Nghe các nhà hùng biện SV tranh cãi “vụ Lê Văn Luyện”
(Dân trí) - Từ hình ảnh nụ cười của Lê Văn Luyện tại tòa khi biết chắc không bị tử hình, các nhà hùng biện SV đã đưa ra lý lẽ hùng hồn để bảo vệ quan điểm nên hay không nên tăng mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.
Vừa qua, đêm Chung kết cuộc thi hùng biện do hội SV ĐH Luật (HN) tổ chức đã diễn ra với sự góp mặt của 10 thí sinh, những SV đã xuất sắc vượt qua hàng chục đối thủ tại các vòng thi trước để góp mặt trong buổi tối quyết định.
Thay vì “đơn thương độc mã” trình bày trên sân khấu như các vòng trước đó, ở phần một đêm Chung kết, các thí sinh được chia theo cặp để cùng hùng biện về một vấn đề (một theo hướng ủng hộ, một theo hướng phản bác).
Ngay từ những cặp thi đầu tiên, bầu không khí sớm trở nên nóng hổi khi cặp Phan Công Tiến – Phạm Thu Trang bước lên tranh luận về chủ đề “ Nên chăng tăng mức hình phạt có thể đối với người chưa thành niên phạm tội so với pháp luật hiện hành để đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong độ tuổi vị thành niên hiện nay?”.
Với quan điểm ủng hộ, Thu Trang không ngại ngần sử dụng hình ảnh nụ cười của “sát thủ” Lê Văn Luyện tại tòa án khi biết chắc mình không bị tử hình do chưa đủ 18 tuổi để cho rằng cần mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong mức phạt để thể hiện sự răn đe của pháp luật và “những kẻ có tội phải chịu tội”.
Ở phía ngược lại, chàng trai khoa Luật ĐHQGHN tự tin đưa ra luận điểm của mình. Thứ nhất, dưới góc độ pháp lý quốc tế, hầu hết luật pháp các nước và văn bản pháp lý quốc tế đều thừa nhận quyền lợi tối đa của người vị thành niên phạm tội.
Còn tại VN, việc tăng hình phạt đối với vị thành niên phạm tội là cái nhìn phiến diện của người ngoài cuộc. Bởi người vị thành niên phạm tội do chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, hiểu biết xã hội, pháp luật hạn chế.
Phần hùng biện của Công Tiến.
Thứ hai, truyền thống của dân tộc VN vốn nhân đạo, nhân văn. Dân tộc ta có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” nên người VN luôn muốn người phạm tội hay vị thành niên phạm tội có cơ hội làm lại cuộc đời.
Ngoài ra, pháp luật phải là biện pháp khắc chế cuối cùng để xử lý khi thiết chế xã hội khác như tôn giáo, văn hóa, đạo đức truyền thống không đảm bảo được mục đích...
Và để kết thúc cho phần trình bày đầy thuyết phục của mình, Công Tiến trích dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Xét xử đúng thì đã tốt nhưng không xét xử lại càng tốt hơn”.
Công Tiến trở thành nhà hùng biện SV xuất sắc nhất cuộc thi.
Kết quả chung cuộc, Phan Công Tiến xứng đáng giành giải Nhất cuộc thi hùng biện mang tên Socrates. Giải nhì được trao cho nữ sinh Nguyễn Hồng Nhung và vị trí thứ 3 thuộc về Lê Hoàng Hữu Tài.
Vũ Phong