Người dưng trên chính quê hương mình

Trong bức thư gửi quê mẹ Việt Nam, em Đoàn T.M., Việt kiều Mỹ, sinh sống tại California, đã viết: “Nỗi đau chiến tranh trên quê hương mình tưởng đã chấm dứt từ năm 1975. Nhưng không ngờ, vết thương vẫn còn chảy máu. Có lúc, em tự hỏi tại sao cùng một dân tộc, cùng một lịch sử nhưng vẫn còn sự nghi ngại giữa người Việt với người Việt?

Em là một đứa bé sinh ra ở miền Nam. Khi chiến tranh kết thúc, em chỉ là một em bé nhỏ 7 tuổi. Em có một ước mơ bình dị là được vui chơi và học hành với bạn bè. Cha em, một người hiền từ và sống vì mọi người nhiều hơn sống cho bản thân mình. Giống như nhiều người khác, ông phải làm việc và phục vụ trong chế độ Sài Gòn.

 

Sau chiến tranh, cha em bị đưa đi cải tạo. Mẹ em, một công nhân viên chức trong một bệnh viện tiếp tục công việc giúp đỡ bệnh nhân của mình. Cuộc sống của gia đình em cũng giống như những gia đình miền Nam sau chiến tranh, rất khó khăn và thiếu thốn. Nhưng dù vậy, mẹ em lúc nào cũng giáo dục con cái theo cách sống nhân hậu, không hận thù và đầy lòng vị tha. Và em cũng lớn lên trong tình thương và hạnh phúc nhỏ nhoi ấy.

 

Em rất say mê học và làm đúng theo những gì thầy cô chỉ dạy. Em vẫn còn nhớ, mỗi năm, khi em được thầy cô và bạn bè chọn là Cháu ngoan Bác Hồ, về nhà, khoe mẹ tấm bằng là hôm đó được mẹ dẫn đi ăn cơm tiệm một bữa no nê. Đó là niềm hạnh phúc khó tả của một thời thơ ấu mà đến bây giờ em vẫn còn gìn giữ.

 

Rồi em lớn lên. Chăm chỉ học tập và vẫn ấp ủ nhiều mơ ước cho bản thân, cho đất nước. Em có một ước mơ là trở thành một bác sĩ để làm việc và phục vụ cho mọi người. Nhưng niềm mơ ước ấy đã ra đi cùng với nỗi đau mà đến bây giờ em vẫn không quên.

 

Ngày ấy, khi muốn thi vào đại học thì học sinh phải nộp đơn và được sự chứng nhận của công an phường nơi cư trú. Khi em đi công chứng thì bị ghi vào lý lịch một hàng chữ “con ngụy”. Một từ thật xót xa và tủi nhục đã in trên bản lý lịch giống như một dấu ấn nặng trĩu mang trên người.

 

Cầm tấm đơn đi nộp mà nước mắt cứ rơi. Em không hiểu mình có tội tình gì sao lại bị kỳ thị trên quê hương mà em đang sống, nơi mà em rất thương yêu và nguyện phục vụ cho nó.

 

Chiến tranh đã qua rồi, mọi người Việt Nam mong muốn cùng đóng góp cho một quê hương thanh bình và giàu đẹp nhưng sao những người trẻ tuổi như em lại phải chịu đựng một cái nhìn như kẻ tội lỗi?

 

Sau giờ phút đó, em đã có tâm trạng của một con người bị đặt ngoài xã hội. Cảm thấy trong lòng tự ti và xấu hổ. Rồi ý định ra đi để tìm một quê hương thứ hai cho mình đã nảy sinh.

 

Giờ đây, em là một kỹ sư. Đóng góp cho nước Mỹ thì nhiều, nhưng với quê hương nơi mình sinh ra thì không có. Em và những người bạn Việt vẫn quan tâm đến đồng bào, đến quê hương. Tụi em vẫn thường đọc báo từ quê nhà và rung động với cuộc sống khó khăn mà người dân mình trải qua.

 

Cũng giống như đa số người Việt ở Mỹ, tụi em rất vui mừng khi thấy đất nước phát triển, người dân được cơm no áo ấm. Trong năm nay khoảng 300 ngàn người Việt từ Mỹ về thăm quê hương. Đó là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, có một thực tế là người về thì nhiều mà giúp đỡ quê hương thì quá ít. Bởi vì cảm giác “một người dưng trên chính quê hương mình” vẫn còn trong họ.

 

Họ về vui vẻ với gia đình, với làng quê, nhưng rất yên lặng trong ý kiến và trong đóng góp để xây dựng đất nước. Quê hương hãy tiếp tục mở vòng tay lớn để một ngày nào đó, mỗi người Việt dù bất cứ nơi đâu, thuộc thành phần nào cũng là một người Việt Nam bình đẳng và tự hào trong vòng tay lớn của người mẹ Việt Nam”.

 

Đoàn T.M.
Thanh Niên