Người trẻ Sài thành yêu văn hóa làm bộ cờ vua dân tộc

(Dân trí) - Bằng góc nhìn sáng tạo của mình, nhóm 9x trẻ Sài Gòn đã nảy ra ý tưởng làm bộ cờ vua dân tộc, kết hợp các yếu tố truyền thống/văn hóa đất nước với hình ảnh hiện đại ngày nay.

Đưa văn hóa vào sản phẩm hiện đại


Bộ cờ vua của nhóm bạn trẻ 9X kết hợp yếu tố truyền thống, văn hoá của dân tộc với các hình ảnh hiện đại ngày nay.

Bộ cờ vua của nhóm bạn trẻ 9X kết hợp yếu tố truyền thống, văn hoá của dân tộc với các hình ảnh hiện đại ngày nay.

The Legends Chessboard (Bộ cờ vua The Legends) là dự án được làm trong quá trình học khoá làm đồ chơi bằng 3D tại trường của Nguyễn Anh Duy (1995), Trần Lê Bảo Quân (1995) và Phạm Ngọc Hà (1994). Ba bạn trẻ là học viên khóa Digital Media (Thiết Kế Truyền Thông Số) tại trường ĐH RMIT Việt Nam.

Thay mặt nhóm, Anh Duy chia sẻ: “Ý tưởng này bắt nguồn từ việc chúng em muốn tạo nên một sản phẩm kết hợp các yếu tố truyền thống, văn hoá của dân tộc với các hình ảnh hiện đại ngày nay.

Khi có ý định tạo ra một bộ đồ chơi là hình tượng của các nhân vật lịch sử, chúng em đã rất “đau đầu” vì mỗi giai đoạn luôn có những vị anh hùng, những nhân vật mang danh huyền thoại cho nên rất khó để làm nên bộ sản phẩm gồm nhiều nhân vật nhưng lại có sự liên kết với nhau.

Bàn cờ vua chính là hướng giải quyết tốt nhất nhất và cũng là một sự đổi mới khi hình ảnh bàn cờ quốc tế được thể hiện qua hình ảnh rất truyền thống Việt Nam”.


Đưa biến ý tưởng thành hiện thực, Anh Duy...

Đưa biến ý tưởng thành hiện thực, Anh Duy...


...và nhóm thực hiện gặp không ít khó khăn về việc chọn nhân vật lịch sử phù hợp với các quân cờ cũng như việc chế tác.

...và nhóm thực hiện gặp không ít khó khăn về việc chọn nhân vật lịch sử phù hợp với các quân cờ cũng như việc chế tác.

Theo Anh Duy, văn hoá không bao giờ lỗi thời và lịch sử không bao giờ có giới hạn về thế hệ, tuổi tác, ngôn ngữ, sắc tộc, cho nên hình ảnh đậm nét truyền thống xuất hiện ở bàn cờ quốc tế mang nhiều ý nghĩa, về sự hội nhập, sự sáng tạo và mang thông điệp tôn vinh bản sắc Việt Nam.

“Việc chọn nhân vật được xây dựng trên vai vế từ vua, hậu đến tướng phù hợp với các quân cờ. Chẳng hạn Lạc Long Quân và Âu Cơ chắc chắn sẽ vào vai trò Vua và Hậu. Quân tượng lấy hình ảnh cái khiên hình con voi để miêu tả đến Bà Trưng, quân mã sẽ đi liền với con ngựa sắt của Thánh Gióng hay quân xe sẽ hợp lý với hình ảnh một pháo đài như thành Cổ Loa.

Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng, Cố Loa Thành, Yết Kiêu lần lượt được đặt vào vai trò là các quân Vua, Hậu, Tượng, Mã, Xe và Tốt”, Anh Duy nói.

Lý do nhóm Anh Duy lựa chọn loại cờ vua, mà không phải cờ tướng để truyền tải ý tưởng của mình, bởi vì mức độ phổ biến cờ vua rộng lớn hơn.

Theo Anh Duy, xét về tính chất, hai bàn cờ giống nhau, nhưng về thú chơi, qua tìm tòi, nghiên cứu của chính chàng trai 9x, cờ tướng thú vị ở cách đánh cờ bằng 2 ngón tay và khi “ăn” quân cờ, quân này sẽ đặt lên quân kia. Do đó, ở góc nhìn của nhóm Anh Duy, cờ vua đáp ứng và phù hợp hơn với ý tưởng lồng ghép nhân vật lịch sử qua những tạo hình phù hợp vào từng con cờ nhất định.

Trước ý kiến cho rằng để các nhân vật lịch sử làm hai phe và “ăn” lẫn nhau, Anh Duy cho rằng, vì theo mô hình của trò chơi quốc tế, thì ngay cả luật chơi gốc vấn đề ấy cũng đã xảy ra.

“Về quan niệm truyền thống, khi đã đưa vào một mô hình quốc tế có nghĩa mình phải đáp ứng và dung hòa các yếu tố. Sắp xếp các nhân vật lịch sử vào hai phe đối lập cũng là sự dung hòa đó. Em thấy không nên cho rằng nhân vật này sẽ “ăn” hay “đánh bại” nhân vật khác vì tất cả đều tuân thủ theo luật chơi và quy luật của một bàn cờ”, Anh Duy bộc bạch.


Ngoài ý nghĩa về mặt hình tượng, tính giải trí và văn hoá, bộ cờ này còn có tính chất giáo dục, sáng tạo cho học sinh.

Ngoài ý nghĩa về mặt hình tượng, tính giải trí và văn hoá, bộ cờ này còn có tính chất giáo dục, sáng tạo cho học sinh.

Đưa vào học đường để định hướng giáo dục sáng tạo cho học sinh

Anh Duy cho biết quy trình thực hiện thủ công bộ cờ hơn 3 tháng để cho ra mắt 6 sản phẩm mô hình bằng gỗ với các công đoạn: lên ý tưởng, chọn nhân vật, phát thảo, xây dựng bản vẽ chi tiết nhân vật, dựng model bằng chương trình 3DS MAX, tạo lập các nhân vật trong phần mềm Cura để đưa vào máy in 3D.

Sau công đoạn in, nhóm Anh Duy còn thực hiện kỹ thuật thủ công để hoàn thành: gỡ trụ đỡ của các nhân vật, làm mịn, lên màu các chi tiết và sơn bóng sáng cho đồ chơi.

Trong quá trình đó, nhóm Anh Duy gặp khá nhiều khó khăn. Khi đưa vào máy in 3D, nhóm đã phải rất mất thời gian để in ra sản phẩm vừa ý vì rất hay bị lỗi. Do sản phẩm khá nhỏ mà máy in chỉ in hoàn hảo được những đồ chơi kích thước lớn hơn, cho nên thời gian in ấn khá nhiều. Một mô hình có khi mất gần cả 2 ngày để in hoàn chỉnh.

Anh Duy chia sẻ: “Sau đó, chúng em sẽ phải dành phần lời thời gian để mài, giũa và sơn phết bằng thủ công để cho ra sản phẩm cuối cùng. Trụ đỡ, phụ kiện cũng được làm tỉ mẩn để sản phẩm ra mắt được chỉn chu nhất”.


Một số nhân vật trong bộ cờ vua The Legends.

Một số nhân vật trong bộ cờ vua The Legends.

Người trẻ Sài thành yêu văn hóa làm bộ cờ vua dân tộc - 6
Người trẻ Sài thành yêu văn hóa làm bộ cờ vua dân tộc - 7

Được sự khích lệ của mọi người, nhóm Anh Duy mang Bộ cờ vua The Legends tham gia cuộc thi Cảm quan Việt nam do cộng đồng Vietnam Creative Festival tổ chức, và giành được giải Nhất.

Hiện tại, nhóm Anh Duy đang lên kế hoạch sản xuất bộ cờ vua The Legends. Mặc dù được hỗ trợ một phần kinh phí từ người thầy ở trường (cũng là người sản xuất đồ chơi) nhưng vẫn hạn chế về tài chính nên nhóm 9x đang tìm nhà đầu tư, và tìm phương án để làm khuôn và sản xuất hàng loạt với mức kinh phí có khả năng chi trả.

Chàng trai 9x cho biết, bộ cờ được chơi theo format cờ vua và khi đưa vào sản xuất, sẽ làm cho sản phẩm nhỏ lại để dễ dàng mang theo bên người, hướng đến các đối tượng là học sinh Việt Nam, người sưu tầm đồ chơi, người thích chơi cờ trong nước và quốc tế.

Anh Duy bày tỏ: “Ngoài ý nghĩa về mặt hình tượng, tính giải trí và văn hoá, bộ cờ này còn có tính chất giáo dục. Em mong sẽ đưa nó vào môi trường học đường để sản phẩm tiếp cận gần hơn với thế hệ tương lai và định hướng giáo dục, sáng tạo cho các bé”.

Bích Thùy

(Ảnh NVCC)