Người trưởng thành chẳng ngại cô đơn, chỉ sợ… hết tiền

(Dân trí) - Ở một độ tuổi nhất định nào đó, con người ta không còn muốn phô bày quá nhiều cảm xúc của mình ra ngoài. Những nỗi sợ bình thường như thất tình, cô đơn đều đã trải qua, ta sợ những nỗi sợ thực tế hơn.

Ngày hôm nay, dù bạn có buồn như thế nào thì ngày mai vẫn phải thức dậy với nhịp sống hối hả, với tiếng xe cộ inh ỏi lúc tan tầm, với nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền.

Khi trưởng thành, người ta sống thực tế hơn, bởi cuộc sống này còn có quá nhiều thứ để lo âu, không chỉ riêng chuyện vui buồn yêu đương.

Người trưởng thành chẳng ngại cô đơn, chỉ sợ… hết tiền - 1
Người trưởng thành không còn ôm mãi những mộng ước màu hồng như thuở 20 nữa. (Ảnh: Nguyễn Đức Anh)

Tuổi 30, ta không sợ thất tình, cũng chẳng ngại cô đơn, không vì ai đó buông đôi ba lời mà buồn bã suốt ngày dài. Người ta không thể nghĩ đến những đam mê xa vời khi chiếc bụng rỗng tuếch, có lẽ vậy.

Phải tự mình đi qua những mất mát, vui buồn thì bạn mới hiểu được rằng, cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng. Chúng ta rời sân ga của thời niên thiếu để đến sảnh chờ bến trưởng thành, khi ngoái đầu nhìn lại, thấy thương những non nớt, vụng dại.

Ai trưởng thành mà không đau nhói vài ba bận nơi đáy tim. Cho đến khi thời gian đằng đẵng trôi qua, vết sẹo năm ấy vẫn như một lời nhắc nhở ta sống tốt hơn.

30 tuổi, ta đã đi qua gần nửa con dốc, thanh xuân dần lùi lại phía sau. Những mơ mộng màu hồng cũng nhường chỗ cho hiện thực tàn nhẫn. Dù muốn, dù không, ai rồi cũng phải tự mình lớn lên, tự mình đi qua những thử thách của cuộc đời.

Người trưởng thành chẳng ngại cô đơn, chỉ sợ… hết tiền - 2
Chúng ta trưởng thành từ những vấp ngã của tuổi trẻ. (Ảnh: Nguyễn Đức Anh)

Với nhiều người, trưởng thành là một điều gì đó theo thói quen thật nhuần nhuyễn, giống như việc chúng ta sắp xếp mọi thứ có quy trình.

Chúng ta đánh giá mọi thứ theo cách xã hội nhìn nhận, rằng 30 tuổi lấy chồng, sinh con, 30 tuổi phải trở thành “ông nọ bà kia”. Chúng ta của năm 20 tuổi có xuất phát điểm giống nhau, nhưng “cuộc đua” tuổi 30 có thể là bài toán khó mỗi người tự tìm cho riêng mình đáp án.

Có thể những người vốn tưởng “kém cỏi” hơn mình, giờ đã trên đỉnh thành công. Lại có những người từng nổi bật trong hội bạn nhưng đến giờ lại chật vật từng ngày. Cuộc đời luôn cho con người ta những bất ngờ để trưởng thành hơn. Nhưng khi “vật đổi sao dời” người ta lại thắc mắc với những chuỗi câu hỏi bất tận.

Đó là tại sao người này lại thành công, lại giàu có? Tại sao người ta hạnh phúc còn mình thì dở dang? Chẳng ai có được cho mình một đáp án trọn vẹn. Đối diện với những câu hỏi ấy, ta chợt nhận ra, việc nhìn vào kết quả của người khác sẽ chỉ khiến bản thân không vui, đôi khi dễ có những cảm giác tiêu cực.

Tuổi 30 chưa phải quá trễ để có thể tự mình gây dựng thành công, nhưng cũng chẳng trẻ trung để vấp ngã mãi rồi đứng dậy. 30 tuổi chúng ta nhìn đời bằng đôi mắt thực tế, đời thường hơn.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng, nếu thất tình ở tuổi 30 thì không đau. Tình yêu tan vỡ dù ở độ tuổi nào cũng là điều rất buồn. Nhưng 30 tuổi người ta sợ nỗi sợ thực tế, sợ thất nghiệp chứ không ngại cô đơn!

Tuệ Nhi