Ngạc nhiên thế giới “tình yêu” con nít
Cô bé con bà chị vừa mới vào lớp 1, đi học chỉ vài bữa về đã huyên thuyên kể chuyện trường chuyện lớp. Nhưng chuyện như chơi năm mười, đuổi bắt, chuyện điểm số thì không mà đằng này lại toàn chuyện... tình yêu!
Cháu kể, ở lớp cháu có bạn Hoàn Thanh, bạn này “yêu” bạn bé Ly, nhưng lại giấu bạn bé Ly để nói với cháu: “Hòa (tên cô bé) là con kiến nhỏ, bu vào lòng của Hoàn Thanh!” Tôi hỏi: “Bu vào lòng là bu như thế nào?”, cháu chỉ thẳng vào tim: “Là bu vào trái tim ấy! Nhưng bạn ấy chỉ nói vậy thôi chứ bạn ấy vẫn “yêu” bạn bé Ly! Bạn ấy chỉ xem con là bạn bè thôi! Vả lại, bạn ấy vừa béo lại vừa xấu, ai mà ưa!” Bó tay!
Chưa hết, cô bé còn thì thầm: “Cháu thì cháu chỉ “yêu” bạn Văn Hải thôi. Ngày nào bạn ấy với cháu cũng nhìn nhau một lúc mới... học được!”. “Thế sao cháu thích bạn Hải?”, “Vì bạn ấy có thân hình khỏe mạnh!” - cháu giương đôi mắt trong veo nhìn tôi. “Nhưng theo cháu thì sao là yêu nhau?”, cháu bẽn lẽn: “Thì giống... trong phim ấy!” À, nền văn minh phim ảnh ảnh hưởng sâu nặng đến cháu tôi như vậy đấy.
Nghe hai cô cháu trò chuyện, mẹ cô bé không ngừng lắc đầu, thở ra: “Có bao giờ chị với ảnh nói gì trước mặt nó đâu, vậy mà nó toàn nói những chuyện không thể tưởng tượng. Chắc là lôi từ lớp về! Mà có khi tại coi phim!”
Cũng ở vào hoàn cảnh “tí tuổi đầu” như bé Hoà, bé Linh cũng rành rẽ chuyện “tình củm” như... đếm số. Cô bé kể: “Em để ý anh ấy đã nửa năm nay (“anh ấy” của nó đã... 25 tuổi!). Mỗi lần thấy anh ấy đến là em thế nào cũng lân la ngồi vào lòng anh ấy, cầm tay anh ấy. Không biết anh ấy có biết em... “yêu” anh ấy không?!".
Không chỉ các bé gái, các cậu bé trai cũng... già đời không kém. Vào lớp 5, Hoàng được bố mẹ mua máy vi tính “để phục vụ cho việc học tập, để làm quen sớm với công nghệ thông tin...”. Khi mẹ cậu mượn máy đánh văn bản mới tá hỏa lên vì những dòng nhật ký cậu chàng viết trong Word: “Mình đã bị tình yêu sét đánh. Mình không thể sống thiếu cô ấy. Lúc nào mình cũng nhớ đến cô ấy. Mình đã dành tiền tặng hoa cho cô ấy trong ngày sinh nhật, nhưng cô ấy không chịu nhận, dù mình đã đứng chờ suốt 4 tiếng đồng hồ!...”
Không chỉ vậy, trên màn hình bảo vệ, không biết học từ đâu, Hoàng cho 2 cái tên của nó và cô bé “sét đánh” ấy chạy qua chạy lại trên nền một trái tim... rướm máu. “Bí mật” bị vỡ lở, bố mẹ cậu bé biết nguyên nhân của những đêm thức khuya học bài nhưng kết quả học tập lại sa sút, nguyên nhân vì sao mỗi khi đến trường cậu đều lấy nước thấm lên đầu chải tóc ngược cẩn thận, quần áo cũ không chịu mặc, đòi mua giày mới và hay xin tiền tiêu vặt...
Nhưng chỉ ít tháng sau, bố mẹ cậu lại phát hiện cũng trên màn hình bảo vệ của máy vi tính ấy, cũng trái tim rướm máu, cũng tên của cậu bé, nhưng lần này cái tên của cô bé “sét đánh” đã được thay thế bằng tên của cô bé “răng khểnh” khác...
Trẻ em và “thế giới tình yêu con nít” thật sôi động. Thực tế thế giới sôi động ấy thường bị che đậy bởi sự bàng quan của các bậc phụ huynh. Hoặc là họ la rầy, hoặc là họ cười cợt, hoặc là họ cho rằng chỉ là trò “con nít ranh”... mà không nghiêm túc coi đó là cuộc sống tinh thần đầy huyền hoặc, lôi cuốn các em.
Những “khám phá đáng kinh ngạc” ở trên chỉ là “chuyện thường ngày ở lớp” của lũ trẻ mà bất kỳ một đứa trẻ nào trong lứa tuổi ấy đều có. Lũ trẻ cần được chia sẻ, cần cha mẹ chúng quan tâm chỉ bảo như những người bạn.
Theo Lê Hiền
Thanh Niên