Người trẻ và xu hướng sống gấp, sống vội
Trong xã hội hiện đại, lối sống nhanh, sống gấp trở nên phổ biến ở giới trẻ. Nhịp sống hối hả không chỉ thể hiện trong cách nghĩ mà ngay trong học tập, công việc, cách kiếm tiền, ăn uống, đi lại… của người trẻ.
Vội vã “xâm lấn” cả bữa ăn
Hoàng Mạnh Linh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là giám đốc một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các thiết bị điện tử tại Hà Nội. Anh là một lãnh đạo 8X năng động, tài giỏi với phong cách làm việc quyết đoán, nhanh chóng.
Dường như một ngày làm việc của chàng giám đốc trẻ không ngừng nghỉ. Sáng nào, trước 8 giờ, anh cũng đã có mặt tại Công ty để bắt tay vào giải quyết công việc. Hết giờ làm việc, anh tham gia các khóa học thêm hoặc luyện tập thể dục thể thao, rồi lại đi gặp gỡ đối tác... Linh rất ít có thời gian để quây quần bên bữa cơm cùng người vợ trẻ và gia đình bé nhỏ.
Nhịp sống hối hả khiến nhiều bạn trẻ quay cuồng phấn đấu, ganh đua, thể hiện bản thân, làm việc khẩn trương hơn. Nguyễn Ngọc Quỳnh Nhi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm việc tại một Công ty liên doanh với Nhật Bản, phần do công việc quá bận rộn, phần muốn khẳng định năng lực với sếp và thể hiện mình với tập thể, Nhi cả ngày cắm cúi với công việc.
Nhi chia sẻ: “Mỗi ngày, mình rời nhà đến công ty khi trời chưa nắng và quay về lúc mặt trời tắt nắng. Lương và chế độ đãi ngộ của mình tương đối cao nhưng mình lại chẳng có thời gian đi mua sắm hay tụ tập cùng bạn bè. Tuy mệt mỏi áp lực, nhưng mình sợ nếu không cố gắng thì sẽ tự hậu nên cứ bị cuốn vào công việc”.
Cũng vì tất bật trong guồng quay công việc mà Nguyễn Ngọc Quỳnh Nhi chưa bao giờ tự vào bếp nội trợ một bữa cơm cho gia đình, mặc dù cô gái đã bước sang tuổi 30.
Cần làm việc và nghỉ ngơi khoa học
Từ ngày rời quê lên Thủ đô làm việc, Lí Thu Hà (SN 1989, quê ở Lào Cai) đã phải điều chỉnh bản thân, từ lối sống, cách nghĩ cho đến cách ăn mặc. Ngày ở quê, cô gái là lao động chính của gia đình. Hà làm việc đồng áng nên bất chấp giờ giấc, việc hôm nay không xong thì để sang ngày hôm sau, tuần sau.
Nhưng từ khi vào làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), Hà phải đến công ty đúng giờ, làm việc trong dây chuyền sản xuất hiện đại nên cô phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc một cách quy củ và nhanh chóng, chuyên nghiệp. Mỗi khi khối lượng công việc nhiều lên Hà lại đăng kí tăng ca. Vì vậy, cô gái chẳng còn thời gian để vui chơi, giải trí.
Môi trường, công việc và nhiều yếu tố khách quan buộc mỗi người đều phải sống với nhịp nhanh hơn. Tuy nhiên, sống gấp cũng có nhiều mặt trái.
Bác sĩ Đặng Tất Thắng (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) cho biết, khi làm việc ở cường độ cao, áp lực lớn mà cơ thể không được nghỉ ngơi hợp lí thì sẽ dẫn đến tình trạng stress và gây ra nhiều hệ quả về sức khỏe.
Giữa não và các bộ phận trong con người mối liên hệ chặt chẽ. Ví dụ, khi làm việc vội vã, nhanh chóng, đầu óc căng thẳng, cơ thể dễ bị rối loạn tiêu hóa hấp thu, giảm khả năng tư duy, hiệu quả công việc không cao chưa kể về lâu dài còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Nhiều chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực đã chỉ ra tác hại của sự căng thẳng, stress đối với sức khỏe con người. Tác hại dai dẳng nhất của stress là ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần.
Nếu không có biện pháp chế ngự kịp thời, căng thẳng, mệt mỏi sẽ từng bước làm thui chột khả năng tư duy, trí nhớ, khả năng tự kiểm soát, phán đoán…đồng thời dễ làm mất đi niềm tin vào cuộc sống, cướp mất nghị lực, ý chí vươn lên….
Các chuyên gia khuyến cáo, người trẻ cần làm việc, nghỉ ngơi một cách khoa học; không nên làm việc nhanh quá để tổn hại sức khỏe và cũng đừng chậm quá để tuột mất thời cơ.
Theo Lê Dung
Tuổi trẻ thủ đô