Ngẩng đầu lên mà sống!

Bốn năm rưỡi đầu cuộc đời, theo như lời kể của bà ngoại, tôi là một đứa trẻ như bao đứa trẻ khác: tươi tắn, vui vẻ và nghịch ngợm. Rồi tôi vấp té vập mật vào góc giường. Chấn thương đã khiến hai mắt tôi lúc nào cũng như nhìn qua màn sương mù.

Vết thương trên mắt đã thành sẹo, nhưng nỗi đau trong lòng tôi vẫn âm ỉ. Hễ bọn trẻ con cùng xóm “rộng lượng” cho tôi nhập cuộc chơi đùa, thế nào chúng cũng bắt tôi đóng vai quỷ sứ. Tôi càng sợ luôn những người thương hại tôi.

 

Nhưng trên mỗi bước chân của tôi bao giờ cũng có mẹ. “Ngẩng đầu lên mà sống, con ạ!” Lần đầu tiên tôi nghe câu nói đó từ miệng mẹ, khi tôi gục mặt xuống cố dò dẫm bước đi sau khi từ bệnh viện trở về nhà. Lúc đó, câu nói đó cô nghĩa là: “Cẩn thận, nếu không con lại sẽ vấp cây cột nhà”.

 

Lớn lên chút nữa, tôi nghe câu đó khi mẹ dẫn tôi tới trường. Và tôi đã ngẩng cao đầu để trả lời câu hỏi của cô giáo rằng ba cộng với bốn là bảy, trong khi các bạn học khác của tôi còn đang bấm từng đốt ngón tay. Nhớ câu nói của mẹ, tôi đã nhận lời làm trọng tài cho cuộc đấu bóng chuyền với lớp bên cạnh.

 

Tôi ngẩng cao đầu mạnh dạn bước vào cuộc sống, để mọi người nhận ra rằng tôi cũng như họ. Nhưng rồi tới một ngày, niềm khao khát được nhìn thấy vẻ đẹp của chính mình, một cô gái trẻ, bùng lên trong tôi. Thất vọng, tôi gục đầu vào lòng mẹ. “Ngẩng đầu lên mà sống, con ạ. Sẽ có người phát hiện vẻ đẹp bên trong của con”.

 

Tôi gặp anh ấy. Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau. Mẹ nói đúng. Cuộc sống của chúng tôi không dễ dàng, nhưng tôi tin yêu anh. Còn anh thường nói vẻ đẹp nội tâm của tôi thôi thúc anh hướng tới những điều cao cả, ham muốn hy sinh; rằng trí thông minh, tính điềm đạm và khả năng linh cảm của tôi như sợi dây cương kìm hãm những suy tính bồng bột của anh.

 

Cảm ơn mẹ, người đã cho tôi châm ngôn sống hạnh phúc. Và châm ngôn đó là món quà mà tôi để dạy lại cho con cháu.

 

Theo Minh Ngọc
Phụ Nữ TPHCM