nhau rồi ư? Mình cảm thấy không được dễ chịu, nên mình nổi giận. Còn hắn thì cho rằng mình thuộc mẫu người…không thể nói chuyện quá 5 phút”.

 

“Khi hắn nói nghiêm túc và có thiện chí, mình sẽ sửa sai. Còn nói chuyện quá khó nghe kiểu như “em ngốc quá”, “em nên đo lại IQ”, “em không thể đối thoại với anh lâu được vì trình của em chưa bằng”… rất dễ khích tướng và khiến ta tự ái. Con trai biết tự ái thì con gái cũng thế.

 

Các nàng vốn nhạy cảm và không giỏi tư duy, nên có thể nàng hiểu được, nhưng không diễn đạt được. Con trai cứ chê nàng mãi thì cũng đến lúc nàng nổi giận và bùng nổ thật sự”, Mỹ Ly (lớp 12 trường THPT P).

 

Nàng sẽ chịu tiếp thu, nếu…

 

Con trai biết khen ngợi và động viên nàng, thay vì chỉ trích nàng. Ví dụ, khi nàng học không tốt môn Toán, thay vì nói: “Em nên đi học thêm 7 buổi một tuần”, hãy biết nhún nhường: “Em thông minh, nhưng làm Toán hay ẩu, chịu khó khắc phục là sẽ tốt trở lại”. Điều này sẽ khiến nàng nghe theo lời khuyên của bạn hơn.

 

Hãy khiến nàng nể bạn dù bạn không hề đề cao mình. Nhiều XY luôn thích thể hiện khả năng của mình bằng cách “hạ” nàng xuống thấp. Con gái rất ghét điều đó.

 

Nên nhường nhịn và hài hước một chút. Nếu đang tranh luận với con gái, không nên quan trọng chuyện “ai đúng, ai sai” mà hãy giúp nàng nhận ra chân lí. Bạn có thể “giả vờ” để nàng đúng, còn bạn sai cũng được mà (thật ra, nàng biết rõ nàng sai lè đấy, chỉ là nàng “làm giá” một chút thôi”).

 

Con gái rất nhạy cảm và mâu thuẫn. Có thể bạn thấy nàng có vẻ “vô lí” và bạn muốn giúp nàng nhận ra điều đó. Nhưng thực chất chính nàng cũng tự ý thức được rồi. Thế nên trước khi hành động, hãy suy nghĩ kĩ để tránh hiểu sai ý nàng, con trai nhé!

 

Theo Mực Tím