Nguyên cố vấn Olympia: “Phương án có thể thay đổi kết quả là không khôn ngoan”

(Dân trí) - Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, người có hơn 10 năm làm cố vấn Toán học Đường lên đỉnh Olympia, tính chính xác về khoa học rất quan trọng nhưng tính cao thượng, khoan nhượng, và bao dung của thí sinh và công chúng dành cho Ban tổ chức là những giá trị không thể bỏ qua.

Những ngày qua, cùng với những phân tích, đánh giá trên cơ sở khoa học về những tranh cãi tại trận Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia, câu chuyện về những người thầm lặng góp phần quan trọng cho mỗi buổi thi cũng được nhiều độc giả quan tâm chia sẻ.

 

Để hiểu rõ hơn những vất vả, đôi khi cả sự cố khôn lường của những người ra đề - đáp án kiêm cần cân nảy mực (nếu cần) của Đường lên đỉnh Olympia cũng như giúp độc giả có thêm góc nhìn đa chiều về vấn đề đang tranh cãi tại chương trình, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn, người có thâm niên hơn mười năm làm cố vấn Toán học của “Đường lên đỉnh Olympia”.

 

Hiện tại thầy Nguyễn Minh Tuấn là chủ nhiệm bộ môn Toán học, khoa Sư phạm, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Thầy giảng dạy các môn cơ sở và chuyên ngành cho sinh viên khoa Toán học và Toán sư phạm, ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Giáo dục (thuộc ĐHQG Hà Nội).
 
Nguyên cố vấn Olympia: “Phương án có thể thay đổi kết quả là không khôn ngoan”
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn tại một hội nghị khoa học. Thầy từng có 10 năm là cố vấn Toán học của "Đường lên đỉnh Olympia". (nguồn: Diễn đàn hội Toán học Hà Nội)

 

PV: Hoàng Bách hoàn toàn có thể khiếu nại lên chương trình (mà theo nhiều ý kiến độc giả, gồm cả ý kiến chuyên gia, cho rằng câu trả lời của Bách hoàn toàn đúng), nhưng Bách và gia đình quyết định chấp nhận kết quả, không khiếu nại gì. Thầy đánh giá thế nào về hành động của Bách?

 

Thầy Nguyễn Minh Tuấn: Cuộc thi nào cũng có thể lệ, quy tắc riêng. Nếu thể lệ quy định rằng: người thắng cuộc được công bố và trao giải ngay sau cuộc thi kết thúc và đó là kết quả cuối cùng (không được khiếu kiện), thì Bách đã thực hiện đúng thể lệ này.

 

Bạn đọc nên nghĩ và đánh giá vấn đề trong khuôn khổ của Thể lệ cuộc thi. Nếu tham chiếu Thể lệ mà Bách có quyền khiếu kiện mà đã không dùng quyền đó, tôi cho rằng đây là hành động đúng mực. Tôi đánh giá cao điều này.

 

Thật vậy, Bách đã không lao theo dòng cuốn của dư luận thường được gắn mác “công bằng, khách quan, khoa học, đúng-sai…”. Thứ nữa, có thể Bách hiểu rằng cuộc chơi này đã kết thúc, cuộc đời mình có rất nhiều điều đáng trân trọng hơn và nhiều thách thức đáng quan tâm hơn.

 

Khi ban cố vấn họp và đưa ra câu trả lời vào sáng ngày 6/8, các ý kiến cho rằng chỉ riêng việc đọc đáp án cũng đã quá 15 giây theo quy định, vậy theo thầy, ban cố vấn đã lường trước đến tình huống này?

 

Ban cố vấn đã lường trước đến tình huống này hay không ư? Hãy dành câu hỏi này cho Ban cố vấn. Theo tôi, đừng mổ xẻ chi tiết tới 15 giây để xem xét một vấn đề khoa học. Hãy tập trung vào vấn đề then chốt.

 

Nhiều ý kiến cho rằng PGS.TS Vũ Quốc Trung quá “nghiêm khắc” khi không cho điểm Hoàng Bách tình huống đó. Thầy có cho rằng áp lực của một trận CK năm được truyền trực tiếp khiến thầy cố vấn Hóa học đưa ra quyết định gây tranh cãi đến vậy?

 

Tôi miễn bình luận về tính nghiêm khắc hay không của thầy Trung. Với kinh nghiệm của tôi, áp lực của cố vấn tùy thuộc vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng hay không cho một cuộc thi bất kể đó là thi tuần, tháng, quý, hay chung kết.

 

Khi  làm cố vấn toán học từ lần thứ nhất với chị Bích Loan đến lần thứ 11, tôi thường xem xét rất kỹ các câu hỏi toán học trước khi ghi hình. Nếu là chung kết, tôi thường đến Đài truyền hình và trao đổi trực tiếp với chị Loan, chị Tùng Chi, và anh Minh Vũ, trước ít nhất một tuần. Bởi vậy, tôi cho rằng thầy Trung có quyền có quan điểm riêng, và có quyền đòi hỏi câu trả lời cụ thể của thí sinh.

 

Còn lời giải đáp mà MC Tùng Chi nêu ra trong chương trình bị nhiều ý kiến cho đó là đáp án sai của chương trình (MC Tùng Chi thay mặt ban cố vấn đọc) nhưng sau đó lại không được nhắc đến khi ban cố vấn họp và công bố. Thầy có nghĩ BTC cần lời giải thích cho vấn đề này?

 

Vì không phải là chuyên gia trong lĩnh vực hóa-sinh, tôi không có một ý kiến nào về đúng-sai của câu hỏi hay đáp án cả.

 

Theo tôi, Ban tổ chức và Ban cố vấn có quyền có quan điểm riêng và họ nên bảo vệ quan điểm của họ trước công chúng. Tuy thế, trong trường hợp này, việc đưa ra câu trả lời thỏa đáng hay im lặng cũng là quyền của họ.

 

Nhiều độc giả cho rằng Hoàng Bách xứng đáng có điểm trong câu hỏi đó và đề nghị một câu hỏi phụ quyết định giữa Trọng Nhân – Hoàng Bách, theo thầy đó có phải là phương án hợp lý?

 

Đấy là ý kiến của độc giả. Cuộc sống có nhiều quan điểm khác nhau. Tôi có một cách tiếp cận khác. Tôi lấy ví dụ trận Chung kết World Cup 1990 mà đội tuyển Đức vô địch bởi một bàn thắng 11m gây tranh cãi.

 

Trọng tài trận chung kết đó có thể bị chỉ trích hoặc phê phán, nhưng đó là kết quả cuối cùng được ghi nhận, và báo chí cùng dư luận đã tiêu tốn biết bao giấy mực về nó. Theo thống kê của tôi, chưa bao giờ có hai trận chung kết trong một cuộc chơi cho dù có thể có những sai sót.

 

Hơn nữa, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn, rằng cố vấn khoa học và MC Tùng Chi cũng là con người nên có thể sai sót, miễn là họ trung thực, vô tư, khách quan, và minh bạch. Về khoản này, tôi tin họ, và tin họ đã tuân thủ đúng Thể lệ cuộc thi.

 

Tóm lại, bất cứ một phương án nào khác có thể làm thay đổi kết quả không phải là khôn ngoan.
 
Nguyên cố vấn Olympia: “Phương án có thể thay đổi kết quả là không khôn ngoan”

Thầy Tuấn khẳng định "tính chính xác về khoa học rất quan trọng nhưng tính cao thượng, khoan nhượng, và bao dung của thí sinh và công chúng dành cho Ban tổ chức là những giá trị không thể bỏ qua".

 

Trong quãng thời gian 10 năm làm cố vấn cho chương trình, thầy đã gặp những sự cố gây tranh cãi giữa câu hỏi - câu trả lời của thí sinh - đáp án chưa? Và khi đó, hướng giải quyết nào được đưa ra khiến các thí sinh thoải mái nhất?

 

Có đúng một lần. Đó là cuộc thi tháng của kỳ thi lần thứ ba. Hôm đó, do tôi đọc nhầm một con số trong đề bài nên cho ra một đáp án sai. Thật may, tôi đã kịp phát hiện ra ngay khi chưa dứt lời nên đã kịp điều chỉnh cho đáp án đúng, và không ảnh hưởng đến kết quả của em nào cả.

 

Biên tập viên chương trình vẫn cho phát hình cả phần nhầm cùng phần điều chỉnh của tôi. Băng video chắc vẫn còn lưu ở Đài truyền hình. Từ đó, tôi nghiệm ra rằng, tỉ mỉ và chi tiết trong khoa học là một trong các tiêu chí hàng đầu của tôi.

 

Là cố vấn cho “Đường lên đỉnh Olympia” trong nhiều năm, thầy có thể bật mí quy trình để có một câu hỏi - đáp án hoàn chỉnh trong chương trình, Ban cố vấn đã phải “lao tâm khổ tứ” như thế nào không?

 

Những ai từng làm cố vấn cho chương trình này mới hiểu được những thách thức phải vượt qua. Thứ nhất, không phải bài toán hay câu hỏi nào cũng đưa vào cuộc thi được vì phải đảm bảo một số tiêu chí đặc thù cho truyền hình công chúng.

 

Thứ hai, mỗi cố vấn môn học phải lựa chọn và đưa ra hàng trăm câu hỏi phù hợp, đảm bảo khách quan, khoa học, có tính sư phạm cao, và gây hứng thú cho khán giả. Không có cách nào khác, cố vấn cần có tầm bao quát sâu và rộng trong lĩnh vực chuyên môn, luôn vô tư và công bằng.

 

Cuối cùng, tôi luôn coi những gì liên quan đến chương trình là liên quan đến công chúng- hơn tám mươi triệu khán giả Việt Nam và kiều bào trên toàn thế giới. Bởi vậy, từng câu nói, cử chỉ đều phải đúng và chuẩn mực.

 

Nếu có một lời nhắn gửi tới các độc giả vì không đồng tình với quyết định BTC mà có những ngôn từ "quá khích", không phù hợp, thầy sẽ nhắn gửi điều gì?

 

Chúng  ta cần có cách nhìn toàn diện về cuộc thi truyền hình này. Thứ nhất, đây là cuộc thi không chỉ dành riêng cho các em thí sinh mà là cuộc thi của công chúng với hơn tám chục triệu người tham gia. Bởi thế, nếu BTC có sai sót thì công chúng nên nhìn nhận họ cũng là con người, và đó là sai sót đối với công chúng nói chung chứ không riêng với thí sinh nào cả.

 

Thứ hai, hãy để cho các thí sinh và khán giả cả nước cách chung sống trong xã hội này rằng, còn nhiều điều thú vị ở phía trước đang chờ đợi các em.

 

Bạn đọc hãy cảm nhận giọt nước mắt của những cầu thủ Argentina thua oan ức sau trận chung kết World Cup 1990 (và rất nhiều trận bóng đá khác nữa), nhưng họ vẫn dành sự tôn trọng thích hợp cho đối thủ và Ban tổ chức.

 

Hãy tin tưởng vào tiêu chí cao đẹp của cuộc thi được cụ thể bởi Thể lệ của nó, rằng quy trình vận hành cuộc thi này vốn  đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về chuyên môn học (toán, lý, hóa...), xã hội học, sư phạm học, những chuẩn mực và giá trị  truyền thống khác của xã hội Việt Nam.

 

Ban đọc dùng từ “Người chiến thắng” trong trận chung kết thay cho “Người xuất sắc” đã nói lên tính may rủi có thể có trong cuộc thi. Cuối cùng, tính chính xác về khoa học rất quan trọng nhưng tính cao thượng, khoan nhượng, và bao dung của thí sinh và công chúng dành cho Ban tổ chức là những giá trị không thể bỏ qua.

 

Xin cảm ơn những chia sẻ của thầy.

 

Lê Trường (thực hiện)