Nguyễn Lưu Cảnh Hào: “Thủ lĩnh không cần phải là người giỏi nhất”
(Dân trí) - Với Hào, thủ lĩnh không phải là người giỏi nhất mà phải là người nhìn thấy mặt mạnh, mặt yếu của từng người để có “chính sách” phát triển phù hợp. Sau 1 tháng tham dự chương trình “Thủ lĩnh thanh niên ASEAN” ở Mỹ, cậu bạn này đã có kế hoạch rõ ràng hơn cho tương lai.
Đối với Cảnh Hảo, thủ lĩnh không phải là người giỏi nhất mà phải là người nhìn ra mặt mạnh, mặt yếu của từng thành viên.
Là 1 trong 5 học sinh xuất sắc nhất của cả nước được nhận học bổng SEAYLP (Thủ lĩnh thanh niên ASEAN), Nguyễn Lưu Cảnh Hào (lớp 11C5, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đã có 1 tháng tham gia chương trình “Thủ lĩnh thanh niên ASEAN” ở Mỹ.
Cảnh Hào cũng là người duy nhất được lựa chọn đại diện cho bạn trẻ của các nước Đông Nam Á thuyết trình trong buổi lễ bế mạc được tổ chức tại Trường ĐH NIU (Mỹ)
Bức tường nơi phòng khách gia đình chi chít những tấm bằng khen, giấy khen từ thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa của Hào. Thế nhưng, không phải cậu bạn này không có những thất bại trong cuộc đua chinh phục đỉnh cao tri thức.
“Thất bại lớn nhất phải kể đến là “thua kép” trong việc ứng cử vào chức vụ lớp trưởng và giành 1 suất du học tại Singapore năm em mới lên lớp 10. Nguyên nhân của việc thất bại không phải từ kiến thức mà vì em quá tự tin vào mình. Thất bại này đã cho em nhiều bài học quý trong cuộc sống”, Cảnh Hào chia sẻ.
Cảnh Hào cùng các thành viên trong đoàn tham gia giao lưu giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nói về học bổng Thủ lĩnh thanh niên ASEAN (SEAYLP) Cảnh Hào vẫn còn “lâng lâng” niềm vui sướng. Chỉ nhận được thông báo trước khi hạn cuối 9 ngày, Hào phải hoàn thành một bản ghi lý lịch cá nhân cùng 6 bài luận bằng tiếng Anh về các lĩnh vực trong cuộc sống. Bằng tất cả “vốn liếng” tích góp được, Hòa hoàn thành đơn đăng ký tham gia và hồi hộp chờ kết quả.
Đơn được chấp nhận, Cảnh Hào phải tham gia một cuộc phỏng vấn nhóm. “Lúc này, em chưa hình dung được phỏng vấn nhóm là như thế nào. Trong nửa thời gian đầu của cuộc phỏng vấn em chỉ ngồi im và quan sát. Em rút ra một điều, trong một hoạt động nhóm, nếu bạn cứ tỏ ra nổi trội hơn người khác thì bạn đã thất bại.
Thủ lĩnh không nhất thiết phải là người giỏi nhất mà phải là người kết nối được tất cả các thành viên còn lại. Là người phải biết được điểm mạnh, điểm yếu của từng thành viên đến phát huy hoặc có cách khắc phục.
Cảnh Hào (áo vét, đứng) với vai trò trưởng nhóm trong chương trình Thủ lĩnh thanh niên ASEAN tổ chức tại Mỹ tháng 1/2015.
Thay vì thụ động trả lời câu hỏi của người phóng vấn, em mạnh dạn hỏi ngược lại và đề xuất một vấn đề thảo luận nhóm về mối quan hệ của Việt Nam – Hoa Kỳ sau chiến tranh và trách nhiệm của thế hệ trẻ. Chủ đề này sau đó cũng được BTC sử dụng trong phần phỏng vấn cá nhân”, Hào chia sẻ.
Đang ngồi trong giờ học, Hào nhận được tin nhắn báo có mail. Đó là thư thông báo em là 1 trong 5 gương mặt đại diện cho Việt Nam tham gia chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á trong vòng 1 tháng tại Mỹ. “Quên cả việc đang trong giờ học, em hét lên và nhảy luôn lên bàn vì quá vui sướng. Hậu quả là được mời lên phòng thầy hiệu trưởng để làm việc”, Cảnh Hào vui vẻ kể.
Thời gian quá ít để chuẩn bị cho chuyến đi một cách chu đáo nhưng kinh nghiệm tham gia Trại hè Đông Nam Á từ hồi ở Nhật cách đây 5 năm giúp Hào biết mình phải làm gì để thế giới biết thêm nhiều về đất nước mình. Trong hành lý sang Mỹ của Hào đầy ắp những món quà kỉ niệm giới thiệu về con người và đất nước Việt Nam.
"Người trẻ là cầu nối để hàn gắn quá khứ, mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ".
1 tháng ở Mỹ, Cảnh Hào học được rất nhiều điều và rút được cho mình nhiều bài học. Xen giữa những hoạt động của chương trình, Hào tranh thủ giới thiệu về đất nước mình với bạn bè quốc tế. Các hoạt động giao lưu được Hào tận dụng triệt để để hoàn thành “sứ mệnh” của “cậu bé ngoại giao” mà các thành viên trong đoàn đặt cho.
Nhiều người bạn Mỹ, đặc biệt là các bạn trẻ chưa thực sự hiểu hết những vấn đề liên quan đến quá khứ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Bởi vậy, Cảnh Hào cho rằng, sứ mệnh của tuổi trẻ là góp phần hàn gắn quá khứ và mở ra một chương mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
“Em tặng những bức ảnh, những món quà kỉ niệm cho các bạn, giới thiệu cho các bạn những gì em biết về những hình ảnh, về ý nghĩa trên món quà. Em mang theo thật nhiều tiền lẻ để đổi cho các bạn. Có bạn sau khi đổi tiền cho em có nói “Mình biết tiền nước mình có giá trị cao hơn tiền nước bạn”.
Em bảo: “Trên mỗi đồng tiền của nước tôi đều có hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà tất cả người dân nước tôi đều yêu quý và kính trọng. Trên mỗi đồng tiền đều giới thiệu về cảnh đẹp của đất nước. Và chúng tôi tự hào về điều đó”, Cảnh Hào tâm sự về kỷ niệm chuyến đi đặc biệt của mình.
Du học Mỹ là ước mơ của Nguyễn Lưu Cảnh Hào ngay từ khi còn bé cho đến khi đặt chân lên nước Mỹ trong lần tham gia chương trình Thủ lĩnh thanh niên ASEAN. “Từ nước Mỹ trở về, em quyết định sẽ hoàn thành việc học đại học ở trong nước. Em muốn làm việc, được cống hiến ngay trên đất nước mình.
Ở Mỹ có điều kiện học tập và nghiên cứu hơn ở trong nước nhưng khi trò chuyện với các anh chị du học sinh bên đó, ai cũng muốn về đóng góp cho quê hương nhưng kiến thức học được lúc về nước lại không áp dụng được nhiều. Từ những thực tế trải nghiệm qua một tháng ở Mỹ em thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của mình về việc du học”.
Học giỏi, nhảy đẹp và biết chút ít về ghi ta.
Mặc dù không nuôi ước mơ du học như trước nhưng niềm đam mê đối với môn tiếng Anh thì vẫn nguyên vẹn trong Cảnh Hào. Vừa rồi, Cảnh Hào giành được 8.0 trong kỳ thi IELTS được tổ chức ngày 11/7 vừa qua. Em cũng là người thứ 4 tại Nghệ An giành được điểm số này trong kỳ thi IELTS.
Chị Lưu Thị Huyền – mẹ của Cảnh Hào chia sẻ: “Hào biết nói và đi chậm hơn các bạn cùng tuổi. 22 tháng, Hào mới bắt đầu nói và nói được câu dài luôn. Lúc đầu chị dạy học cho cháu sớm chỉ để rèn luyện khả năng ngôn ngữ cho con nhưng Cảnh Hào tiếp thu rất nhanh, thậm chí mẹ chưa dạy cháu cũng đã tự đọc, ghép vần được. Tin vào học lực và khả năng của con nhưng khi Cảnh Hào giành được học bổng Thủ lĩnh thanh niên ASEAN và 8.0 IELTS chị cũng bất ngờ và cũng hết sức tự hào”.
Hiện Cảnh Hào đang cùng các bạn lên kế hoạch tiếp đón “các ma mới” theo truyền thống của Trường THPT Phan Bội Châu. Hào cho biết, em sẽ đăng ký dự thi vào ngành ngoại giao hoặc truyền thông để phát huy tốt nhất khả năng ngoại ngữ của mình.
Hoàng Lam
(hoanghonglam@dantri.com.vn)