Nhật kí của “đại sứ” Nguyễn Tấn Đức
(Dân trí) - Sau chuyến du khảo kéo dài 8 ngày tại Leverkusen, Đức (từ 16 đến 24/11), Nguyễn Tấn Đức - một trong hai Đại sứ môi trường Việt Nam 2007 đã gửi cho Dân trí những ghi chép về chuyến hành trình thú vị này.
Nguyễn Tấn Đức viết: “Chuyến đi là chuỗi ngày dài mà tôi có nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn, pha chút ganh tị và ngưỡng mộ, với tự hào dân tộc và niềm tin vào một Việt Nam mai này sẽ sánh vai ngang với bạn bè năm châu. Không khí thật xúc động khi mỗi đứa tặng cho nhau khi thì postcard ghi vài lời tình thương mến thương, rồi móc khoá có hình con sư tử (Singapore tặng) hay tiền xu, rồi vòng hoa, vòng đeo tay, bùa hộ mệnh... hay đôi khi chỉ là 1 cái ôm hôn thắm thiết giữa những con người khác màu da, khác tiếng nói nhưng có cùng nhịp đập con tim, đến với nhau bằng tình yêu dành cho môi trường, dành cho cuộc sống tươi đẹp này”.
Nước Đức cuối thu
Ấn tượng đầu tiên khi lần đầu tiên đến Đức vào trung tuần tháng 11 này (thời điểm cuối thu) là cái lạnh hanh và khô đặc trưng (nhiệt độ tầm 1~4oC) và giờ giấc làm việc ở đây. Mặt trời ở đây mọc lúc 9h và lặn lúc 15h (do đó người ta hay nói đùa: khi ra khỏi nhà đi làm và kết thúc ngày làm việc đều trong đêm tối.
Xung quanh khu vực khách sạn Best Western Park Consul là vài chiếc ghế gỗ xinh xinh cạnh những con đường mòn cỏ mọc lên xanh mượt với đụn lá vàng rơi đầy hai bên. Các mảng tưởng được tô vẽ nhiều hình ảnh dễ thương mùa Noel. Phải công nhận phong cách vẽ graffiti ở đây khá đỉnh, khi họ biến từng mảng tường tưởng như bỏ hoang vô dụng thành 1 tác phẩm nghệ thuật sống động, cá tính. Từng hàng cây vàng- đỏ đan xen, hàng rào, cột đèn, cửa sổ... tất cả đều toát lên hình ảnh yên bình, êm dịu và đôi khi đượm buồn của 1 mùa đông sắp đến.
Đi dọc 2 bên bờ con sông Rhein bạn sẽ cảm nhận được ngay cái lạnh thật sự của mùa đông, sự rét buốt đến từ mọi hướng, gió lạnh thổi phất vào mặt và môi bạn mà nếu không được bôi bằng son giữ ẩm sẽ nhanh chóng khô lại và nứt ra. Tuy vậy, bạn sẽ cảm thấy yêu quí và trân trọng hơn những gì bạn có trong tay, những tình cảm ấm nồng, trái tim nhiệt huyết và một chút gì đó băn khoăn bức bối của lòng tự hào dân tộc khi thấy thành tựu khá đồ sộ ở nước bạn.
Nghệ sĩ đường phố là một đặc trưng ngộ nghĩnh ở các nước phát triển. Họ ăn mặc y như mọi người, đến một gốc cây nào đó, trải các bản nhạc ra rồi cầm guitar ngân nga bài Jingle Bell hoà theo không khí Noel đang đến gần. Họ hát rất hăng say, như thể là một niềm vui tuyệt vời được chia sẻ giọng hát, tiếng đàn với mọi người vậy. Nế bạn thích thú hay tán thưởng vì những giai điệu réo rắt này, bạn có thể trả cho anh ta vài chục cent cho sự nhiệt tình với âm nhạc.
Ý thức môi trường cao quá
Nhà ga xe lửa (còn ở sân bay Frankfurt thì khỏi nói rồi) tuy rằng ko phải là sạch như lau như ly nhưng rõ ràng việc tìm kiếm một mẩu rác nhỏ (tàn thuốc hay bã kẹo cao su...) thì rất là khó khăn. Mọi người đều ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Thùng rác được chia làm 2 đến 3 ngăn, với màu sắc và ký hiệu cho từng loại rác, đồng thời được chú thích bằng cả tiếng Anh và tiếng Đức. Cơ chế phân loại rác thì cũng...xưa như trái đất, với việc phân loại : thuỷ tinh, nhựa, giấy, rác hữu cơ ra từng ngăn cụ thể. Ấy thế mà được mọi người tuân thủ triệt để và do đó, hình ảnh nước Đức ấn tượng với tôi nhất chỉ đơn giản là 1 lời nhận định chợt buột miệng thốt ra “ý thức của người dân cao quá” .
Một điều khá lạ là dọc các con đường, số lượng các thùng rác rất ít, và chúng là các cột bằng inox được thiết kế khá nhỏ gọn, đặt ven đường. Và cũng như mọi khi, các loại rác thải (ly giấy, ly nhựa, bao nylon...) rất ít gặp trên đường. Không biết hệ thống thu gom rác thải ở đây hoạt động cụ thể ra sao, chứ tuyệt nhiên ko hề thấy cảnh những thùng rác to đùng, chứa chật cứng rác thải mà chưa kịp dọn dẹp.
Đi mua sắm cũng rất thú vị, hầu như các cửa hàng và siêu thị đều để cho khách vào xem hàng và lựa chọn rất tự do, tuyệt nhiên không hề thấy nhân viên đứng canh chừng hay bắt phải gửi túi đồ gì cả. Và ở quầy thu ngân, tuy người bán sử dụng bao nylon để gói hàng, nhưng ở mỗi bao đều có biểu tượng “sản phẩm thu hồi để tái chế” (hình tam giác với 3 mũi tên nối tiếp nhau). Thường thì các loại bao giấy hay loại bao nhựa thân thiện với môi trường chiếm ưu thế hơn ở các shop bán lẻ.
Ở các shop lớn thường có máy nước nóng-lạnh cho khách mua hàng, và tôi đặc biệt chú ý đến loại ly được sử dụng. Đó là loại ly giấy, được cuộn lại đơn giản theo hình cái phễu, có kích thước vừa đủ 1 ngụm nước (có thể do cuộn đơn giản thôi, nên khi rót vào, nước sẽ rỉ ra 1 ít ở đáy phễu), sau khi uống xong thì các ly giấy này được thả vào 1 ống đựng ly giấy sau sử dụng ở kế bên để đem đi xử lý. Rất đơn giản, gọn nhẹ và hợp vệ sinh và thân thiện với môi trường so với sử dụng ly nhựa thông thường.
Người dân chủ yếu đi bằng xe điện ngầm và xe buýt và xe đạp. Khu vực công cộng có một hàng cột sắt, ở đó người đi xe đạp đến, chỉ việc khoá xe đạp vào đó là xong (không cần phải chạy kiếm chỗ gửi xe đạp). Ở trên lề đường, hoàn toàn thông thoáng và khá rộng rãi nên một số đoạn còn được kẻ làn đỏ dành riêng cho xe đạp chạy trên đó.
Những người trẻ chung sức vì môi trường
Chuyến du khảo tại Đức chủ tạo điều kiện cho hơn 49 con người trẻ đến từ 16 quốc gia có cơ hội gặp mặt, tiếp xúc, làm quen, thảo luận và quan trọng là tạo mạng lưới cộng đồng đại sứ môi trường trên toàn thế giới. Các envoys (đại sứ của cộng đồng - tên gọi thân mật, thay vì là byee) là những bạn trẻ yêu môi trường và có chung sự khát khao xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn.
Có anh bạn Ramon Lorenzo từ Philippines khởi động chương trình “One Century, One Clean University Initiative” nhằm làm sạch và trang hoàng khuôn viên đại học Philippines nhân 100 năm kỷ niệm thành lập trường. Cô bé Kantaya học sinh cấp 3 ở Thái Lan với dự án nhỏ về sử dụng động vật vi sinh trong việc phân giải các loại rác thải hữu cơ, phụ phế phẩm từ nông nghiệp đồng thời kết hợp với việc cải thiện chất lượng đất nông nghiệp ở Thái Lan. Dù rằng cô bé sống ở thủ đô Bangkok nhưng lại đặc biệt quan tâm đến các vùng quê nghèo ở Thái Lan. Sau chuyến fieldtrip vừa qua, Kantaya tiếp tục tham gia dự án trồng cây xanh bảo vệ đất chống xói mòn ở tỉnh gần Bangkok.
Anh bạn Cheon-Yeong Hwang đến từ thành phố Kobe, Hàn Quốc thành công nhờ vịêc nghiên cứu tăng cường khả năng hấp thụ kim loại nặng bằng các loại thực vật đặc trưng ở Hàn Quốc. Kết quả này được đánh giá khá cao trong việc đem ra ứng dụng để lọc sạch nước bằng biện pháp thân thiện với môi trường. Cô bé Hyun-Joo Oh đang theo học năm 2 chuyên ngành Quan hệ quốc tế, tiêu biểu với bài viết về mối quan hệ giữa sự phát triển các hình thái xã hội và quan niệm bảo vệ môi trường. Bạn còn cho biết ước mơ trong tương lai là trở thành nhà lãnh đạo có tầm nhìn về bảo vệ môi trường nhằm đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường thật sự hiệu quả (theo cách tiếp cận top-down, từ trên xuống).
Chúng tôi có nhiều buổi nói chuyện liên quan đến các dự án mà mỗi envoy đang ấp ủ thực hiện. Lúc thì tản bộ dọc các con đường trong downtown, lúc khác thì ở phòng ăn, phòng chờ ở khách sạn. Nhưng nhiều nhất vẫn là các buổi nói chuyện trên xe buýt trong khoảng thời gian di chuyển đến các địa điểm nghe thuyết trình, tham quan phòng thí nghiệm. Đề tài đa dạng, từ việc hỏi sơ lược về đất nước con người văn hoá của nhau, đến việc hỏi “mai mốt học ngành đó ra tính làm gì?” rồi chia sẻ trăn trở công việc, tương lai với các mối bận tâm chung cho xã hội, cộng đồng. Đôi khi chỉ cần một ánh mắt, nụ cười, một cái vỗ vai nhau hay cùng cười oà lên mỗi khi giải thích thuật ngữ, cụm từ khó hiểu.
Qua một tuần trao đổi với nhau, tôi cảm thấy thật an tâm khi giờ đây, có nhiều con người trẻ cùng chung chí hướng với mình. Dù khác tiếng nói, nhưng dường như, chúng tôi đã trải qua những kỷ niệm thật sự đáng nhớ. Với tôi, các bạn envoys thật sự là những cộng sự tuyệt vời trong việc hợp tác cùng tất cả các bạn trẻ trên thế giới chung sức bảo vệ môi trường toàn cầu đang ngày một bị đe doạ hiện nay.
Tấn Đức