Người trẻ bức xúc vì phim rạp bị “cắt tả tơi”

(Dân trí) - “Nhiệm vụ bất đắc dĩ” (Shoot ‘Em Up - điện ảnh Mỹ) gây sốt trong giới teen nói chung và giới “nghiền phim” nói riêng không chỉ bởi sự góp mặt của Monica Bellucci, mà còn bởi thời lượng “ngắn kỷ lục”... 70 phút!

Phim rạp dài đúng bằng… phim truyền hình nhiều tập

 

Dân nghiền phim mà thích diễn viên xinh thì chắc chắn là thích Dead or Alive. Monica Bellucci là một trong những “đỉnh của xinh” rồi, thế nên khi nghe đồn “Nhiệm vụ bất đắc dĩ” sắp được nhập về, dân mê phim cứ sôi lên sùng sục.

 

Thế nhưng, khi phim về đến rạp, Đông, 22 tuổi một thành viên của MFC (CLB điện ảnh diễn đàn TTVNOL) mới ngã ngửa ra: “Phim 86 phút, về Việt Nam còn có đúng 70 phút. Em chẳng biết là có nên mua vé nữa không. Cắt thế này là cắt đến hơn 20% phim rồi còn gì?”

 

Người trẻ bức xúc vì phim rạp bị “cắt tả tơi” - 1
Dù đã cấm khán giả dưới 16 tuổi, "Nhiệm vụ bất đắc dĩ" vẫn bị cắt mất 16 phút. 

 

Việc cắt phim của nhà rạp không phải chuyện “xưa nay hiếm” nữa, khá nhiều bạn trẻ tỏ ra bức xúc với kiểu cắt phim không những “nặng tay” mà còn khiến phim trở nên kém hấp dẫn.

 

Hoàng Nhật, SV RMIT tâm sự: “Năm ngoái, khi The Host (Quái vật sông Hàn) chiếu ngoài rạp, tôi đều khuyên bạn bè nên đi xem vì tôi đã xem phim này từ trước trên đĩa DVD và thấy phim rất hay.

 

Thế nhưng ai đi xem về cũng chê phim chán, chẳng hiểu gì cả. Tôi tò mò bèn mua vé vào rạp, thấy phim nào thì cắt đầu, cắt giữa, cắt gần cuối, cắt nốt cả đoạn cuối. Làm như thế, ai mà hiểu được phim? Phim có hay đến đâu, cắt đi thì làm sao mà hiểu được, rồi để bạn bè về bảo là phim chán.

Phim dài 119 phút, chắc cắt chỉ còn khoảng hơn 100 phút, vậy mà quảng cáo thì vẫn là 119 phút. Thật là không có gì để nói!”

 

“Nếu như yêu” (Perhaps Love) của Trung Quốc cũng bị cắt mất 2 bài hát mà một trong đó sau này đoạt giải Kim Mã cho Ca khúc xuất sắc trong phim!


Nếu như nói việc cắt phim là để tránh phim dài đảm bảo giờ chiếu chung thì e rằng cũng không thuyết phục, bởi King Kong đã từng chiếm thời lượng đến… 3 tiếng mà có ảnh hưởng gì đâu?

Đã phân loại người xem, sao còn cắt phim?

 

Việc phân loại phim ở nước ngoài là việc rất phổ biến và hợp lý để tránh những hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi nhỏ. Tại Mỹ có MPAA gồm 5 cấp (G, PG, PG-13, R và NC-17), Úc có OFLC 7 cấp, Anh có BBFC 8 cấp.


Việc phân loại các cấp phim để định hướng cho khán giả và cho cả nhà sản xuất. Nghĩa là cơ quan kiểm duyệt dành cho nhà sản xuất quyền chủ động lựa chọn nội dung thể hiện và đối tượng khán giả.

 

Có nghĩa là: “Chúng tôi không cắt. Cắt hay không là tùy ở anh. Anh muốn phim của mình được phân loại G (mọi người đều xem được) hay PG-13 (Trẻ em dưới 13 tuổi phải có bố mẹ đi kèm) là việc của nhà sản xuất.

 

Chẳng hạn như “Sắc, Giới” (Lust, Caution) của Lý An có nhiều cảnh nóng thì phim phải chịu xếp loại NC-17 (Cấm tuyệt đối người từ 17 tuổi trở xuống), lợi nhuận bị hạn chế và thiệt thòi khi tranh giải. Chẳng cần cắt xén làm gì cả!

 

Thế nên việc Cục điện ảnh “Cấm trẻ em dưới 16 tuổi” đối với “Nhiệm vụ bất đắc dĩ” là không có gì phải bàn cãi, nhưng đã cấm, sao còn cắt? Phải chăng, nhà rạp sợ rằng mấy cô cậu dưới 16 tuổi vẫn lẻn vào xem, thôi thì cứ cắt cho nó… chắc ăn?

 

Hoàng Nhật chua chát: “Hôm nọ, tôi có tham gia một topic thảo luận trên mạng nói về việc làm thế nào để cho khán giả hứng thú hơn với phim chiếu rạp, làm thế nào để khích lệ người dân đi xem phim ở rạp chứ không phải mua đĩa lậu?

 

Vâng! Với tình trạng chiếu phim rạp như thế này này thì khoảng chục năm nữa topic đấy vẫn còn hot lắm”!

 

Phương Thành Trung