Nhặt được của rơi, rồi sao?

Khi còn là học sinh cấp 1, chúng ta vẫn thường được thầy cô dặn dò: “Nhặt được của rơi, trả lại người mất”, nhưng khi lớn lên, những trải nghiệm cuộc sống khiến ta khựng lại trước bài học đạo đức sơ đẳng ấy...

Nhặt được của rơi, rồi sao?  - 1
Đừng để mình rơi vào tình huống nhặt được của rơi...“tạm thời bỏ túi” và day dứt mãi. (Hình chỉ có tính chất minh họa)
 

“Tạm thời bỏ túi” và day dứt mãi

 

M.L (lớp 10 trường T) kể lại: "Khi còn học cấp 2, có lần mình nhặt được một chiếc ví dày cộm trên đường đi học về, mở ta toàn là những xấp tiền mệnh giá lớn và các giấy tờ khác. Thế là mình...bỏ lại giấy tờ, rút hết tiền trong ví, lật đật chạy một mạch về nhà và giấu kĩ xấp tiền ấy. Sau đó là một trạng thái tâm lý khá hỗn tạp xuất hiện trong suy nghĩ của mình. Vậy là mình không ngoan, không làm theo lời thầy cô dạy, nếu ba mẹ biết, thầy cô biết, thì chắc mình sẽ xấu hổ lắm.

 

Suốt một thời gian dài, mình ray rứt mãi vì đã không trả, và không biết người bị mất có buồn không. Hiện tại, mình chưa hề sử dụng đến số tiền ấy, vì đó không phải là tiền của mình, nhưng không cách nào mình tìm được chủ nhân của nó mà trả lại. Một bài học thời niên thiếu khiến mình không khi nào quên. Bây giờ, hễ nhặt được món gì là mình tìm mọi cách trả lại. Mình cảm thấy thật nhẹ nhõm khi làm được việc tốt..."

 

Trả mà... bị chửi!

 

Khác hẳn với M.L, B.T (lớp 11 trường G) khẳng định cô bạn chưa một lần "lấy của rơi làm của riêng" mà luôn trả lại cho người mất, vì đó là bài học đạo đức sơ đẳng ai cũng từng được học qua khi ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, hai câu chuyện "người thật việc thật" mà B.T "từng trải" đáng để chúng ta suy nghĩ.

 

Chuyện thứ 1: "Lần nọ, mình nhặt được một chiếc ví thổ cẩm đã cũ, lẫn trong đám cỏ bên vệ đường. Mở ra thì thấy nào là chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ sinh viên, và cả hoá đơn học phí. Tìm đến địa chỉ của người bị mất, mình hoảng hồn khi họ nói: "Thế tiền trong đây đâu? Vài triệu chứ nhỏ nhoi gì! Trả thì trả cho hết đi chứ!". Hôm đó, mình cảm thấy rất hụt hẫng, đâu có ngờ làm ơn mắc oán..."

 

Chuyện thứ 2: "Trong lớp học thêm, vô tình nhặt được chiếc điện thoại (đã cũ), nhưng dù gì thì mình cũng cố tìm chủ nhân để trả. Gọi đến số máy gần nhất trong nhật kí điện thoại, đầu dây bên kia cười lớn: "Cậu ngây thơ quá, cái điện thoại đó tui...bỏ đó, tìm để trả làm gì hả trời! Thôi, giữ xài luôn đi, coi như cậu làm việc tốt nên được...trời thương!". Mình khá sốc...".

 

Nhặt được - xài không ngần ngại

 

Một số khác lại cho rằng: "Của rơi là...của trời. Trời cho thì mình nhận, dại gì trả lại", hoặc họ đã từng "làm ơn mắc oán" như B.T, nên dần dà nhặt được gì là...giữ luôn cái đó.

 

G.P (lớp 12 trường N) được bạn bè xem là có..."số hưởng". Khi thì P nhặt được vài chục ngàn, lúc lại nhặt được một vật dụng gì đó có giá trị và vẫn còn dùng tốt. Lần gần đây nhất, P nhặt được chiếc điện thoại, thế là cậu bạn liền...tháo sim ra ngay vì sợ chủ nhân sẽ gọi đến và truy ra được "tung tích" chiếc điện thoại.

 

Cậu bạn bày tỏ: "Thời nay không ai tốt hết, mình không nhặt thì cũng có người khác nhặt à!"

 

Nếu trả lại của rơi, được gì?

 

Xin thưa, bạn được rất nhiều, tất nhiên, những gì bạn nhận được không hề là giá trị vật chất.

 

Cô bạn của tôi, lần nọ vô tình để quên chiếc điện thoại trong hộc bàn, cứ tưởng là mất vì tìm hoài không thấy. Ngay khi tuyệt vọng nhất, cô bạn bèn lấy điện thoại của người thân nhắn tin vào số máy của mình: "Nếu ai nhặt được, vui lòng gọi lại. Rất, rất cảm ơn!".

 

Vậy mà một lúc sau, có người gọi lại và nói rằng họ nhặt được chiếc điện thoại. Thế là "của rơi" được trả lại "người mất". Bạn tôi phơi phới trong lòng vì còn niềm tin rằng cuộc sống này luôn tồn tại những điều cao quý và tốt đẹp. Từ đó, bạn tôi luôn tự nhủ với lòng rằng, sẽ luôn trả lại của rơi cho người bị mất. Rõ ràng phẩm chất đạo lý tốt đẹp đã được nhân rộng.

 

Mua đồ tại một tiệm tạp hoá, giá trị món đồ là 5 nghìn. Tôi đưa cô chủ tiệm tờ 100 nghìn. Khi cô ta thối lại tôi 455 nghìn, tôi mắt tròn mắt dẹt: "Ủa, con đưa có 100 ngàn mà! Sao cô thối dữ vậy?", cô giật mình: "Ấy chết, cô nhầm, cảm ơn con nha!".

 

Trên đường về nhà, tôi vui vui trong lòng.

 

Theo Twinkle
Mực Tím

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm