Người phụ nữ hiện đại qua góc nhìn của cô bạn đa tài
Nguyễn Thanh Thủy (khóa 11, chuyên ngành Quản lý Nhà nước về kinh tế) là thủ khoa đầu ra của Học viện Hành chính Quốc gia, với điểm tổng kết cao ngất: 8,82.
Đừng sợ hãi bóng tối …
Nhưng Thủy nổi tiếng ở học viện không chỉ vì học giỏi mà còn vì… khả năng sáng tác các vở nhạc kịch. Thủy viết về đề tài quê hương, như Tiếng hát trên dòng sông quan họ hay một đề tài rất sinh viên như Đường lớn ta đi… Vở nào công chiếu cũng chật kín người xem.
Để hoàn thành Đường lớn ta đi, với thời lượng diễn 2 tiếng, Thủy đã dành 3 đêm viết kịch bản. Hơn 10 diễn viên đã tham gia dàn dựng cùng cô biên kịch kiêm đạo diễn sinh viên này. Vở này, Thủy còn kiêm cả diễn viên. Thủy bảo, đây là món quà của sinh viên sắp ra trường dành tặng thầy cô.
Đề tài của vở Đường lớn ta đi xoay quanh 3 nhân vật sinh viên: Giỏi, Khá và Trung Bình. Khi ra trường, sinh viên Giỏi được làm việc ở một cơ quan Nhà nước, sinh viên Khá làm cho một doanh nghiệp và sinh viên Trung Bình làm việc cho một cơ quan văn hóa – văn nghệ địa phương. Cả ba sinh viên mới ra trường nên gặp không ít khó khăn.
Sinh viên Giỏi rất tự tin và thích thể hiện mình trong môi trường làm việc, tuy nhiên, trở ngại của người giỏi là không có đất diễn tài năng, những ý tưởng không được chấp nhận. Cậu ấy rơi vào khủng hoảng tinh thần.
Sinh viên Khá gặp khó khăn ở doanh nghiệp, khi tiếng Anh lập bập, không thể làm việc với người nước ngoài. Cậu ấy gặp khó khăn về kỹ năng. Sinh viên Trung Bình, nhờ quen biết, chạy chọt nên mới có việc làm. Ngày được giao nhiệm vụ tổ chức một chương trình tôn vinh bản sắc văn hóa địa phương, cậu ấy hoang mang không biết phải làm thế nào…
Khi vở nhạc kịch được dồn đến nút thắt, chính các nhân vật đều đã tự tìm được cách giải quyết và đường đi cho mình. Cách giải quyết khó khăn tốt nhất là không né tránh nó, đối diện nó và đi xuyên qua nó.
Vở diễn đã thành công ngoài sự mong đợi của cô đạo diễn nghiệp dư. Có một câu nói mà Thanh Thủy thích nhất: “Đừng sợ bóng tối, vì chỉ khi trời tối, bạn mới nhìn thấy các vì sao”.
Cố gắng và cố gắng
Ngoài khả năng biên kịch, múa, dẫn chương trình… Thủy còn là một “cây” hùng biện. Năm thứ nhất, cô giáo giao cho lớp bài thuyết trình về Tâm lý học. Nhóm Thủy đã lựa chọn được người để thuyết trình nhưng rốt cuộc, không đạt được kết quả tốt.
Cô giáo yêu cầu nhóm về làm lại và chỉ định lớp trưởng Nguyễn Thanh Thủy sẽ là người thuyết trình. Khi nhóm thực hiện xong bài tập của mình lần thứ hai, cô giáo nói với cả lớp: “Đây là lần đầu tiên, tôi chấm điểm 10 đối với một bài tập thuyết trình của sinh viên”. Cô đã khuyên Thủy hãy tìm cơ hội thể hiện khả năng, với các nghề như MC hay diễn thuyết.
Lời khuyên của cô giáo giúp Thủy ý thức rõ hơn về các kỹ năng mình đang sở hữu. Nhưng Thủy cũng cho rằng, chẳng có kỹ năng nào tự nhiên có, nếu không qua mài giũa, luyện rèn. Từ đó, Thủy làm MC các hoạt động từ quy mô cấp khoa đến cấp trường.
Thủy tham gia CLB từ thiện Tay trong tay. Mỗi cuối tuần, Thủy và các bạn đi phát cháo miễn phí tại bệnh viện K và bệnh viện Nhi Trung ương. Thủy kể: “Lần đầu tiên đi phát cháo vào dịp Noel, bọn mình được mặc đồng phục của ông già Noel.
Khi đến thăm các em bé ở viện, mình ngạc nhiên vì cả đội được chào đón nồng nhiệt đến thế. Các em đòi được chụp ảnh cùng, xin mũ của các ông già Noel và tỏ ra luyến tiếc khi phải vẫy tay chào. Biết các em đều đang mang bệnh nặng trong người, lòng mình thấy nghèn nghẹn…”.
Thủy nói, còn quá nhiều điều để cố gắng nếu bạn muốn trở nên giống như một hình mẫu phụ nữ hiện đại nhưng chỉ cần luôn ý thức trau dồi bản thân, sẽ không có gì là không thể. Dù bạn không làm được hoàn hảo nhưng sự cố gắng ắt sẽ mang lại kết quả.
Theo San Hải
Sinh viên Việt Nam