Ngỡ ngàng làng bích họa tại xã đảo An Bình

(Dân trí) - Những ngôi nhà cũ kỹ ven biển ở xã đảo An Bình - đảo Bé Lý Sơn (Quảng Ngãi) như được “khoác áo mới” với vô số những bức tranh độc đáo do những họa sĩ trẻ thể hiện.

Bắt đầu từ 1/6/2017, nhóm 10 họa sĩ trẻ đến từ Hà Nội và TPHCM đã có mặt tại xã đảo An Bình để thực hiện những bức vẽ vô cùng độc đáo trên những bức tường nhà dân trên đảo.

Từ cổng làng, những bức tranh kích thước lớn, tông màu xanh dương chủ đạo và nhân vật chính là loài rùa biển đã thu hút người xem. Đi vào bên trong, các ngôi nhà hai bên đường trước đây đã được khoác lên tấm áo mới, rực rỡ và ấn tượng, khiến không gian trên đảo sinh động hẳn.


Nhóm họa sĩ thực hiện dự án làng bích họa An Bình

Nhóm họa sĩ thực hiện dự án làng bích họa An Bình

Theo chị Bùi Thị Thu Hiền - Quản lý chương trình biển và vùng bờ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, tham gia vẽ tranh ở xã đảo An Bình có 10 họa sĩ trẻ, 5 người đến từ Hà Nội và 5 người đến từ TPHCM.

Đây là những bạn trẻ có tranh phác thảo với chủ đề Biển đảo – Rùa biển – Cuộc sống làng chài được lựa chọn từ hàng trăm tranh đóng góp cho chương trình. Tất cả những họa sĩ này ăn, ở, sinh hoạt cùng người dân đảo và vẽ tình nguyện như một cách đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường, bảo vệ biển đảo quê hương.

Chị Hiền cho biết: “Thông qua chương trình này, BTC hy vọng sự hiện diện của làng bích họa trên đảo Bé sẽ trở thành một điểm đến của du lịch cộng đồng, hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế, giảm bớt áp lực khai thác các nguồn lợi thủy sản.

Đồng thời, hoạt động góp phần nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường biển; bảo vệ các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có rùa biển”.

Ngoài ra, từ khi có dự án đến với làng chài ven biển, hầu hết người dân đều rất phấn khởi nên tự nguyện đứng ra hỗ trợ giúp đỡ cho những họa sĩ vẽ tranh bích họa. Chỉ trong vòng gần nửa tháng nhưng làng quê biển như được “khoác thêm áo mới”.

Những ngôi nhà cũ kỹ phút chốc bỗng sáng rực lên với những hình vẽ vô cùng độc đáo của các họa sĩ. Mặc dù dưới cái nắng như đổ lửa của miền Trung, nhưng tất cả các họa sĩ đều miệt mài với bức vẽ của mình, với sự động viên của chủ nhà và những người bạn đồng hành.


Bức bích họa mang tên Live together của họa sĩ trẻ Hải Yến

Bức bích họa mang tên Live together của họa sĩ trẻ Hải Yến

Ngô Thị Hải Yến (sinh năm 1992) – tác giả của bức tranh Live together cho biết: “Mình đang là họa sĩ tự do tại Hà Nội. Ý tưởng về một thế giới nơi con người và động vật, cây cỏ sống hòa thuận cùng nhau luôn hiện hữu trong đầu mình.

Mình đã vẽ rất nhiều trên sổ, đồ án, cặp sách, ... nên khi biết đến chương trình vẽ tranh tường tại xã đảo An Bình, mình đã phác thảo ngay bức tranh cậu bé và chú rùa cùng nhau bơi dưới lòng biển xanh.

Những ngày thực hiện bức vẽ quả thực rất vất vả, vì thời tiết nắng nóng đến hơn 40 độ, trên đảo lại khan hiếm nước ngọt và chỗ mình vẽ tranh không có một bóng cây. Nhưng thực sự, những tình cảm và sự giúp đỡ của người dân trên đảo cũng như sự hỗ trợ từ các bạn họa sĩ khác đã tiếp sức cho mình rất nhiều.

Nhìn lại bức vẽ của mình, mình có cảm giác rất tự hào vì đã góp một chút công sức nhỏ cho biển đảo quê hương, và giúp thúc đẩy nền du lịch trên đảo để cuộc sống của người dân trên đảo sung túc hơn”.


Nhóm 3 họa sĩ Như Hoài, Tấn Đạt và Đoàn Tuyến đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đội nắng để thực hiện 3 tác phẩm với đề tài Dưới đáy đại dương

Nhóm 3 họa sĩ Như Hoài, Tấn Đạt và Đoàn Tuyến đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đội nắng để thực hiện 3 tác phẩm với đề tài Dưới đáy đại dương

Anh Nguyễn Lợi (sinh năm 1990) – một người dân trên đảo chia sẻ: “Mình từng là sinh viên mỹ thuật, nay về quê sinh sống và làm việc. Những ngày này, nhìn các bạn trẻ vẽ miệt mài, mình rất “thèm” và muốn được cầm cọ trở lại.

Những bức tranh với nội dung trong trẻo, sinh động, khiến cho hòn đảo nhỏ này trở nên rực rỡ hơn rất nhiều. Hy vọng trong những ngày không bận rộn, mình có thể tiếp sức các bạn để có thể “phủ màu” lên những bức vách còn trống trong làng.”

Dự án xây dựng làng bích họa An Bình của tổ chức phi chính phủ IUCN – International Union Conservation Nature được thực hiện từ ngày 1 đến 10/6/2017 với hy vọng mang lại bộ mặt mới cho những ngôi nhà ven biển tại xã đảo An Bình.

Tại xã đảo An Bình có 93 hộ dân, trong đó có 10 bức tranh lớn được thể hiện và hàng chục bức tranh nhỏ được vẽ trên lan can, lu nước, ô cửa sổ... Nội dung của các bức tranh xoay quanh thiên nhiên, biển đảo, con người và động vật hoang dã.


Họa sĩ Kim Hoàn (Hà Nội) lựa chọn phong cách hoạt hình cho bức tranh “Rùa ăn cá gỗ” của mình

Họa sĩ Kim Hoàn (Hà Nội) lựa chọn phong cách hoạt hình cho bức tranh “Rùa ăn cá gỗ” của mình


Do thời tiết khắc nghiệt trên đảo, nhiều họa sĩ phải nghỉ buổi sáng và vẽ vào buổi tối, đêm để kịp tiến độ của toàn bộ dự án

Do thời tiết khắc nghiệt trên đảo, nhiều họa sĩ phải nghỉ buổi sáng và vẽ vào buổi tối, đêm để kịp tiến độ của toàn bộ dự án

Ngỡ ngàng làng bích họa tại xã đảo An Bình - 6


Bức vẽ mang tên Thời gian không chờ đợi, có nội dung cảnh tỉnh người dân trước bờ vực tuyệt chủng của loài rùa biển

Bức vẽ mang tên Thời gian không chờ đợi, có nội dung cảnh tỉnh người dân trước bờ vực tuyệt chủng của loài rùa biển


Lý Thị Hương An (sinh năm 1996) là họa sĩ trẻ nhất tham gia dự án. Bức tranh của Hương An mang tên Rùa xanh – tình yêu cát và biển.

Lý Thị Hương An (sinh năm 1996) là họa sĩ trẻ nhất tham gia dự án. Bức tranh của Hương An mang tên Rùa xanh – tình yêu cát và biển.


Các bạn trẻ bắt đầu “check-in” tại các bức bích họa trên đảo An Bình

Các bạn trẻ bắt đầu “check-in” tại các bức bích họa trên đảo An Bình

Hồng Minh