Nhật ký tình yêu của Trang

Cư dân diễn đàn TTVNOL đã từng phát sốt vì những trang nhật ký tình yêu của cô gái có biệt danh TIO (thiếu iot). Diễn biến tâm lý, tình cảm của TIO khi yêu một chàng trai được cập nhật đều đặn trên web đã trở thành một món hấp dẫn trong hàng tháng trời.

Lượt người xem lên đến con số kỷ lục: 300.000 lượt, trong khi một chủ đề thông thường có 1.000 lượt người đọc đã là may mắn.

Người mang chuyện riêng của mình lên mạng chia sẻ ấy chính là Trần Thu Trang. Trong vòng chưa đầy một năm, cô gái 24 tuổi ấy đã viết hai cuốn rưỡi tiểu thuyết, có hai cuốn sách được ấn hành: một tiểu thuyết và một tập nhật ký tình yêu, tự làm lấy trang web với mục đích rõ ràng: bán văn để nuôi văn.

Từ viết ảo đến làm thật

Nhật ký tình yêu của Trang - 1

Bìa cuốn “Nhật ký tình yêu TIO”.

Đầu năm 2006, Nhật ký tình yêu TIO được một công ty mua đứt và phát hành dưới dạng một món quà lưu niệm dành cho tuổi mới lớn. Đó là cuốn nhật ký nhỏ xinh tường thuật sự tích một mối tình kèm theo sổ ghi chép và tấm thiệp hình trái tim hồng. Tiền có được từ việc bán nhật ký ảo đủ nuôi ăn tác giả trong sáu tháng.

Thu Trang đang học nốt năm cuối khoa tiếng Anh, Đại học dân lập Thăng Long, Hà Nội. "Tiểu sử" viết lách của cô đã kha khá: 18 tuổi cộng tác với một số tờ báo tuổi học trò, từng chủ trì một diễn đàn về truyện kiếm hiệp Kim Dung trên mạng, viết rất nhiều tản văn.

Hè năm 2005, sau một chuyến dã ngoại với bạn bè, nhân vật chính và xương sống cho tiểu thuyết tình cảm đã hình thành. Viết được chừng nào, Trang đưa lên mạng cho bạn bè góp ý chừng đó. Sau 20 ngày đêm viết cật lực, tiểu thuyết đầu tay Cocktail tình yêu dài 10 chương, dày khoảng 200 trang ra đời.

Liền sau đó, Trang bỏ ra bốn tháng để viết tiếp cuốn tiểu thuyết tình cảm thứ hai dày hơn 300 trang và đặt cho nó cái tên khá sốc: Phải lấy người như anh. Quyển sách vừa mới được phát hành cách đây vài hôm. Hiện Trang đang bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết thứ ba, nhưng muốn giữ bí mật cho tên truyện và nhân vật.

Nhật ký tình yêu của Trang - 2
 Bìa cuốn tiểu thuyết “Phải lấy người như anh”.

www.sachcuatrang.com

Trang quan niệm giản dị: "Tôi viết theo nhu cầu của người đọc. Tôi xác định đối tượng là người trẻ tương đối, có trình độ văn hóa nhất định, có gu thưởng thức, người già hơn mà vẫn muốn đọc thì càng tốt. Nhiều người là nữ nhân viên văn phòng, tuổi 25 - 30. Họ cần những gì mang tính giải trí cao, dễ đọc, hấp dẫn. Cuộc sống vốn đã nhiều mệt mỏi rồi nên tôi muốn đem lại cho họ sự nhẹ nhàng, thư thái".

Trang không thần thánh hóa văn chương: "Tôi biết khả năng của mình đến đâu. Hình ảnh mà tôi dự định trở thành trong tương lai không cao rộng xa xăm gì. Tôi muốn làm Quỳnh Dao Việt Nam".

Trang bảo: "Ở Mỹ, tôi biết có một dòng văn học gọi là chicklit (chicken literature - tạm dịch là "văn học gà"), loại văn dễ đọc dành cho giới trẻ, mang mục đích thương mại rõ rệt bởi người viết lồng vào câu chuyện một loại sản phẩm, nhãn hiệu nào đó mà nhiều người yêu thích và được các hãng sản xuất trả tiền cho việc đó.

 

Việt Nam chưa có loại văn học này, nhưng tôi muốn viết văn rồi bán được văn để sống và viết tiếp".

Với cách suy nghĩ như vậy, tương tự Quỳnh Dao, Trang vuốt ve độc giả bằng những câu chuyện tình kết thúc có hậu sau nhiều xung đột và trắc trở. Hình mẫu nhân vật nữ chính có chung đặc điểm là học thức, hiện đại, tự chủ về kinh tế, bản lĩnh. Trang biết vận dụng óc hài hước, khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và trí tưởng tượng phong phú để đem lại không khí văn chương lãng mạn và hấp dẫn cho tác phẩm.

Ưu điểm rõ rệt nhất ở một người viết văn tuổi 24 như Trang là lối tư duy sáng rõ đủ để sắp xếp các tình huống một cách khá logic, tạo được tính kịch, thắt nút mở nút hợp lý thu hút người đọc.

Tuy vậy, ở một vài đoạn văn lộ ra cách lý giải còn thiếu vốn sống. Thu Trang tâm sự rằng kể từ khi bắt tay vào viết tiểu thuyết, cô có nhu cầu trau dồi thêm kinh nghiệm sống. Mỗi khi cảm thấy "bí", Trang thu xếp theo chân nhân vật của mình đi du lịch tới những địa danh được nhắc tới trong tiểu thuyết và cảm thấy được tiếp sức. Nếu "bí" về chi tiết, tình huống thì Trang tìm sự giúp đỡ từ bạn bè. Trang bảo: "Có đến 40% truyện của tôi là nhờ bạn bè đóng góp".

Để "bán văn xuôi lọt" (cách dùng từ của Thu Trang), cô tự mày mò thiết kế lấy một trang web khá dễ thương mang tên sachcuatrang.com để giới thiệu về bản thân, về những tác phẩm của mình và mời người mua. Bạn bè Trang tích cực "tiếp thị" giúp tác giả. Ngày đầu tiên ra mắt Phải lấy người như anh đã có 50 người đặt mua. Trang tự tin nói: "Độc giả thường xuyên của tôi trên mạng có hàng trăm người, chắc chắn sách sẽ bán được".

Theo Uyên Ly
Tuổi Trẻ