Nhà báo Tùng Chi: Đường lên đỉnh Olympia - Không có sự ưu ái trong cuộc thi trong sáng này

Theo chia sẻ của nhà báo Tùng Chi, Phú Vinh đã nhận được một chiếc vòng nguyệt quế kỷ niệm từ chương trình. Đây là một niềm vui không trọn vẹn của em cũng như ê-kíp.

Ngày 9/3, ê-kíp chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã có câu trả lời về sai sót trong cuộc thi tuần 2 tháng 1 quý 3 của Đường lên đỉnh Olympia 2017.

Trong phần trả lời của mình với báo chí, ê-kíp chương trình đã gửi lời xin lỗi về sai sót đáng tiếc này, tuy nhiên cũng cho biết, theo luật của chương trình, kết quả sau mỗi cuộc thi không được phép hủy bỏ. Theo đó, Thanh Tùng sẽ vẫn là người giành giải cao nhất của cuộc thi tuần 2 tháng 1 quý 3 của Đường lên đỉnh Olympia 2017.

Ngay sau khi phần trả lời được đưa lên truyền thông, đã có rất nhiều luồng ý kiến phản ứng lại quyết định này và PV đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Tùng Chi – Phó trưởng Ban sản xuất các chương trình Giải trí, Đài THVN. Chị cũng là đạo diễn của chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

Đây không phải lần đầu tiên chương trình Đường lên đỉnh Olympia của mình gặp sự cố liên quan đến kết quả. Cảm giác của chị như thế nào vào lúc này?

Cảm giác lớn nhất của tôi lúc này là tiếc. Tôi tiếc vì ban cố vấn cũng như ê-kíp chương trình đã không đủ tỉnh táo để nhận ra sai sót của mình vào thời điểm ghi hình, dẫn đến việc không thể hủy bỏ kết quả vào thời điểm hiện tại theo luật của Đường lên đỉnh Olympia.

Điều này đã dẫn đến việc em Phú Vinh không được bước lên bục để nhận vòng nguyệt quế mà lẽ ra em ấy xứng đáng có và em Thanh Tùng thì cũng không có được niềm vui trọn vẹn sau sự việc.

Chắc chắn là với sự cố này thì không ai vui cả và thật khó để có một cách giải quyết nào đó thực sự trọn vẹn, thực sự công bằng cho tất cả.


Nhà báo Tùng Chi. (ảnh Mai Châm)

Nhà báo Tùng Chi. (ảnh Mai Châm)

Ngày 9/3, ê-kíp của chương trình đã giải thích về sự sai sót nhưng khán giả dường như chưa thỏa mãn. Rất nhiều luồng ý kiến được đưa ra sau đó, trong đó ý chính nhất là tại sao mình thừa nhận sai nhưng không sửa kết quả? Rằng theo cách thông thường, khi thừa nhận sai thì mình phải sửa cái sai đó. Chị thấy ý kiến và đòi hỏi này có quá không?

Mong mỏi đó là hoàn toàn chính đáng vì tôi trước hết cũng là một khán giả. Tôi rất hiểu mong mỏi đó. Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng mong muốn cái sai cần phải được nhìn nhận, hậu quả cần phải được khắc phục - sau khi cái sai đã được thừa nhận - theo một cách tốt nhất, công bằng nhất và không để nó lặp lại trong tương lai. Chắc chắn là chúng tôi không muốn làm sai để các em học sinh phải chịu thiệt thòi và uy tín của chương trình, của cơ quan mình và bản thân mình bị ảnh hưởng.

Trong sự việc này tôi muốn chia sẻ với khán giả dưới 2 góc độ. Ở góc độ là một cơ quan báo chí, khi phát hiện ra sai về kiến thức và thông tin thì chúng tôi phải sửa và đính chính lại cũng như xin lỗi vì những sai sót của mình. Ngày 9/3 chúng tôi đã có trả lời chính thức về việc này.

Ở góc độ là một trò chơi trên truyền hình, Đường lên đỉnh Olympia cũng như tất cả các chương trình trò chơi khác, tức là nó có luật chơi riêng của mình mà mỗi thí sinh khi quyết định tham gia đều tự nguyện tuân thủ theo và được luật này bảo vệ. Mỗi chúng ta đều bình đẳng trước pháp luật và điều này cũng đúng trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Mọi thí sinh đều được tôn trọng và đối xử bình đẳng khi đến đây.

Khi tham gia chương trình, không chỉ các em mà cả người đi cùng (thầy cô, gia đình) đều được phổ biến về các quy định cũng như luật của chương trình như thế nào. Một trong những quy định của chương trình là chỉ các em thí sinh dự thi mới có quyền khiếu nại về tính đúng sai (về câu hỏi, về quyết định cho điểm) trong lúc chương trình ghi hình. Ý kiến của thí sinh sẽ có giá trị trong phần thi đó và trong cuộc thi đó.

Trong trường hợp có thắc mắc của thí sinh, ban cố vấn sẽ đưa ra giải đáp và ý kiến của ban cố vấn sẽ là quyết định cuối cùng. Điểm số được ghi nhận sau phần thi về đích (với chữ ký xác nhận của các em) sẽ là kết quả cuối cùng của cuộc thi và kết quả đó không được hủy bỏ. Đó là luật của Đường lên đỉnh Olympia mà bất cứ thí sinh nào khi tham gia cũng đã hiểu rõ và làm theo.

Đó là một trong số các quy định của Đường lên đỉnh Olympia mà chúng tôi cũng phải tuân theo.

Nghĩa là các em sẽ ký một giấy cam kết trước khi chấp thuận tham gia?

Đúng vậy. Giấy cam kết ấy không chỉ quy định nội dung như tôi vừa nói ở trên mà còn nhiều điều khác, ví dụ như phải chịu mức thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nhà nước ở thời điểm nhận thưởng hay thí sinh bị buộc phải dừng chơi nếu bị phát hiện gian lận,… và cả việc các em đảm bảo rằng mình đủ sức khỏe và sự tỉnh táo khi ký vào bản cam kết của chương trình.


Thanh Tùng và Phú Vinh (ngoài cùng bên phải) trong cuộc thi tuần 2 tháng 1 quý 3 của Đường lên đỉnh Olympia 2017.

Thanh Tùng và Phú Vinh (ngoài cùng bên phải) trong cuộc thi tuần 2 tháng 1 quý 3 của Đường lên đỉnh Olympia 2017.

Sau khi sự việc diễn ra, bên chị có trò chuyện với em Vinh không?

Có! Chúng tôi vẫn làm đúng trách nhiệm của một cơ quan báo chí là đính chính và xin lỗi khi mình đưa thông tin sai. Chúng tôi không chỉ gửi lời xin lỗi trên báo điện tử VTV News, trên fanpage của chương trình mà cá nhân tôi, với tư cách đại diện của Đường lên đỉnh Olympia, đã trực tiếp gọi điện thoại cho em Vinh và gia đình em để gửi lời xin lỗi về sự cố đáng tiếc ấy.

Vì nếu không có sự cố tại trường quay hôm ấy thì em đã được giải nhất của chương trình. Chúng tôi cũng thông báo với em là chúng tôi không thể thay đổi kết quả vì những điều khoản trong cam kết như đã nói ở trên.

Phản ứng của em ấy như thế nào?

Lúc tôi gọi điện thoại thì Vinh vừa đi học về. Em ấy bất ngờ khi nhận được cuộc điện thoại của tôi và tiếp nhận thông tin một cách khá bình thản. Em ấy bảo đối với em đó là một cuộc thi và cuộc thi ấy cũng đã xong.

Em ấy chỉ có đề nghị là nếu có thể thì chương trình gửi cho em một chiếc vòng nguyệt quế để làm kỷ niệm vì vòng nguyệt quế là mơ ước của em. Chúng tôi đã gửi cho em một chiếc vòng nguyệt quế và hy vọng là giờ này nó đã đến với em.

Chiếc vòng nguyệt quế ấy hy vọng sẽ là một kỷ niệm - dẫu không thể trọn vẹn - nhưng cũng là niềm vui nho nhỏ và là một niềm an ủi cho em và cho cả ê-kíp chúng tôi nữa trong câu chuyện này.

Khán giả thì luôn có những đòi hỏi và mong mỏi sau mỗi sự việc và có thể, ngay cả sau bài phỏng vấn này với chị, cũng chưa chắc đã đáp ứng được tất cả những mong đợi ấy. Vậy, một điều chị muốn nhắn gửi tới những khán giả sau sự việc này?

Đây không phải là lần đầu tiên Đường lên đỉnh Olympia gặp phải sự cố và tôi nghĩ rằng chắc chắn cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. Sẽ vẫn có những câu hỏi mà những câu trả lời được đưa ra không phải lúc nào cũng hoàn toàn giống như trong đáp án.

Sẽ vẫn có một số trường hợp nào đấy mà ranh giới giữa đúng và sai, giữa chấp nhận được và không chấp nhận được là khá mong manh và gây tranh cãi… để rồi sự việc sau đó dù được quyết định như thế nào thì cũng sẽ không thể có sự công bằng tuyệt đối cho tất cả.

Trong sự việc này, cá nhân tôi không chỉ tiếc cho Phú Vinh mà tôi còn tiếc cho cả em Thanh Tùng. Em ấy không có lỗi gì trong câu chuyện này nhưng tự nhiên mọi thứ lại đi theo chiều hướng là em được ưu ái. Tôi muốn nhấn mạnh rằng không có sự ưu ái cho bất kỳ em nào khi tham gia Đường lên đỉnh Olympia. Và một lần nữa chúng tôi nhận lỗi về sự sai sót đã làm ảnh hưởng đến các em.

Điều khiến tôi buồn nhất là chúng tôi bị đặt câu hỏi là có sự khuất tất gì không khi để xảy ra những việc như vậy và trong trường hợp này là có sự ưu ái nào cho em Thanh Tùng không? Không buồn sao được khi sự trong sáng và niềm tin mà chúng tôi luôn tâm niệm và tự hào suốt bao nhiêu năm luôn bị nghi ngờ mỗi khi xảy ra sự cố.

Và cứ mỗi khi có sự cố xảy ra, chúng tôi lại hiểu rằng những quy định hay quy trình làm việc của mình - dù có cố gắng chặt chẽ đến đâu - cũng vẫn tồn tại những điều mà mình không lường được hết. Và sau mỗi lần như thế chúng tôi lại nỗ lực để nó hoàn thiện hơn, công bằng hơn với tất cả các em.

Qua cuộc trò chuyện này tôi muốn nói để khán giả hiểu Đường lên đỉnh Olympia đã được vận hành như thế nào và nó đã luôn được vận hành như vậy với một động cơ rất trong sáng. Đó là chúng tôi muốn đây là một sân chơi mà khi các em đến đây, đầu tiên là được chơi và sâu xa hơn là truyền cho các em cảm hứng trong việc học.

Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn những tình cảm của khán giả đã và vẫn đang dành cho Đường lên đỉnh Olympia. Bản thân việc khán giả xem và phát hiện ra những sai sót mà chính chúng tôi không đủ tỉnh táo để nhận ra lúc ghi hình cũng chứng tỏ một điều là chương trình có những khán giả nhiệt thành và có vốn hiểu biết rộng như thế nào. Đó là một điều rất đáng tự hào của bất kỳ một chương trình truyền hình nào.

Chúng tôi cũng hiểu rằng những cảm xúc bất bình của một số khán giả chứng tỏ sự kỳ vọng cao của khán giả dành cho chương trình này ra sao. Sự kỳ vọng ấy, đôi khi, còn vượt quá khuôn khổ của một trò chơi trên truyền hình. Những sự kỳ vọng ấy cũng khiến cho trách nhiệm của chúng tôi nặng nề hơn.

Chúng tôi đã, đang và sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với những tình cảm ấy của quý vị khán giả.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Theo Đ.L.N.A

VTV.vn