Người chiến sĩ công an Mộc Châu cùng dân nuôi 1.878 em nhỏ
(Dân trí) - Trung úy Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Anh được trao giải Tình nguyện quốc gia năm 2021 nhờ thành công kêu gọi hỗ trợ nuôi 1.878 em nhỏ vùng sâu, vùng xa.
Năng nổ tham gia hoạt động cộng đồng từ khi còn là sinh viên
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ, Trung úy Dương Hải Anh đã nhiều lần chứng kiến vết thương tích của bố qua những lần truy bắt tội phạm ma túy. Nhận thức được trách nhiệm của bản thân mình với gia đình và xã hội, anh đã mong ước được trở thành một người công an bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân.
Đến năm 2015, ước mơ trở thành sự thật khi Hải Anh thi đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân, vinh dự đứng vào hàng ngũ lực lượng công an nhân dân. Ngay từ những ngày đầu làm quen với môi trường quân ngũ, Hải Anh đã "bén duyên" với công tác đoàn và phong trào thanh niên.
Với cương vị là Phó Bí thư Liên Chi đoàn, Hải Anh đã cùng hơn 1000 đoàn viên thanh niên tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về các địa bàn khó khăn của các xã vùng sâu, vùng xa biên giới.
Anh còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Tiên phong Cảnh sát trẻ" được thầy cô đánh giá cao vì tính khả thi và hiệu quả lâu dài. Bên cạnh đó, Hải Anh là "cái tên" được nhắc đến khá nhiều trong hoạt động nghiên cứu khoa học và các giải thưởng từ cấp học viện đến cấp Bộ.
Ý tưởng "nuôi em" từ thực tế khó khăn
Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã giáp biên tại huyện Mộc Châu nên mặc dù những điểm trường ở đây đều được Nhà nước đầu tư xây dựng nhưng nhiều học sinh vẫn bỏ học giữa chừng. Sau khi tìm hiểu, Trung úy Hải Anh được biết tại địa phương có xã có tới 80% người dân bị đói. Đây chính là lý do khiến nhiều học sinh không thể tiếp tục đến trường hoặc nếu có đi học thì mang cơm được bố mẹ chuẩn bị sẵn từ nhà để ăn trưa.
Cơm mà các em mang từ nhà đi cũng chỉ là cơm trắng thêm ít rau rừng, khi ăn chan với nước uống có sẵn trên lớp để tiếp tục học buổi chiều. Thậm chí có gia đình còn không chuẩn bị cơm cho con mang đến lớp. Giờ ăn trưa, các em đi bộ về nhà cách trường 3-4 km ăn cơm và không đến lớp vào buổi chiều, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.
Chứng kiến hình ảnh các em nhỏ phải ăn cơm trắng chan nước suối, thậm chí bỏ học để đi đào măng về ăn vì đói. Sự trăn trở và khao khát được làm điều gì đó giúp trẻ em nghèo nơi đây đã dần xuất hiện trong suy nghĩ và thôi thúc người công an trẻ hành động.
Để chia sẻ gánh nặng khó khăn, giúp các em học sinh đến trường với bữa ăn đủ dinh dưỡng nhằm góp phần tạo dựng một thế hệ tương lai có kiến thức, biết lao động và có cơ hội thay đổi cuộc sống, Trung úy Dương Hải Anh và Hội Phụ nữ Công an huyện đã ấp ủ một dự án với tên gọi thân thương "Nuôi em Mộc Châu".
Kết nối trẻ em vùng sâu vùng xa với những tấm lòng nhân ái
Kế hoạch triển khai dự án "Nuôi em Mộc Châu" của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an huyện Mộc Châu do Trung úy Hải Anh làm chủ nhiệm dự án đã được xây dựng, báo cáo và được sự nhất trí, ủng hộ cao trong thường vụ Đảng ủy Công an huyện Mộc Châu. Nơi triển khai đầu tiên chính là điểm trường mầm non Phiêng Cài, xã Lóng Sập.
Ban đầu, dự án là ý tưởng kết nối các nhà hảo tâm nhằm giúp đỡ một số em nhỏ có bữa cơm no để yên tâm đi học nhưng hoạt động này lại thu hút được nhiều người tham gia, hàng trăm em nhỏ đã được nhận nuôi và con số này đang ngày một tăng thêm.
Bắt tay thực hiện dự án, Hải Anh đã cùng đồng đội của mình thu thập những thông tin cơ bản của các em học sinh gồm họ và tên, chỉ số thể trạng, số điện thoại của trưởng bản, cô giáo cắm bản, các cô giáo thuộc điểm trường và tạo thành những mã thẻ. Nhiệm vụ của Hải Anh và nhóm hoạt động dự án là kết nối những hoàn cảnh này với các nhà hảo tâm (chính là những người nhận nuôi các bé) thông qua mạng xã hội.
Trung úy cho biết: "Tất cả các thành viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an huyện đã tiên phong, mỗi người nhận nuôi một trẻ, đồng thời kêu gọi những nhà hảo tâm nhận nuôi cơm trưa cho trẻ với tổng kinh phí cho một năm học (9 tháng) là 1.450.000 đồng, nghĩa là chi phí cho mỗi bữa ăn của một trẻ là 6.800 đồng và tiền cơ sở vật chất trong một năm học là 100.000 đồng. Các cá nhân, tổ chức có thể ủng hộ theo tháng, quý hoặc cả năm học. Nhóm thực hiện dự án sẽ nhận trực tiếp, quản lý và phân phối số tiền hỗ trợ, thường xuyên đến thăm, kết nối giữa người nhận nuôi và trẻ được nuôi".
Sau hơn một tháng triển khai dự án, 54 em nhỏ đầu tiên ở điểm trường Phiêng Cài, xã Lóng Sập đã được hỗ trợ của dự án "Nuôi em Mộc Châu". Bữa ăn đã được cải thiện hơn, có đủ thịt, cá, trứng và rau xanh. Cán bộ chiến sĩ công an huyện Mộc Châu đã cùng với thầy, cô giáo mua sắm đầy đủ các thiết bị nấu nướng như bếp điện, nồi cơm, bát, đũa… và lựa chọn đầu mối cung cấp thực phẩm an toàn.
Ngoài việc nuôi cơm trưa cho các em nhỏ, dự án "Nuôi em Mộc Châu" còn kêu gọi tặng 1600 áo ấm, 4000 đôi tất, 100 chăn ấm, 20 bình lọc nước công nghệ UNICEF và nhiều thiết bị khác với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng.
"Chúng ta có hai bàn tay, một để giúp đỡ chính mình, một để giúp đỡ những người khác"
Đến nay, sau 11 tháng triển khai, dự án "Nuôi em Mộc Châu" đã nhận nuôi 1878 em nhỏ thuộc các xã khó khăn của huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Tổng số tiền tài trợ cho hết năm học 2021-2022 đạt 2,475 tỷ đồng.
Với quan điểm "Chúng ta có hai bàn tay, một để giúp đỡ chính mình, một để giúp đỡ những người khác", Trung úy Dương Hải Anh hy vọng dự án "Nuôi em Mộc Châu" sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn nữa. Ước mơ lớn nhất của người công an trẻ là kết nối được với các trẻ em nghèo không chỉ ở huyện Mộc Châu nói riêng mà toàn tỉnh Sơn La nói chung.
"Bữa cơm trưa chỉ 6.800 đồng nhưng nó được ví được ngọn đèn nơi rẻo cao, sẽ thắp sáng ước mơ đến trường của các em, để các em có cơ hội thay đổi số phận và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn", Hải Anh tâm sự.
Với bảy năm hoạt động công tác tình nguyện, ngoài dự án "Nuôi em Mộc Châu", Hải Anh còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, chung sức vì cộng đồng như: hiến máu tình nguyện, "Ba cùng với nhân dân", "Chăn ấm cho em", "Nước sạch cho em", "Tủ sách vùng cao" hay tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn ma túy cho bà con dân tộc thiểu số…
Khi được hỏi điều bản thân yêu thích nhất khi tham gia các hoạt động tình nguyện, người công an "nuôi em" bày tỏ: "Hạnh phúc là sẻ chia. Với tôi, thứ hạnh phúc cho đi là thứ hạnh phúc còn mãi. Bởi vì ở nơi đó tôi được là chính tôi và hơn hết, tôi có thể mở rộng đôi tay của mình để giúp đỡ những người xung quanh. Khi làm những điều vì cộng đồng, tôi cảm nhận được một nguồn năng lượng tích cực chảy trong tim, tôi cảm thấy trưởng thành và làm tròn trách nhiệm của một người chiến sĩ công an nhân dân".
Tích cực trong các hoạt động tình nguyện nhưng không quên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người chiến sĩ công an nhân dân. Riêng năm 2021, Trung úy Dương Hải Anh được tặng BA bằng khen các cấp, hai giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Sơn La, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Thư khen, Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai phong trào "Thanh niên Công an nhân dân học tập, làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy"... Đặc biệt, Trung úy Hải Anh vừa vinh dự nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2021.
Thành tích tiêu biểu của Trung úy Dương Hải Anh:
- Đạt 3 giải nhất, 3 giải ba nghiên cứu khoa học cấp Học viện Cảnh sát nhân dân
- Đạt giải ba cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Bộ giáo dục với đề tài "Phòng chống tác hại nghiện game online trên điện thoại di động"
- Giấy khen học viên giỏi năm học 2016-2017
- Giấy khen học viên xuất sắc của Cục trưởng Cục Đào tạo năm học 2017-2018
- Đạt danh hiệu học viên xuất sắc toàn khóa D41 - Học viện Cảnh sát nhân dân
- Là sinh viên 5 tốt cấp Bộ Công an
- Được phong hàm Trung úy trước niên hạn 1 năm
- Đạt 4 bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh