Nhân tài bức xúc về điều kiện làm việc trong nước
Nhân tài cần được tạo điều kiện làm việc tốt trong nước hay phải cống hiến trước khi đòi hỏi đãi ngộ là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất tại buổi Tọa đàm “Rèn đức và luyện tài thời kỳ đổi mới” ngày 12/7 tại Hà Nội.
Cuộc tọa đàm quy tụ sự tham gia của hơn 20 học sinh từng đoạt giải quốc tế trong nhiều lĩnh vực và một số giáo viên nhiều năm ôn luyện cho học sinh dự thi.
Phan Thị Hà Dương, Huy chương đồng Toán quốc tế 1990, cho biết, đoạt giải quốc tế chỉ là dấu mốc thành công trong việc học tập và là một bằng chứng cho khả năng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, theo chị, việc được tạo điều kiện thuận lợi để làm việc và nghiên cứu mới là vấn đề quan trọng để phát huy khả năng của những nhân tài.
Nhiều học sinh đoạt giải quốc tế bày tỏ mong muốn có môi trường thuận lợi trong nước để được cống hiến. Lê Đình Hùng, Huy chương Bạc Toán quốc tế 2001 nhận định, nhiều học sinh đoạt giải quốc tế, du học nước ngoài rồi ở lại hoặc tìm cách sang nước thứ ba.
"Họ không muốn sống và làm việc ở một nước không phải quê hương mình, nhưng khi tốt nghiệp, họ vẫn quyết định ở lại", Hùng băn khoăn.
Nguyên nhân, theo Hùng, là thiếu thông tin về quê nhà, không xác định được ngành học của mình có phù hợp với điều kiện trong nước và quan trọng hơn, những kiến thức tích lũy sau những năm du học, liệu có được sử dụng và phát huy hiệu quả khi về nước?
Cũng băn khoăn như Hùng, Trần Chiêu Minh, Huy chương bạc Toán quốc tế 2005, cho rằng, nhân tài cần được tạo điều kiện làm việc mới có thể phát huy tốt nhất khả năng. "Chỉ một vài dịp thế này học sinh đoạt giải quốc tế được nhắc đến, còn thông thường họ gần như bị lãng quên sau khi đoạt giải", Minh thẳng thắn bộc bạch.
Ghi nhận băn khoăn của những bạn từng đoạt giải, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi: "Môi trường làm việc tốt sẽ phải như thế nào?".
"Cây toán 2005" Lê Đình Hùng đưa dẫn chứng, ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, sinh viên chỉ có thể lên phòng thực hành 1 - 2 buổi một tuần. Nhưng tại Đại học Nanyang, Singapore, mỗi sinh viên được cấp một máy tính riêng để phục vụ việc nghiên cứu.
Tuy nhiên, hầu hết các bạn khác đã không đưa ra câu trả lời cụ thể.
Thừa nhận những băn khoăn lo lắng trên là một thực tế, song giáo sư Nhuận cho rằng, trước khi đòi hỏi được ưu đãi, những học sinh này nên cống hiến cho đất nước.
Theo Thứ trưởng GD-ĐT Trần Văn Nhung, từ năm 1974 đến 2005, Việt Nam có 532 học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, trong đó 415 người đoạt giải.
Năm 2004 học sinh Việt Nam đạt thành tích cao nhất khi đứng thứ 4 thế giới về Toán với 2 huy chương vàng và 4 huy chương bạc tại Athens, Hy Lạp. |
"Có cống hiến cho xã hội mới được tôn vinh", ông Nhuận nói. Dẫn ra ví dụ chứng minh cho sự "hy sinh" cần có ở những du học sinh, một thày giáo kể về một Tiến sỹ Toán học tại Pháp đã từ bỏ vị trí với mức lương vài nghìn Euro để về nước với mức lương hơn triệu đồng một tháng trong cơ quan nghiên cứu nhà nước.
Chia sẻ quan điểm với ông Nhuận, thày Đinh Xuân Dũng cho rằng, học sinh giỏi cần rèn đức trước khi luyện tài, cần trăn trở vì đất nước còn thua kém thế giới và góp sức hơn là đòi hỏi đãi ngộ.
Không hẳn đồng tình trước những ý kiến này, thầy Đỗ Bá Khôi, Phó hiệu trưởng trường Hà Nội Amsterdam cho rằng nếu chỉ đòi hỏi nhân tài cống hiến, hy sinh là không còn phù hợp: "Nên cho các em quyền chọn lựa nơi học và làm việc, nơi nào tốt nhất cho sự phát triển của các em", thầy Khôi đề xuất.
Đồng cảm với băn khoăn của các bạn trẻ ông cũng cho rằng, với điều kiện nghiên cứu trong nước như hiện nay sẽ khó phát huy được khả năng của những du học sinh. "Những nhân tài sẽ dần bị mai một", người thầy từng nắm trong tay nhiều học sinh đoạt giải quốc tế nhìn nhận.
"Theo tôi, ngành nào mà trong nước kiến thức của các em dùng được thì hãy về, với những ngành điều kiện trong nước chưa thuận lợi, các em nên ở lại nước ngoài làm việc, trau dồi trình độ và trở về khi trong nước đã tạo được môi trường làm việc tốt", thày Khôi đưa ra giải pháp.
Tán đồng với ý kiến này, Hoàng Đức Việt Dũng, giải Nhì Tin học quốc tế 2001, cho biết bản thân đang tìm việc tại nước ngoài. "Tôi nghĩ rằng 5 đến 10 năm nữa chúng tôi đóng góp được nhiều hơn cho đất nước là ngay bây giờ sau khi tốt nghiệp đại học".
Theo Ngọc Châu
Vnexpress