“Nghệ sĩ học trò” náo loạn đường phố

Khoảng hơn hai chục chiếc xe phóng điên loạn, mùi động cơ khét lẹt mỗi đoạn đường chạy qua. Chúng vượt qua tất cả các đèn đỏ. Bốn chiếc xe dẫn đầu chạy theo hàng một cúi rạp người “núp gió” ngay sát đằng sau chiếc Wave RS “cầm cờ” không đeo biển kiểm soát...

Khoe “chiến tích”, phô “tài năng”

 

Giờ tan học, cổng Trường Trung học V.Đ. (Hà Nội) kín đặc người và xe, các loại xe máy đời mới dựng la liệt ngổn ngang dưới lòng đường, trên vỉa hè. Còn chủ nhân những chiếc xe máy sành điệu đủ màu, dán đề-can xanh đỏ lằng ngoằng toàn tiếng Tây thì đang ngồi tụ tập kín mít thành một dãy dài ở các quán nước đối diện trường.

 

Một nhóm hơn một chục nam sinh tóc tai dựng đứng tua tủa kiểu cách ngồi bu tròn quanh chiếc bàn gỗ nhỏ, vài cốc nước, một bao thuốc dở và những câu chuyện bàn luận xoay quanh chủ đề "guốc giày xe pháo" ỏm tỏi như để cho cả thiên hạ biết.

 

Được một lúc chuyện nhạt dần vì anh nào cũng mạnh mồm, tất cả quay ra chí chóe khoe thành tích "bó vỉa đánh lửa", "đi một bánh" hết phố này phố nọ...

 

Một nam sinh trông có vẻ ra dáng "đầu đàn" ngồi cười nhạt, miệng ngậm điếu thuốc, mắt nheo nheo khinh khỉnh nhìn thằng bạn đồng môn đang ba hoa về mấy trò "làm xiếc trên phố".

 

Hắn nhoài người ngó thẳng vào mặt kẻ ba hoa, đám "fan hâm mộ" vẫn đang tiếp tục há mồm hóng hớt theo những sự tích trên giời dưới biển, hắn cười khẩy một cái như ngôi sao ca nhạc trên sân khấu, buông một câu cụt lủn: "Để tao xem mày chạy thế nào, anh em chứng kiến tao di nát con bệnh này cho mai nó khỏi bốc phét".

 

Tất cả cười hô hố rồi sau vài phút, lục tục đứng dậy, những chiếc xe chở ba, chở bốn tiếng máy gầm rú, còi hơi bóp inh ỏi phóng ào đi. Một cuộc tỷ thí tử thần của những "chú ngựa non" giữa ban ngày chuẩn bị bắt đầu.

 

"Bắt sóng" được những gì đang sắp diễn ra, tôi cuống cuồng nhảy lên xe đuổi theo. Đến đoạn Hàm Long - Phan Chu Trinh, cả đội "tổ lái học đường" phanh kịch lại, đánh lái ngoằng một cái dàn ngang thẳng hàng, 4 xe nghênh ngang giữa lộ thách đố lẫn nhau.

 

Bất chợt tiếng máy gầm lên rồi hai xe mỗi chiếc cõng ba quí tử áo trắng đồng loạt chồm lên phía trước, bánh trước nhấc lên cao chông chênh chạy bằng bánh sau, uốn éo lấy thăng bằng dọc quãng phố. Người đi đường một phen hoảng hồn, cuống cuồng nép sát vào hai bên lề nhường đường cho những tiểu tử liều mạng.

 

Các "nghệ sĩ xiếc đường phố" chạy một bánh khoảng vài trăm mét, vượt qua đến ngã tư thứ ba thì gặp đèn đỏ, một xe do tránh chướng ngại vật "hạ cánh" đến rầm một cái, con Wave "chiến" đổ vật rê đi một đoạn, ba kẻ liều mạng văng mỗi đứa một góc chân tay xước xát trầy trụa.

 

Kẻ thắng cuộc rú ga vọt lên thêm một đoạn nữa như để thể hiện rõ ràng "ta đã thắng cuộc" rồi mới vòng lại, vẫn ngồi an tọa trên xe chỉ tay năm ngón "đứa này, đứa nọ" giúp nhau mà ngồi dậy.

 

Đêm diễn xiếc của các “nghệ sĩ đường phố”

 

Hầu hết dân "tổ lái" của nhóm trên đều là học sinh lớp 11, 12 tại những trường trung học tên tuổi ở trung tâm Hà Nội, cá biệt có 2 thành viên trong nhóm đã bỏ học hiện đang hành nghề sửa chữa xe máy ở phố Phủ Doãn, thường xuyên "độ xe" cho dân đua bất hợp pháp trên đường phố.

 

Tôi không giấu giếm nhân thân khi giới thiệu là phóng viên đang tìm kiếm thông tin về giới "tổ lái thời nay" để viết báo, cả hội nhao nhao khen ngợi tôi như đại ca khen tiểu đệ chỉ có trong phim chưởng: "Ông anh biết nói thật như thế là cũng thuộc dạng quân tử đấy, có thích tối nay đi đua luôn không thì tha hồ mà tin với tức?!". Tôi gật đầu cái rụp, lưu lại số điện thoại di động của từng "đại ca" mới quen.

 

11h tối, đúng hẹn tôi ngồi đợi ở quán nước chè "u Thọ" đầu phố Hàng Gai, điểm hẹn quen thuộc của giới đua xe Hà thành, quán đông khách chừng hơn hai chục vị toàn thanh niên choai choai tóc nhuộm xanh đỏ ngồi la liệt dưới mái hiên.

 

Người đàn bà chủ quán tên Thọ trạc 50 tuổi, dáng người to béo ngồi xổm bán hàng, mồm miệng xoen xoét, hàng là một cái làn nhựa đỏ đựng đầy các loại thuốc lá, một cái ấm chè to và một cơ số chén cốc ố màu.

 

Chuyện giới đua xe "u Thọ" có vẻ rất am hiểu, tỏ tường và thuộc hầu hết mặt, tên kèm biệt danh các "tay lái lụa" ghé vào. Ngồi đợi được một lúc thì đám "tiểu tử" tôi gặp hồi trưa ào đến tấp vào lề.

 

"U Thọ" gọi í ới: "Thằng L "trọc" kia vào đây chơi với u. Dựng xe sang bên kia đường không Công an đến thì xích hết cả lũ". Ngồi quán nước được một lúc, đợi đúng đến giờ G, cả hội tiểu tử bắt đầu trèo lên những con Wave chiến dán đề can lòe loẹt.

 

Chúng rong ruổi đi chầm chậm hết con phố Hàng Gai, qua Hàng Bông và màn biểu diễn đầu tiên là cả hội vèo vèo vượt đèn đỏ ngay ngã tư Điện Biên Phủ, chạy thẳng Trần Phú, chỉ trong nháy mắt đã qua Sơn Tây khiến tôi đuổi theo muốn rớt tim. Và đến đoạn đường Kim Mã gắn liền với những kỳ tích của dân đua Hà thành, đám tiểu tử lộ mặt là những "nghệ sĩ đường phố".

 

Khoảng hơn hai chục chiếc xe phóng điên loạn, mùi động cơ khét lẹt mỗi đoạn đường chạy qua. Chúng chạy với tốc độ khoảng 90-100km/h vượt qua tất cả các đèn đỏ, bốn chiếc xe dẫn đầu chạy theo hàng một cúi rạp người "núp gió" để đạt được tốc độ cao hơn ngay sát đằng sau chiếc Wave RS "cầm cờ" không đeo biển kiểm soát, ánh đèn xe sáng rực đủ màu, tiếng còi hơi, tiếng máy gào rú phát ra từ những chiếc xe đang lao như thiêu thân kêu rầm rĩ trong đêm.

 

Có vài xe của người dân đi về muộn cuống cuồng dạt vào vỉa hè khi đoàn đua chạy qua. Các tay "tổ lái" chùng ga bắt đầu giảm tốc độ rồi đi chậm lại, tản dần khi bắt gặp Cảnh sát cơ động đi tuần tra trên đường Cầu Giấy...

 

Hết một đêm cuối tuần, đường phố về sáng vắng lặng. Tôi gọi điện thoại di động cho một cậu trong nhóm đua xe. "Em vừa về nhà rồi, hôm nay vui thế là đủ, mai còn dậy đi học nữa chứ anh" - cậu trả lời rồi ngắt máy.

 

Đó là một đêm trong nhiều đêm diễn xiếc của các "nghệ sĩ đường phố" mà mỗi màn trình diễn luôn làm người đi đường đứng tim. Có một bộ phận học sinh THPT hiện nay đang tìm cách khẳng định mình bằng những cuộc chơi đua đòi và vô cùng nguy hiểm như thế.

 

Nếu ai đó có dịp để ý mỗi khi đi qua Bệnh viện Việt - Đức, những vòng hoa trắng không hiếm gặp, bạn bè chúng - những tay đua may mắn không bị thần chết lôi đi mặt vẫn còn tái dại khi nhớ lại cảnh thằng bạn nằm cứng đờ giữa đường.

 

Người chết thì không còn biết gì nữa, không còn thêm một lần nào được cùng đám bạn tổ lái làm xiếc trên đường, chỉ còn người thân của họ, những người cha người mẹ, đang tan nát cõi lòng khi "lá vàng còn ở trên cây…".

 

Giá mà một lần, những tổ lái xấu số đó tỉnh lại và chứng kiến những giọt nước mắt đau đớn này…

 

Theo Minh Trí
Công An Nhân Dân