Nhà văn Trang Hạ: Nhờ văn hóa giao thông “tử tế” mà... lấy được chồng

(Dân trí) - 16 năm trước, nếu như chị Trang Hạ không tử tế quay lại giúp đỡ người đã gây tai nạn giao thông cho mình, có lẽ đến nay chị đã không có ba đứa con xinh xắn và giống hệt anh.

Trong buổi trò chuyện với các bạn trẻ về chủ đề an toàn giao thông tối qua (9/10), nữ nhà văn Trang Hạ đã kể một câu chuyện riêng tư và hết sức thú vị. Đó là câu chuyện của chính chị và người đàn ông đã là chồng chị trong 15 năm qua.

Nhà văn Trang Hạ trong buổi tọa đàm về an toàn giao thông mang tên Vì bạn còn có ngày mai

Nhà văn Trang Hạ trong buổi tọa đàm về an toàn giao thông mang tên "Vì bạn còn có ngày mai"

Chị kể: “16 năm trước, một đêm cuối mùa xuân, trên đường đi học ngoại ngữ về, mình bị một gã say đâm xe vào mình. Cả hai cùng ngã lăn quay, tay chân sứt sẹo còn xe thì hỏng tùm lum. Sửa xe xong, mình về thẳng nhà vì lo lắng mẹ ốm nặng đang chờ.
 
Về nhà thấy mẹ vẫn đang ngủ say, mình yên tâm rồi thì nghĩ khổ thân gã đâm mình. Gã bị thương cũng tội nghiệp. Thế là mình đi ra tiệm thuốc, mua hết 11 nghìn tiền bông băng và cồn I-ốt, rồi quay lại tiệm sửa xe băng vết thương cho gã.
 
Gã có vẻ cảm động, bèn hỏi số điện thoại của mình. Hai tuần sau thì nhận lời yêu nhau. Rồi ở với nhau được mười mấy năm cho tới tận bây giờ”.

Câu chuyện có thật của chị Trang Hạ là bài học trong việc ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Qua chuyện may mắn “được chồng” nhờ ứng xử văn minh, nữ nhà văn muốn đề cập tới vấn đề văn hóa giao thông của người Việt Nam.

"Nếu lúc đó mình mà tay chống nạnh chửi vài câu, đòi bồi thường, hoặc tìm cách hôi của như các vụ đụng xe bây giờ, thì có khi đến bây giờ vẫn còn ế chồng ", chị hài hước.

Vì vậy, nhà văn Trang Hạ kêu gọi: “Hãy cố gắng đừng trở thành người nổi giận khi tham gia giao thông. Chúng ta có thể cư xử đẹp nơi văn phòng, công sở, nhưng sao khi tham gia giao thông thì cư xử lại hoàn toàn khác?”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bình luận về ý thức tham gia giao thông của người trẻ

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bình luận về ý thức tham gia giao thông của người trẻ

Cùng góp mặt trong buổi chia sẻ về an toàn giao thông với các bạn trẻ, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Quy luật rất khác thường tại Việt Nam là khi tham gia giao thông chỉ cần nhìn phía trước, tránh người đằng trước còn người đằng sau không càn quan tâm vì tự họ sẽ phải tránh mình. Đó là quy luật thiếu sự văn minh”.

Nhà thơ cũng kể một câu chuyện từ Hội nghị APEC tại Việt Nam cách đây không lâu, hình ảnh ấn tượng nhất là một thủ tướng quốc gia nước ngoài chạy bộ quanh Hồ Gươm không cần lực lượng bảo vệ đi cùng. Điều đó cho thấy đất nước chúng ta rất thanh bình.
 
Nhưng đất nước thanh bình như vậy mà số người chết vì giao thông còn nhiều hơn chiến tranh. Có người ngồi trong nhà, đi trên vỉa hè mà vẫn chết oan uổng vì tai nạn giao thông.

Thế hệ trẻ ngày nay cần phải có trách nhiệm với cuộc sống của bản thân và cả xã hội. Trách nhiệm đó không cần là những điều “đao to búa lớn” hay để lại những thành tựu vĩ đại, mà được thể hiện ngay từ những việc nhỏ, suy nghĩ và hành động trong cuộc sống hàng ngày, trong đó có việc ý thức đúng và hành xử có trách nhiệm khi tham gia giao thông. Đây cũng chính là thông điệp của buổi tọa đàm “Vì bạn còn có ngày mai” nói trên.

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm