“Nghệ thuật” sống trọ
Những dãy trọ của sinh viên luôn đông vui và nhiều tiếng cười nói, tâm sự. Tuy nhiên, “sống trọ cũng có nhiều rắc rối và quy định” theo như lời Kiều Hồng (sinh viên năm cuối ĐH Y Hà Nội) tâm sự.
Hồng có kinh nghiệm chuyển đến 6 nơi trọ trong suốt những năm học ĐH của mình, nên cô tự rút ra rất nhiều kinh nghiệm sống trọ cho mình: làm sao không có điều tiếng, làm sao không bị mất cắp, làm sao có đủ tiền chi tiêu trong một tháng…
Các bạn nữ xa gia đình nên chọn cho mình khu trọ nằm trong sự kiểm soát của chủ khu trọ để tránh được những sự làm phiền như sinh nhật muộn, đi chơi về khuya quá, hay những lúc ôn thi bạn rủ đi tham quan cắm trại vài ngày.
Xuân (SV CĐ Sư phạm Hà Nội) cho biết thêm: “Nếu ở trọ riêng biệt với nhà chủ, cũng có sự tự do tuyệt đối, không bị nhắc nhở, làm phiền hay soi mói. Nhưng đôi khi bạn bè đến chơi khuya quá, không dám nhắc bạn về sớm, ngại lắm. Nếu ở cùng khu với chủ nhà thì 10h tối là đóng cửa dãy trọ rồi, không được tiếp bạn khuya quá, và nhất là bạn nam thì không được đóng kín cửa phòng”. Như vậy tránh được những điều tiếng cho bạn gái, và sự quá đà của các nam sinh viên.
Riêng đối với những “hàng xóm”, bạn nên hòa nhã, chào hỏi mọi người lịch sự, đừng tự khép kín quá, bởi những bạn trọ xung quanh đôi lúc giúp đỡ ta rất nhiều trong sinh hoạt hàng ngày.
Bạn có thể tìm cho mình một người bạn thân để tâm sự và giúp mình hòa đồng hơn với mọi người. Tuyệt đối tránh nói xấu, hay tâm sự quá đà về bản thân, vì bạn trọ dù sao cũng là những người mới quen biết, nên giữ mức quan hệ vừa phải để có thể hài hòa với tất cả.
Đã có những chuyện cãi cọ, soi mói nhau khi một thành viên khu trọ đi sớm về khuya, đóng cửa kín mít khiến “chị em” khác khó chịu cho rằng “nó kiêu, vênh váo” và xảy ra cãi cọ.
Khi được hỏi, Hà Thanh (SV Trung cấp Xây dựng) than phiền: “Em nghĩ “nghệ thuật” đầu tiên chính là tránh chuyện tiền nong với bạn trọ. Có bạn hồi đầu thân với em, sau khi mượn tiền lâu lâu không trả, bạn tránh em, rồi hai đứa tách dần nhau ra”. Khi mới về thăm nhà lên, hay nhận được tiền của gia đình gửi, bạn nên giữ kín tránh để cho “hàng xóm” biết mình có bao nhiêu tiền. Như vậy khi bị nhờ vả “bất đắc dĩ” bạn cũng có cớ từ chối.
Hùng, SV ĐH Ngoại ngữ cho hay: “Mình đã mất tiền ngay trong nhà vài lần rồi, cứ anh em bạn bè đến chơi, con trai nên chẳng để ý. Mình nghĩ sống trong khu trọ nhiều người các bạn nên chú ý đến đồ đạc của mình, và tế nhị cất tiền hay vật giá trị đi khi có khách đến chơi. Sinh viên trọ học, ai cũng thiếu thốn, chẳng biết nghi cho ai, tốt nhất tự phòng thủ thì hơn”.
Bạn nhớ chú ý các quy định chung của dãy trọ để có được thiện cảm trong mắt mọi người: Đổ rác đúng giờ, đúng nơi, vào ngõ dắt xe, không tổ chức tụ tập quá ồn ào, không “tình cảm” quá với người yêu trước mặt mọi người…
Sống đẹp và có ý thức sẽ khiến cuộc sống tự lập, xa gia đình của bạn đỡ thiếu thốn và buồn tẻ hơn rất nhiều. Hãy chuẩn bị cho mình một chút nghệ thuật “sống trọ” từ kinh nghiệm bản thân hay bạn bè khi bước sang khu trọ mới.
Theo VTC News