Nghiên cứu sinh AI và 3 quán quân Olympia chia sẻ bí quyết du học Úc
(Dân trí) - Lại Tuấn Dũng - nghiên cứu sinh AI làm việc tại 3 trường đại học tại Úc cùng với các nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia chia sẻ kinh nghiệm lấy học bổng học tập toàn phần tại Úc.
Nghiên cứu sinh truyền cảm hứng ngành công nghệ thông tin cho giới trẻ Việt
Lại Tuấn Dũng, sinh năm 1998, được biết đến với cái tên Dũng Lại "Lập Trình". Anh từng được mời giảng dạy tại Đại học Swinburne Australia chuyên ngành lập trình ngay sau kì học đầu tiên. Sau 3 năm đại học, anh nhận được học bổng Tiến sĩ toàn phần ngành AI (trí thông minh nhân tạo) tại đại học Deakin Úc.
Hiện tại, Dũng Lại đang là Lead Tutor (giáo viên hướng dẫn chính), dạy học các môn về lập trình cơ bản tại Đại học Swinburne, đồng thời làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại viện trí tuệ nhân tạo ứng dụng A2I2. Anh cũng đảm nhiệm vị trí Teaching Associate (liên kết giảng dạy) tại đại học Monash, phụ trách mảng lập trình python và AI cho những sinh viên đang theo học thạc sĩ kế toán.
Ngoài thời gian làm việc tại các trường đại học ở Úc, Dũng Lại thường xuyên đăng tải những video dạy học lập trình cho người mới bắt đầu bằng tiếng Việt, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm du học Úc. Đây là cách anh truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu mến ngành lập trình ở Việt Nam.
Cuối tuần, anh Dũng thường dành thời gian xây dựng nội dung chia sẻ về ngành công nghệ thông tin và dạy học lập trình cơ bản cho cộng đồng giới trẻ.
Anh Dũng hi vọng rằng, bằng tất cả những năm tháng dạy học, những chia sẻ của anh có thể giúp những bạn sinh viên Việt Nam và những bạn du học sinh chuẩn bị sang Úc có những cái nhìn tổng quát hơn về ngành lập trình, cũng như có được sự chuẩn bị để giảm phần bỡ ngỡ khi bắt đầu theo học chính quy.
Dũng Lại chia sẻ thêm, công nghệ thông tin là một ngành kỹ thuật hiện có nhu cầu trên thị trường rất cao, tài liệu để tự học cũng rất phong phú và đa dạng, chỉ cần có quyết tâm và sự nghiêm túc, bền bỉ tìm tòi để cải thiện kĩ năng, lập trình có thể dễ dàng trở thành công cụ kiếm tiền giúp trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình.
Việc tham gia dự án nghiên cứu là "vũ khí sắc bén" để lấy học bổng
Mới đây nhất, Dũng Lại và 3 người bạn là quán quân Đường lên đỉnh Olympia, những thí sinh từng xuất sắc giành được vòng nguyệt quế và được trao học bổng 100% du học Úc , tổ chức một buổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm học tập với các bạn trẻ.
Chia sẻ về bí quyết tìm học bổng toàn phần tại Úc, Dũng Lại cho biết: "Có thể nói, để nhận được học bổng thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại Úc không quá khó. Mình cho rằng luôn cố gắng đạt kết quả học tập xuất sắc và tham gia các dự án nghiên cứu cùng các thầy cô khi còn ở đại học sẽ là hai chiếc chìa khóa lớn nhất để có thể nhận được học bổng".
Anh Dũng tiếp tục chia sẻ: "Kết quả học tập tốt sẽ giúp chúng ta xây dựng được mối quan hệ tốt với thầy cô. Qua đó, thầy cô sẽ thấy được thực lực và sự nỗ lực của bản thân mình. Khi thầy cô có những dự án nghiên cứu thì chắc chắn chúng ta sẽ có cơ hội được đồng hành.
Trong quá trình làm dự án, hãy cố gắng làm việc thực sự tâm huyết, thầy cô sẽ thấy được năng lực và sự cố gắng của bạn. Điều đó giúp chúng ta có nhiều cơ hội để nhận học bổng thạc sĩ, tiến sĩ. Những học bổng nghiên cứu này phần lớn là sự tiếp nối của những dự án và hướng nghiên cứu mà của cá nhân thầy cô hoặc nhóm nghiên cứu đang theo đuổi".
Bên cạnh đó, quán quân Olympia năm 2016 - Thanh Chương, từng là cựu sinh viên trong lớp Dũng Lại hướng dẫn những năm đầu đại học, cũng tỏ ra đồng tình với ý kiến này.
Thanh Chương chia sẻ thêm, trong thời gian ở Úc, Chương từng thực hiện những dự án về AI, anh cho rằng trong trí tuệ nhân tạo, có rất nhiều chủ đề mà mọi người có thể làm và tham gia. Cụ thể như là xử lý dữ liệu, xây dựng công cụ hỗ trợ có ứng dụng AI. Đây sẽ là những kinh nghiệm làm việc thực tế rất tốt cho những bạn sinh viên muốn bắt đầu với ngành AI.
Những khó khăn khi hòa nhập với môi trường nước ngoài
Quán quân Olympia 2018 Nguyễn Hoàng Cường cũng chia sẻ cách để hòa nhập tốt với môi trường nước ngoài là tham gia những hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ mình thích. Bởi qua đó, Cường có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ; giúp bản thân có thêm tự tin thông qua sự giao tiếp thường xuyên với mọi người, vừa có thể giải trí vừa có thể hiểu được thêm văn hóa các nước khác.
Khó khăn lớn nhất ngoài việc học tập của du học sinh có lẽ là việc hòa nhập. Vậy nên, theo Dũng Lại: "Đừng quá lo lắng về việc khác biệt ngôn ngữ và hãy rèn luyện sự tự tin".
Xu hướng thực tập không lương của sinh viên
Dũng Lại cho biết, anh từng nhận được nhiều lời mời thực tập không lương từ các công ty Úc trong những năm đầu tiên. Lúc đó, anh rất đắn đo nhưng đã quyết định từ chối và quyết tâm giành thời gian đó để tiếp tục nỗ lực học tập và rèn luyện hơn nữa. Anh tin rằng mình có thể tự dành thời gian để cải thiện kiến thức và tin tưởng vào tương lai có thể tham gia thị trường lao động tại Úc ngành IT và có trả lương.
Ý kiến của quán quân Olympia 2019 - Trần Thế Trung, người đang theo học ngành thiết kế và truyền thông cho biết: "Cá nhân em phản đối việc thực tập không lương. Việc các công ty mời gọi mình đi thực tập không lương để lấy kinh nghiệm khiến em cảm thấy sức lao động của mình đang không được người ta coi trọng.
Họ chỉ muốn lấy sức lao động của mình để thực hiện mục đích của họ mà thôi. Cũng có thể do tính chất ngành học của mình nên em cảm thấy không ủng hộ điều này. Ngành học hiện tại của em là một ngành sáng tạo, việc thường xuyên "bị" nhờ vẽ hoặc là trả giá không cao cho sản phẩm của mình đôi khi cũng gây ra sự không thoải mái trong công việc".