Người rao bán 1.000 bài thơ mạng

Hai mươi tuổi, <a href=" http://dantri.com.vn/nhipsongtre/2005/5/53965.vip">Nguyễn Thế Hoàng Linh</a> mê mải online, lên mạng post thơ văn và… đổ bệnh! Bỏ dở năm thứ 3 ĐH Ngoại thương để làm thơ viết văn. Đến tuổi 23, Linh gây tranh cãi, có người gọi là “thần kinh”, người khác lại nói: “thiên tài”!

Sân chơi

Thời Linh phải đá bóng vỉa hè, lòng đường, có khi đội bóng “làm vỡ kính, đổ chảo bánh rán nhà người ta, thậm chí, gây tai nạn và bị công an đuổi”. Đến “sân chơi” chữ nghĩa, trí tuệ cho thơ văn cũng thiếu, “người trầm lặng tuổi 20” đành chọn cách lên mạng tung cú sút của tâm hồn. Hơn 1.000 bài thơ lớn, bé phủ dày trên Ttvnol.com, Gio-o.com, e-Văn.com.vn … từ 2002 đến nay.

Tính riêng chủ đề (topic) “Mong mọi người góp ý cho” với nick away trên Ttvnol.com đến nay đã có gần 50.000 lượt đọc với khoảng 1.000 bài trả lời. Những bài thơ Linh viết bỗng nhiên trở thành dòng chảy rõ rệt, đủ sức “xô đẩy” không gian mạng ồn ào, đông đúc, nơi mà bất cứ ai cũng có thể lên đó “tuyên ngôn”, “buôn chuyện”, “xả rác” hay “bày tỏ nỗi lòng”.

Trước thời điểm năm 2004, hầu như không một kênh thông tin nào ngoài mạng đăng tải thơ Linh. Tgửi đến một số báo chỉ nhận được sự im lặng. Cho đến đầu năm 2003, thơ của Linh được “thổi” đến trang Gió - 0 với sự quan tâm của “bà đỡ” Lê Thị Huệ - người không giấu giếm “mộ tài”, “nể phục” Nguyễn Thế Hoàng Linh.

Nhà văn Lê Thị Huệ (đang ở Mỹ và Linh chưa một lần gặp mặt) gửi email đến Linh đề nghị được đăng thơ văn của Linh lên trang web của mình. Nhà văn Lê Thị Huệ viết bài giới thiệu về Linh trên đó với nhiều nhận định gây bàn cãi, thậm chí gây sốc rồi đăng hàng trăm bài của Linh lên http://gio-o.com/nguyenthehoanglinh.

Từ mạng, Linh chính thức bước vào đời sống xuất bản, in ấn. Một ngày đẹp trời, nhà văn Hồ Anh Thái trân trọng giới thiệu Nguyễn Thế Hoàng Linh trên những tờ báo lớn nhân dịp cuốn Chuyện của thiên tài - tiểu thuyết của Linh - được xuất bản trong loạt đầu của bộ Văn mới (in cùng hai tập khác của Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp). Với Nguyễn Thế Hoàng Linh, cuốn tiểu thuyết đầu tay này là một sản phẩm anh hài lòng.

Nhưng để chọn ra một sản phẩm khác có giá trị đối với mình thì anh cho là tập thơ (trên mạng) có tên “Uống một ngụm nước biển” với trên 200 bài do chính Linh chọn ra. Linh đang gửi đến NXB Hội Nhà văn bản thảo tập thơ Em giấu gì ở trong lòng thế? với trên 200 bài khác, nhưng Linh vẫn cho rằng, tập thơ trên mạng kia, chưa ai in (có in thì cũng rất dễ bị cắt đi khoảng 1/3), là sản phẩm đánh dấu một giai đoạn sáng tác của Linh mà anh “khó có thể viết được những tác phẩm thơ khác vượt qua giai đoạn ấy”. Đó là “tổng hợp nhân sinh quan” của Linh với những bài thơ viết từ 12 tuổi đến đầu năm 2004.

Đối lập

Có ý cho rằng việc xuất bản và giới thiệu cầu kỳ cuốn sách Chuyện của thiên tài là “một cách rẻ rúng văn chương”. Ý khác nói, đó là “sự trân trọng nhân tài”. Khi Linh bước ra ánh sáng từ cuốn sách có trang bìa trình bày tràn màu đen thì những nhận định trái chiều xuất hiện. Có người gọi Linh là “lập dị”, “hoang tưởng”, có người cho là “thiên tài”. Có người kinh ngạc và coi rẻ khi nghe nói Linh kiêu căng, hợm hĩnh, ăn càn nói quấy…; người khác lại bảo Linh hiền lành, nhút nhát, ăn nói dài dòng, không khúc triết như… thơ. Riêng về cuốn tiểu thuyết, vừa rồi đã đem lại cho Nguyễn Thế Hoàng Linh giải thưởng cho thể loại tiểu thuyết 2004-2005 của Hội Nhà văn Hà Nội.

Ai nghĩ sao mặc họ, cũng là cách để Linh hiểu thêm, coi như chất liệu cho trang viết. Linh vẫn làm việc của mình: đạp xe đến cửa hàng net, vào mạng post thơ văn. Thơ văn cứ đổ rực lên trang giấy, trên bàn phím, tràn ngập tâm trí. Rồi Linh nghĩ mình bỏ học thôi, một vì sức khỏe, hai vì lúc ấy tâm trí chỉ có thơ văn. Gia đình phản đối, Linh đi học lại, nhưng rồi sự mệt mỏi và sức hút của thơ văn lại rủ Linh ra khỏi giảng đường.

Cách giao tiếp của “kẻ nổi loạn” trầm lặng Nguyễn Thế Hoàng Linh lại là một sự đối lập nữa: khi nói chuyện với những người tầm tuổi bạn bè như chúng tôi thì Linh ăn nói nhỏ nhẹ, đơn giản, nhiều khi thụ động, không hay phản biện. Vậy mà trong các bài phỏng vấn, người viết thơ mạng tuổi đôi mươi nhưng khuôn mặt lại già dặn, góc cạnh này lại có vẻ thích “bật” lại phóng viên.

“Thiên tài” giản dị

Người viết thơ thời Internet” Nguyễn Thế Hoàng Linh cho rằng, giản dị là điều khó làm nhất trong đời mỗi người. Nhất là trong thời đại ngày nay, cuộc sống có nhiều xáo trộn, những vẻ hào nhoáng bên ngoài dường như lấn át những giá trị đích thực, con người có quá nhiều thứ để theo đuổi… thì sự giản dị là một giá trị sống người ta hướng tới. Ngay cả những điều bị coi là triết lý sẽ trở thành những hiểu biết hết sức bình thường. Linh bảo, “người bình thường làm thiên tài khó thế nào thì thiên tài làm người bình thường cũng khó không ít hơn thế”. 

Linh không nói cậu có phải là người giản dị hay không, nhưng nhìn cách cậu sống, cách cậu giao tiếp thì hẳn ai cũng có cảm giác về sự chân thành. Ngoài cuộc sống thấy Linh như thế, lên mạng vẫn thấy Linh không thay đổi khi xem cách Linh làm thơ, đọc thơ Linh và chứng kiến cách Linh giao tiếp “ảo”.

Do sự thôi thúc làm thơ chứ không phải có ai đó “mách bảo” nên Linh cứ cần mẫn đưa thơ lên mạng. Hơn 1.000 bài thơ được post miệt mài từ tháng 5/2002 đến nay. Với topic “Mong mọi người góp ý cho”, trả lời người góp ý, away bảo: “Đồng chí chê cũng đúng. Tôi sẽ cố sửa. Chẳng qua là vì không ai phê bình nên cứ làm sai mãi mà không biết. Nay biết mới hối...”.

Rồi lại thật thà: “Nhưng nếu được thanh minh tôi cũng xin nói nhỏ rằng có một thời điểm tôi muốn viết về những điều lãng mạn nhưng hiện nay, tôi thấy mình muốn viết hơn về những điều bức xúc, về tình cảm thật nên chắc không tránh khỏi sự nóng vội. Đồng chí thông cảm nhé!”.

Rồi lại viết tràn trang, bài hay bài dở cứ ùn ùn ắp lên mạng và Linh trở thành một trong những công dân mạng (nettizen) tích cực.

 

Theo Bùi Dũng
Vietnamnet