Nhà văn Trang Hạ: Bạn trẻ tuổi 18 thích son Louboutin thay vì quan tâm gia đình, xã hội

(Dân trí) - Nhà văn Trang Hạ cảm thấy tiếc rằng nhiều bạn 18 tuổi vẫn đang thích xem quảng cáo son Louboutin giá 100 đô-la chứ không quan tâm tới trách nhiệm mà người trưởng thành cần có với gia đình và xã hội.

Chiều 14/9, sinh viên Hà Nội có buổi giao lưu chủ đề “Cơ hội trưởng thành” với nhà văn Trang Hạ tại trường Cao đẳng FPT Polytechnic.

Nhà văn - diễn giả Trang Hạ trò chuyện cùng sinh viên
Nhà văn - diễn giả Trang Hạ trò chuyện cùng sinh viên

Nhà văn Trang Hạ tốt nghiệp khoa Tiếng Trung, trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Chị vừa là một nhà văn, nhà báo và cũng là một diễn giả được giới trẻ yêu mến. Trang Hạ thường nói về quan điểm sống trên Facebook cá nhân có gần 450.000 theo dõi và thu hút nhiều bình luận.

Nhà văn - diễn giả Trang Hạ chia sẻ với các bạn sinh viên: "Những gì chúng ta bỏ ra ngày hôm nay sẽ được nhận “lãi suất” vào một ngày nào đó trong tương lai. “Lãi suất” đó ra sao là do thái độ sống của các bạn".

Nhà văn Trang Hạ đã kể câu chuyện chị mất 10 năm để đạt được ước mơ chạy xe phân khối lớn trên đường phố Đài Loan. Để đạt được ước mơ này, chị đã theo học khoa Tiếng Trung, rồi tiếp tục học Thạc sĩ ngành truyền thông ở Đài Loan, kiếm việc làm thêm để tự mua được một chiếc xe phân khối lớn. Chị đã chủ động cầm danh thiếp đến khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm và gặp được những người giúp chị chạm đến cơ hội kiếm được tiền mua xe.

Chị Trang Hạ kể: “Thời tôi học đại học, người ta thường chế giễu rằng “trai khoa Triết, gái khoa Trung” vừa “hâm” vừa xấu nhưng tôi vẫn lựa chọn như vậy. Sau này tôi lại nghe người ta nói “nhà văn nói láo nhà báo nói dối”, thế mà tôi vừa viết văn, vừa viết báo. Và tôi vẫn làm những việc tôi yêu thích. Tôi nghĩ rằng bạn đừng quan tâm tới những điều người khác nói mà hãy theo đuổi ước mơ của bạn”.

Buổi trò chuyện giữa nhà văn Trang Hạ và sinh viên
Buổi trò chuyện giữa nhà văn Trang Hạ và sinh viên

Chị Trang Hạ khuyên các bạn trẻ: “Khi bạn còn trẻ hãy đầu tư cho bản thân thật nhiều. Đầu tư cho bản thân, tức là bạn trả tiền, bỏ thời gian cho việc học, học được càng nhiều càng tốt. Không ai vẽ cho bạn bản đồ của tuổi trẻ.

Có thể có những nấc thang danh vọng thường thấy như là: nhà lầu xe hơi, vợ đẹp con khôn, có danh vọng, đi ra nước ngoài... nhưng đó không phải là mẫu số chung. Tôi hi vọng bản đồ cuộc đời các bạn sẽ được vẽ bằng những cách an toàn nhưng thú vị”.

Chị Trang Hạ cảm thấy tiếc rằng nhiều bạn 18 tuổi vẫn đang thích xem quảng cáo son Louboutin giá 100 đô-la chứ không quan tâm tới trách nhiệm mà người trưởng thành cần có với gia đình và xã hội. Chị cho rằng giáo dục ở Nhật rất hay khi dạy cho công dân ý thức trách nhiệm từ khi còn bé.

Các bạn sinh viên rất tâm đắc với chia sẻ của diễn giả Trang Hạ nên đã đặt nhiều câu hỏi cho chị. Trong đó, bạn Hương Giang hỏi rằng: “Giữa cơ hội và giấc mơ chị chọn cách nào để trưởng thành?”

Nhà văn Trang Hạ nói: “Vì sao bạn không chọn cơ hội là chính giấc mơ của bạn. Mỗi người đều có nhiều lựa chọn và chúng ta chuẩn bị cho một giấc mơ đầy đủ hơn là chuẩn bị cho cơ hội. Tôi hi vọng cơ hội và giấc mơ của bạn không bắt bạn phải hi sinh cái này để chọn cái kia”.

Các bạn sinh viên bàn luận về quan điểm sống với chị Trang Hạ.
Các bạn sinh viên bàn luận về quan điểm sống với chị Trang Hạ.

Trang Hạ nói thêm rằng: “Trên thế giới luôn luôn có hai loại người: loại người kiếm tiền để làm những thứ mình thích và loại người chỉ làm những việc mình thích và từ đó có tiền. Tôi là người làm việc mình thích. Nếu như bạn biết ước mơ của bạn ở đâu thì có cả một chân trời trước mặt. Chúng ta bắt đầu giấc mơ bằng cảm xúc nhưng để hiện thực hoá điều đó cần rất nhiều năng lực”.

Bạn Phạm My - một sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ hoạ hỏi nhà văn về cách sống “yêu bản thân”. Chị Trang Hạ trả lời rằng: “Yêu bản thân là không bạc đãi bản thân. Bạn nằm trong trạng thái nào mà bạn cảm thấy tốt nhất, thoải mái nhất.

Nếu như bạn buộc phải đối xử tệ với bản thân để làm hài lòng người khác thì chính là bạn đang bạc đãi bản thân. Ví dụ như tôi luôn mặc quần jean, áo phông cho hầu hết mọi hoạt động thường ngày của mình. Đã từng có người có ý kiến với tôi khi tôi tham gia cuộc họp mà không mặc trang phục công sở, nhưng tôi cho rằng đâu có điều khoản nào trong hợp đồng lao động yêu cầu tôi như vậy”.

Mai Châm