Người mẫu Hải Đường: Từ bê vác hoa quả tới trợ lý cho tập đoàn lớn Canada
(Dân trí) - Bằng cách coi mình là một thương hiệu còn nhà tuyển dụng là khách hàng mục tiêu, Nguyễn Thu Hải Đường đã trúng tuyển vào một trong những tập đoàn Marketing hàng đầu thế giới.
Đồng thời, Hải Đường cũng đang là một người mẫu tại Canada.
Từ không có mục tiêu đến sát vạch chinh phục bằng MBA
Nguyễn Thu Hải Đường là con gái Hà thành, thuộc thế hệ 9x đời đầu. Cô gái sinh năm 1991 tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Ngoại Thương. Cô chỉ nhận bằng Khá vì học đại học không có mục tiêu, mang tư tưởng học cho bố mẹ.
Sau khi rời ghế nhà trường để đi làm, công việc không làm cô thỏa mãn. Bản thân vốn năng động, Hải Đường chán những việc lặp lại mỗi ngày. Thấy bạn bè xung quanh lục đục khăn gói du học, Hải Đường mới nhen nhóm ước mơ được "bơi ra biển lớn".
Hải Đường chọn du học ngành Marketing vì có thế mạnh ở lĩnh vực tài chính, phân tích số liệu và hiểu rõ sự liên quan của số liệu với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Cô định hướng nắm bắt được thị trường hoạt động của các ngành công nghiệp nói chung và thời trang nói riêng trên thực tế.
Như nhiều sinh viên khác, thời gian đầu sinh sống tại Canada, Hải Đường phải giải bài toán cân đối giữa việc học và làm thêm để trang trải cuộc sống. Cô vừa học vừa làm cắt gọt trang trí hoa quả cho nhà hàng.
"Công việc nhẹ nhàng nhưng thường xuyên phải bê vác hoa quả, làm việc không được ngơi tay. Sau khi nghỉ việc, tôi vẫn bị đau lưng gần nửa năm trời mới hồi phục. Nhưng đó là quãng thời gian quý báu cho tôi hòa nhập với người bản địa và nâng cao vốn tiếng Anh", Hải Đường cho biết.
Để học tập tốt tại nước ngoài, Hải Đường đặt ra quy tắc 10/70/20. Tức là, trước khi vào lớp, cô luôn dành thời gian đọc qua tài liệu mới, để nắm 10% nội dung bài học, và tra từ điển những từ ngữ khó hiểu.
Ở trên lớp, Hải Đường mạnh dạn đặt câu hỏi. Nếu phần nào chưa hiểu, cô sẽ ở lại thêm vài phút cuối giờ để hỏi cho bằng được. Cách này giúp cô hiểu 70% bài giảng. 20% còn lại đến từ việc làm bài tập và nghiên cứu thêm từ các diễn đàn chuyên ngành trên mạng.
"Điều thú vị là mình phải tự nghiên cứu. Những bài luận và kiểm tra được cập nhật sát với công việc thực tế. Lần đầu học 100% bằng tiếng Anh tôi cũng không hiểu hết nên phải bỏ thời gian nghiên cứu và đọc tài liệu nhiều hơn các bạn khác trong lớp. Các bạn học bài 1 thì mình học bài 2", Hải Đường nói.
Hải Đường gặp khó khăn khi làm việc nhóm với các thành viên đến từ nhiều nơi trên thế giới. Họ có lợi thế hơn khi thuyết trình bằng tiếng Anh. Nhưng nhờ đó, sau một thời gian, điểm IELTS phần đọc của cô đã tăng từ 7.0 lên 9.0.
Sau tốt nghiệp, Hải Đường được chuyển tiếp lên học chương trình MBA (Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh) tại một đại học của Mỹ. Nhưng cô chọn đi làm để tích lũy kinh nghiệm tại Canada trước khi hoàn thiện tấm bằng MBA.
Bản thân là một thương hiệu, nhà tuyển dụng là khách hàng
Hiện tại, Hải Đường đang đảm nhận vị trí trợ lý chiến lược cho Publicis Groupe. Công việc của cô là nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch, làm việc theo từng khâu trên hệ thống dữ liệu và quản lý hiệu quả của các chiến lược Marketing.
Trước đó, Hải Đường làm tình nguyện viên cho một talk show về Marketing, người tổ chức chương trình này đã viết thư giới thiệu cho cô vào tập đoàn Publicis Groupe.
Đó là khoảng thời gian các công ty đang phục hồi sau giãn cách xã hội vì Covid-19. Họ trở lại với nhu cầu Marketing lớn, các tập đoàn Marketing mở rộng và tuyển dụng nhiều vị trí hơn.
Hải Đường đăng ký tham dự hội thảo của Publicis Groupe và đã tạo ấn tượng tốt. Khi hội thảo được tổ chức trực tuyến, khác với mọi người, cô luôn bật camera. Trước camera, cô ăn mặc lịch sự, luôn nở nụ cười tươi và tích cực đặt câu hỏi.
Sau hội thảo, Hải Đường lập tức nhận được lời mời phỏng vấn từ Publicis Groupe. Cô xác định tinh thần sẵn sàng đón nhận công việc chứ không phải vượt qua thử thách. Hải Đường viết một bức thư xin việc theo kỹ năng sales (bán hàng) mà cô đã được học. Tức là cô "rao bán" chính mình.
"Tôi được vào vòng phỏng vấn của nhân sự, rồi phỏng vấn với các giám đốc và quản lý. Họ yêu cầu bằng đại học trở lên và giỏi trong việc phân tích dữ liệu. Về kỹ năng mềm, họ thường hỏi rất cơ bản, bạn nào từng xin việc nhiều sẽ biết cách trả lời phù hợp.
Tinh thần của tôi khi xin việc là bản thân mình chính là một brand (thương hiệu) còn nhà tuyển dụng là khách hàng tiềm năng. Thậm chí, sau phần giới thiệu bản thân, các sếp còn hơi bối rối vì không biết hỏi mình thêm gì vì cái họ muốn biết thì mình cũng đã chia sẻ hết rồi. Quan trọng nhất vẫn là thể hiện kỹ năng chuyên môn và sự trung thực.
Thêm nữa, nhờ hoạt động tình nguyện khi còn đi học mà tôi có thêm thư giới thiệu từ một người anh. Anh ấy cũng đang làm việc trong tập đoàn này", Hải Đường chia sẻ.
Hải Đường cho biết, để tồn tại trong một tập đoàn lớn, cô phải bắt nhịp với tốc độ làm việc nhanh và sự thay đổi chóng mặt. Cô phải vừa linh hoạt vừa rất cẩn thận vì những chiến dịch Marketing thường được đầu tư nhiều tiền nên "sai một ly, đi một dặm".
Người mẫu yêu trang phục truyền thống
Ngoài ra, Hải Đường còn là một người mẫu. Năm ngoái, trên sân khấu cuộc thi Hoa hậu Châu Á Canada 2021, Hải Đường đã nhận được một trong ba danh hiệu cao nhất cuộc thi. Cô còn nhận giải thưởng cao nhất cho danh hiệu Hoa hậu ảnh là hợp đồng hai năm với Công ty đào tạo người mẫu quốc tế Campbell.
"Trở thành người mẫu không phải kế hoạch của tôi. Chỉ vì khoảng thời gian ở nhà vì Covid-19 khiến tôi chán nản, thấy có một tạp chí đăng tin về cuộc thi nên tôi tham gia. Tôi xuất phát điểm cũng là người mẫu của CLB MC và Thời Trang trường Ngoại thương", Hải Đường nói.
Đặc biệt, Hải Đường còn dành tình yêu cho chiếc áo dài Việt Nam truyền thống. Cô nhắc đến chiếc áo dài cũ vẫn đang được treo trong tủ. Đó là chiếc áo dài đầu tiên cô được mẹ may cho khi còn học cấp 3. Hải Đường không dám mặc nhiều vì sợ áo cũ đi, cô chỉ để dành cho lễ tổng kết năm lớp 12.
Tháng 8 tới tại Toronto, Hải Đường sẽ mang tà áo dài đến sự kiện trình diễn thời trang lớn với sự góp mặt của các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng tại Việt Nam.