Ngộ nghĩnh nhiếp ảnh gia nhí vùng cao Tây Bắc

Ngơ ngác nhìn những chiếc máy ảnh trong tay các anh chị tình nguyện viên, rụt rè mãi các em nhỏ trường Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái) mới dám bấm nút chụp những bức ảnh đầu tiên. Và sau đó, biết bao nhiêu nụ cười đã được lưu lại từ những đôi bàn tay bé nhỏ.

Vượt hơn 300km đường núi ngoằn nghèo, chúng tôi theo chân đoàn tình nguyện viên của chương trình “Canon - Vì thế hệ tương lai” đến với trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái). Nằm trên lưng núi cách thị xã Nghĩa Lộ 20km, điểm trường nội trú là nơi che mưa che nắng của hơn 150 em học sinh dân tộc Dao, Thái, Mông. Do đặc thù của tập quán sinh hoạt và canh tác mà đại đa số gia đình các em đều ở xa trường (thậm chí, nhiều em sống cách xa điểm trường hàng chục km), nên nhiều em được gửi ăn học nội trú.

Nhiếp ảnh vùng cao trong trẻo và ngô nghê - Ảnh: Kiên Trần
Nhiếp ảnh vùng cao trong trẻo và ngô nghê - Ảnh: Kiên Trần

Với đường vào "hiểm hóc" hơn rất nhiều, điểm trường Làng Cò, Khe Kim (thuộc PTDTBT Tiểu học Nậm Mười) cách tỉnh lộ khoảng hơn 20km. Con đường dẫn vào trường vẫn là đường đất, ở nhiều đoạn đường núi đá với một bên là vực, một bên là núi. Mùa khô còn có thể di chuyển bằng xe máy, nhưng hễ đến mùa mưa thì các em học sinh cũng như các thầy cô giáo chỉ còn cách duy nhất để về nhà vào mỗi dịp cuối tuần là đi bộ. Hộp chỉ chứa chữ. Màu nền, viền, kiểu dáng của chữ hay hộp đều có thể thay đổi.

Những con đường đất ấy dẫn chúng tôi đến với những điểm trường của Nậm Lành là Tà Lành và Ngọ Lành. Đón chúng tôi là những thân hình mảnh mai trong những bộ đồng phục học sinh hay thổ cẩm của dân tộc Dao, dân tộc Mông (mà các em tự giặt, tự phơi) đã sờn, bạc, lấm lem vết mực; những khuôn mặt lấm lem nhưng rạng ngời. Trong những căn phòng nội trú hở hoác sẵn đường để gió lùa vào, thổi lạnh buốt các em những đêm gió mùa về là những chiếc chiếu cũ, những chiếc chăn đơn.

Các thày cô giáo kể, vất vả nhất là dạy chữ cho các em lần đầu tiên đến trường. Chúng chưa dạn người, không thạo tiếng Kinh, hễ người lớn hỏi đến thì cúi gằm mặt không trả lời hay lí nhí trong miệng... Các thày cô phải "vừa dạy, vừa dỗ", vừa nhờ các bạn khác làm "phiên dịch", rồi dùng rất nhiều hình ảnh để minh họa để giúp học trò quen dần nếp học. Dần dà, việc các em nhớ mặt chữ, rồi biết ghép vần, đặt câu, làm toán... cứ như thể những thành tích “vượt rào” nho nhỏ trên hành trình dài mà cả thày và trò cùng dốc sức vượt qua.

Cô giáo Điêu Thị Chiểu (dân tộc Tày) cho biết, nhiều phụ huynh đưa con xuống trường với nhõn túi gạo lếch thếch bên hông, việc ăn ở, học tập... thế nào đều "gửi gắm" hết cho nhà trường. Các thày cô chẳng khác gì người nuôi con mọn, lấn bấn đủ việc từ đi xin sách cũ, mua vở, cho đến hút mực vào bút hàng ngày cho các con, chế tạo giáo cụ trực quan từ sách báo cũ, phế liệu... Thế nên, trong những thứ mà đoàn tình nguyện mang lên nơi đây, được đón nhận hồ hởi nhất vẫn là hàng trăm món đồ dùng học tập cùng một số vật dụng thiết thân với học trò. Từ balo, sách vở, lương thực đến những đôi dép trắng tinh được đám trẻ xỏ đôi chân đen đúa, nứt nẻ vào một cách đầy sung sướng. Rồi tiếp đến mới là những thứ máy móc, trang thiết bị mà có khi có thày cô còn chưa từng một lần sờ đến, nào máy tính, máy in, máy ảnh, laptop, USB 3G...

Vui nhất với các tình nguyện viên, cũng như với bọn trẻ có lẽ chính là buổi "đào tạo" đầu đời về nhiếp ảnh. Năm nhóm tình nguyện viên phụ trách từng khối lớp khác nhau, dạy các em cách cầm máy, bấm nút chụp ảnh cho đúng cách. Các bạn còn đảm đương cả nhiệm vụ người mẫu. Những khuôn mặt lấm lem như sáng bừng lên bởi những nụ cười và sự thích thú khi theo dõi các thao tác. Và rồi, ôi, đây là bạn Tòn, đây là bạn Khén, kia là cái cửa lớp chúng mình, là con trâu đi qua cổng trường, là ngôi nhà tít lưng chừng núi xa xa. ..

Ảnh chụp xong được in ngay tại chỗ để tiếp tục giảng giải cho các em về cách chọn góc, chọn khung hình, đối tượng... Những "thành phẩm" mất nét hay chẳng có bố cục gì vẫn được đám "công chúng" nhí chuyền tay nhau, chiêm ngưỡng đầy thích thú. Đơn giản vì tất cả đều thật thân thương, đều đáng ngạc nhiên vì làm sao cái máy bé xíu kia lại thu được người và cảnh xung quanh vào tờ giấy vuông vắn ấy.

Các em nhỏ hào hứng với “nhiếp ảnh nhí” - Ảnh: Kiên Trần
Các em nhỏ hào hứng với “nhiếp ảnh nhí” - Ảnh: Kiên Trần

Các tình nguyện viên nhớ mãi về em Quyến, lớp 3D trường Nậm Lành. Ban đầu, Quyến rụt rè, chần chừ mãi mới dám cầm chiếc máy ảnh. Rồi đến khi được hướng dẫn chỉnh góc, sử dụng máy và thực hiện những cú bấm đầu tiên, cậu bé cười vang sung sướng và hăng hái sáng tác đến nỗi các anh chị phải nói mãi mới chịu nhường máy cho bạn khác thực hành.

Những bức ảnh sáng nụ cười em nhỏ vùng cao - Ảnh: Phú Hưng.
Những bức ảnh sáng nụ cười em nhỏ vùng cao - Ảnh: Phú Hưng.

Cảm động biết bao những ngô nghê của các nhiếp ảnh gia nhí vùng cao Tây Bắc, với những ánh mắt sáng, những nụ cười tươi và bàn tay tí xíu vẫy theo đầy lưu luyến... Và chúng tôi sẽ còn cùng “Canon - Vì thế hệ tương lai” năm thứ 5 mang những phần quà, mang những hỗ trợ và cả nhiếp ảnh đến với nhiều vùng khó khăn khác của đất nước trong năm 2013 này.

Bài và ảnh: Kiên Trần, Phú Hưng