Nguyễn Việt Dũng: “Chẳng có gì không thể giải quyết được”

Khởi đầu bằng học bổng 2/3 học phí tại ĐH Lancaster. Một năm sau, anh hoàn thành khoá cao học với tấm bằng hạng ưu và ở top 5 sinh viên xuất sắc nhất của trường. Chàng trai ấy là Nguyễn Việt Dũng, cựu sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Sau thành tích này, cả ĐH Lancaster và ĐH Cranfield sẵn sàng cấp học bổng toàn phần cho anh theo học khoá tiến sĩ chuyên ngành tài chính.

 

Tốt nghiệp ngành kinh tế ngoại thương, không chuyên sâu về tài chính nhưng sau 2 năm làm việc tại Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương (VCBS), anh cảm thấy như đã “bắt mạch” được niềm đam mê tài chính của mình và quyết định “dấn thân” vào con đường khoa học, như ông ngoại và bố.

 

Cánh cổng đầu tiên là trường ĐH Lancaster - một trong 5 trường đại học hàng đầu của Anh trong lĩnh vực quản trị và tài chính, ngang tầm với các trường Oxford, Cambrigde và Warwick.

 

Đến với một nền giáo dục hoàn toàn mới mẻ và có truyền thống lâu đời với phương pháp đào tạo thiên về phát huy tiềm năng sinh viên, Dũng bắt đầu với lời tự động viên mình rằng: “Chẳng có việc gì không thể giải quyết được”.

 

Để hoàn thành đề tài “Chính sách cổ tức - Lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm” (Payout Policy - Theories and Evidence), Dũng đã phải nghiên cứu các lý thuyết liên quan và kiểm tra một lý thuyết dựa trên cơ sở dữ liệu của khoảng 2.000 công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán London và phải quên đi những ngày nghỉ cho đến khi nộp bản luận văn. Mọi nỗ lực rồi cũng được đền đáp, bài luận của anh đuợc đánh giá xuất sắc, đạt 84,5% điểm (tại Anh, một đề tài luận văn đạt trên 80% là đủ tiêu chuẩn xuất bản thành sách).

 

Đại học Lancaster là một trong hai trường của Anh được xếp hạng 6 sao về thành tích nghiên cứu và là một trong những trường xuất sắc nhất về đào tạo ngành Kinh tế và Tài chính do Hội đồng Hỗ trợ sau Đại học (Higher Education Funding Council) chứng nhận.

 

Ngoài ra, chương trình đào tạoThạc sỹ Quản trị kinh doanh của trường được Thời báo Tài chính (The Financial Times) và tờ Nhà kinh tế học (The Economist) bình chọn là một trong 100 chương trình Quản trị kinh doanh MBA hàng đầu thế giới, xếp thứ 3 tại Anh và thứ 10 trên toàn châu Âu.

Với Dũng, kiến thức không phải là một chuỗi các sự kiện, hay quy trình mà người học phải học thuộc lòng, kiến thức là một chuỗi logic mà dựa vào đó mỗi người đưa ra lập luận, ý kiến khác nhau. Do đó, kiến thức của mỗi người khác nhau và được tái cấu trúc liên tục. “Sinh viên châu Âu suy nghĩ các vấn đề rất thoáng, không e dè đặt câu hỏi, vì thế họ dễ dàng tiếp cận các vấn đề mới hơn. Suy nghĩ theo hướng mở là điều tôi học hỏi được từ họ” - anh nói.

 

Giáo sư Sue Cox, trưởng khoa Quản lý, cô giáo của Dũng cho biết: “Chúng tôi rất vui về kết quả học tập của Dũng, anh là một sinh viên xuất sắc và kết quả học tập là một phần thưởng xứng đáng. Những kiến thức và kỹ năng Dũng gặt hái được qua khoá học này sẽ thực sự cần thiết trong công việc của anh ấy sau này”.

 

Chàng trai Hà thành bộc bạch: “Ước mơ lớn nhất của tôi là trở thành một chuyên gia nghiên cứu về tài chính tầm cỡ thế giới và có thể góp phần phát triển cộng đồng những nhà nghiên cứu về tài chính ở Việt Nam trở thành một phần trong cộng đồng thế giới. Tôi dự định sau khi học xong sẽ trở về nghiên cứu, giảng dạy để góp phần xây dựng một trung tâm đào tạo và nghiên cứu tài chính tại Việt Nam”.

 

Sự kết hợp giữa thế mạnh nghiên cứu tại trường Lancaster và thế mạnh ứng dụng tại trường Cranfield sẽ giúp anh hoàn thiện kiến thức và kỹ năng để có thể thực hiện được ước mơ trở thành chuyên gia tài chính của mình. Khi nghe cắc cớ: “Liệu điều đó có khả thi không?”, Dũng khẳng định: “Chẳng có chuyện gì là không thể giải quyết được”! 

Theo V.C
Thanh Niên