Nhà sáng chế của thế hệ 9x
(Dân trí) - Sinh năm 1990, đến nay chàng sinh viên Huỳnh Khải Dũng đã sở hữu trên 50 sản phẩm sáng chế. Tất cả đều là ý tưởng của Dũng và được tự tay Dũng mày mò chế tạo nên. Đặc biệt, Dũng có nhiều sáng chế khiến mọi người bất ngờ vì ý tưởng độc đáo.
11 tuổi sáng chế máy phát điện dùng năng lượng gió
Huỳnh Khải Dũng sinh năm 1990 trong một gia đình người Hoa ở quận 6, TPHCM. Dũng từng làm chủ nhiệm lâm thời CLB Robot của Nhà văn hóa Thanh niên. Hiện Dũng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo Trường THPT Bình Phú cũng ở quận 6.
Tính đến nay, chàng sinh viên năm 2 ngành Cơ - điện tử, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã có gần 10 năm mày mò, lắp ráp những sản phẩm “không giống ai”. Nhà nghèo, ít đồ chơi nên anh chàng tìm cách tháo cái này, lắp vào cái cho vui mắt. Mới học lớp 3, cậu nhóc đã ráp được con lân tí hon từ những vật dụng bỏ đi.
Hè lớp 6, từ máy cát-sét cũ bỏ đi, Dũng chế thành máy phát điện dùng năng lượng gió. Lúc đó, chưa hiểu gì về nguyên lí của máy phát điện nhưng Dũng suy luận theo kiểu: nếu dòng điện có thể làm quay mô tơ kéo băng cát-sét thì làm ngược lại chắc sẽ tạo ra điện.
Ý tưởng là quan trọng nhất
Nói về các sáng chế độc đáo của mình, Dũng bật mí: “Quan trọng nhất là ý tưởng, sau đó phải tìm cách thực hiện sao cho đơn giản và sản phẩm phải mang tính thiết thực. Hễ thấy cái gì lạ thì quan sát và đặt câu hỏi: nó là cái gì, nhiệm vụ là gì, có cái gì thay thế cho nó không và nó có thể thay thế cho cái gì?”.
Sáng chế của Dũng đều xuất phát từ chính những khó khăn của mình và những người xung quanh. Như ý tưởng làm máy báo vấp ngã dành cho bà bầu và người già nảy ra khi cậu nghĩ về bà nội 92 tuổi thường ở nhà một mình. Dũng chế tạo một vòng dây đeo tay có cảm biến rung động. Khi người vấp ngã, cảm biến bị kích hoạt sẽ phát ra sóng vô tuyến, kích hoạt thiết bị báo động âm thanh. Đồng thời một máy thu tín hiệu sẽ nhấn nút cuộc gọi nhanh để nhá máy cho người thân.
Ý tưởng là quan trọng nhất nhưng việc chế tạo ra nó cũng là một vấn đề không nhỏ. Thức khuya đến 3 giờ sáng là chuyện thường đối với Dũng. Dũng làm việc theo kiểu: trước tiên suy nghĩ về cách sản phẩm hoạt động thế nào, sau đó quay ngược lại tìm nguyên lí hoạt động. Cũng có khi Dũng tìm hiểu một thiết bị tương tự rồi áp dụng cho sáng chế của mình.
Với những khám phá “nhiệt tình” của Dũng, ban đầu cả gia đình phát hoảng lên khi mọi thứ trong nhà từ tivi, cát-sét đến đầu đĩa, đồng hồ treo tường đều bị cậu út tháo tung ra. Nhưng sau đó họ cũng quen dần.
Nói về người học trò của mình, thầy Phạm Duy Phương, trợ lý Đoàn thanh niên Trường THPT Bình Phú, quận 6, TPHCM cho biết: “Có nhiều sáng chế nhưng Dũng không giấu nghề, biết được gì là chỉ hết cho đàn em nên CLB trường rất phát triển”. Tuy học đại học nhưng suốt ngày Dũng ở Trường THPT Bình Phú để hướng dẫn học sinh chế tạo mô hình.
Dũng không ngần ngại chia sẻ những thất bại của mình. Để có được hơn 50 sáng chế, Dũng đã thất bại hàng trăm lần. Cái nào làm không được, Dũng để dành sau này có thêm kiến thức quay lại chế tạo tiếp. Dũng luôn tâm niệm: “Sau đắng cay là ngọt bùi”. Và ngọt bùi ấy với Dũng là niềm vui sướng khôn tả khi hoàn thành một sáng chế.
"Nhà sáng chế 9X" Huỳnh Khải Dũng cũng từng “rinh” nhiều giải thưởng cho các sản phẩm sáng chế của mình:
Năm học 2007-2008: Dũng giành giải nhất cuộc thi sáng tạo cấp trường với máy giao thoa sóng nước và giải người có nhiều sản phẩm dự thi nhất.
Năm học 2008-2009: Dũng giành giải nhất sáng tạo Bình Phú với máy báo vấp ngã dành cho bà bầu, người già; giải nhì với thiết bị báo quên mũ bảo hiểm.
Năm 2009: Dũng giành giải nhì cuộc thi Thanh thiếu niên tham gia đề xuất các giải pháp và ý tưởng tiết kiệm năng lượng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức với sản phẩm mũ bảo hiểm thông minh và giải khuyến khích với sản phẩm máy phát điện mini.
Tháng 1 năm 2010: Dũng nhận giải khuyến khích cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ do Thành đoàn TPHCM tổ chức với sản phẩm mũ bảo hiểm thông minh. |
Bài và ảnh: Hiếu Hiền