Nếu bị "gạ tình" đổi điểm, nữ sinh sẽ tự bảo vệ bản thân bằng cách nào?

Văn Hiền

(Dân trí) - "Mình không có đủ can đảm để đứng lên tố cáo giảng viên đã gạ tình mình, vì sợ lúc mình tố cáo sẽ chẳng có ai bảo vệ…".

Mới đây, dư luận xôn xao câu chuyện, giảng viên một trường đại học nhận dạy kèm cho nữ sinh năm cuối để qua môn tại khách sạn. Thật giả ra sao vẫn phải đợi kết luận từ cơ quan chức năng. Song sự việc đã khiến nhiều bạn trẻ bức xúc, thậm chí có bạn tâm sự cũng từng trải qua tình huống bị giảng viên gạ tình nhưng chỉ biết im lặng. 

Hãy cùng lắng nghe những bạn trẻ bày tỏ quan điểm và cách họ tự bảo vệ bản thân nếu rơi vào tình huống bị nam giảng viên gạ tình đổi điểm.

Ai sẽ bảo vệ mình? 

Từng là sinh viên của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Nguyễn Vân Anh cho biết cô không thấy quá bất ngờ với sự việc trên, và chia sẻ rằng chính cô cũng từng là nạn nhân. 

Nếu bị gạ tình đổi điểm, nữ sinh sẽ tự bảo vệ bản thân bằng cách nào? - 1
Vân Anh mong muốn đây chính là hồi chuông để báo động, xử lý nghiêm những "con sâu làm rầu nồi canh".

Vân Anh nói: "Mình đọc chia sẻ của khá nhiều bạn sinh viên cả nam lẫn nữ trên các diễn đàn thì những sự việc như thế này cực kì nhiều. Nếu như vậy thì thật đáng báo động. Tại sao có nhiều trường hợp không bị mang ra ánh sáng? Và tại sao nhiều bạn sinh viên khi gặp phải chuyện này đều im lặng…"

Nếu bị gạ tình đổi điểm, nữ sinh sẽ tự bảo vệ bản thân bằng cách nào? - 2

Vân Anh cho biết cô cũng từng là nạn nhân giống như câu chuyện "gạ tình đổi điểm" đang xôn xao trên mạng xã hội, và cô đã chọn cách im lặng.

Nghẹn ngào nhớ lại thời sinh viên ở giảng đường đại học, Vân Anh kể lại: "Rất nhiều câu hỏi trong đầu mình được đặt ra... nhưng suy nghĩ lại, chính mình cũng là người từng trải qua sự việc như thế này và đã im lặng. Khi đó, là một cô sinh viên năm 2 mới chập chững những bước đi đầu tiên vào đường, làm gì có đủ can đảm đứng lên tố cáo một ai đó. Sợ đủ thứ, sợ rằng lúc tố cáo mình có được ai bảo vệ hay không, sợ rằng môn học ấy của mình sẽ ra sao, sợ rằng mình sẽ đối diện với ngôi trường này như thế nào đây. 

Bởi vậy, không phải bạn sinh viên nào cũng đủ can đảm đứng lên để đấu tranh, tố cáo, thay vào đó phần lớn lại chọn "từ chối khéo" rồi im lặng cho qua, nhưng cũng chẳng tránh được trường hợp vẫn có những "hành vi đồi bại" xảy ra.

Vì vậy, qua sự việc lần này, mình mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cũng như một số trường đại học hãy rà soát, kiểm điểm và có những biện pháp ngăn chặn hành vi của những nhà giáo không trong sạch, có những hành vi thao túng. Chúng ta cần có những biện pháp mạnh để "thanh lọc" và giữ gìn sự văn minh trong môi trường sư phạm".

Giữ khoảng cách quan hệ "thầy - trò"

Bạn Bùi Trà My (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) mong các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc và tìm ra chân tướng của sự việc, xử lý nghiêm minh.

Trà My chia sẻ: "Nếu đây là sự việc có thật, thì rất đáng lên án và cần xử lý một cách nghiêm khắc. Ai cũng hiểu nghề giáo là nghề cao quý, cần có tài, tâm, đức. Những hành vi như lăng mạ, chửi bới, đánh đập... đã là không chấp nhận được chứ chưa nói đến việc "gạ tình" học sinh, sinh viên".

Nếu bị gạ tình đổi điểm, nữ sinh sẽ tự bảo vệ bản thân bằng cách nào? - 3
Trà My lo ngại khi sự việc điều tra rõ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của chính phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.

"Nếu trong môi trường học tập xuất hiện những "người thầy" đã biến chất và tha hóa tư cách đạo đức như vậy thì liệu còn học sinh, sinh viên nữ nào đủ can đảm đến trường?

Và khi biết nơi con em mình đang học không hề an toàn như vậy thì liệu các gia đình có đủ an tâm tin tưởng để con theo học hay không? Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới tâm lí của học sinh, sinh viên, gia đình của họ, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy tại ngôi trường đó, khiến nhiều thầy cô có đủ tâm đức bị ảnh hưởng. Hình ảnh của cả hệ thống giáo dục nói chung cũng bị ảnh hưởng.

Nếu sự việc này có thật, mình hy vọng pháp luật sẽ vào cuộc đưa ra những biện pháp xử lý nghiêm minh và công khai để các cá nhân khác không vi phạm", My nói.

Nếu bị gạ tình đổi điểm, nữ sinh sẽ tự bảo vệ bản thân bằng cách nào? - 4

Để bảo vệ bản thân, Trà My cho biết cô sẽ giữ khoảng cách trong mối quan hệ thầy - trò và tỉnh táo trước mọi tình huống.

Trà My bày tỏ: "Người thầy có "đạo làm thầy", trò có "đạo làm trò", mỗi người đều có bổn phận để làm tròn vai trò của mình. Từ lời nói, cử chỉ, hành động của thầy đều thể hiện tính "mô phạm" để giáo dục học trò.

Trò cũng phải có một thái độ trọng và không được có những hành động lời nói vượt quá giới hạn. Đứng trước những tình huống "gạ" đổi điểm như vậy, mình sẽ chấp nhận học lại môn đó, và cũng có thể ra trường chậm hơn một năm so với dự định nhưng sẽ không bao giờ đồng ý với "giao dịch" này. Chúng ta cần phải tỉnh táo và biết phân biệt sự phải trái để tránh có hậu quả khó lường".

Tại sao nữ sinh H. không chọn cách giải quyết "văn minh" hơn?

Chưa bàn đến việc ai đúng, ai sai trong câu chuyện được lan truyền trên mạng đó. Đinh Nguyệt Ánh (Sinh viên năm 3, Quảng Ninh) băn khoăn: "Thay vì đưa lên mạng xã hội để cho tất cả mọi người đều thấy, tại sao nữ sinh H. không chọn một cách giải quyết "văn minh" và vẹn cả đôi đường hơn?".

Cô nàng nói: "Nếu là người đàng hoàng và tỉnh táo thì ngay từ những tin nhắn đầu, nữ sinh kia có thể chủ động từ chối và nghiêm túc để thầy  không có cơ hội "gạ". Đằng này, bạn nữ sinh này lại trả lời là "để em suy nghĩ thêm" nhằm kéo dài thời gian, rõ ràng cũng muốn lợi dụng thầy giáo để được cho qua môn. Ai nói nữ sinh này không có ý đồ và kế hoạch tận dụng thầy trong vụ này thì có lẽ sự am hiểu cuộc sống của người ấy cũng có chút vấn đề".

Nếu bị gạ tình đổi điểm, nữ sinh sẽ tự bảo vệ bản thân bằng cách nào? - 5
Nguyệt Ánh chọn cách đến gặp ban giám hiệu của nhà trường và trực tiếp là cố vấn học tập để được giải quyết tốt nhất.

"Mình sẽ mang những tin nhắn đó đến gặp trực tiếp cố vấn học tập của lớp, sau đó sẽ là lên Khoa chủ quản và cuối cùng là Ban giám hiệu nhà trường. Chúng ta đã hơn 20 tuổi và đủ trưởng thành để biết đâu là đúng, đâu là sai. Hậu quả của việc phát tán trên mạng xã hội khiến "con dao hai lưỡi" giết chết người trong cuộc", Nguyệt Ánh hào hứng chia sẻ.

Nếu bị gạ tình đổi điểm, nữ sinh sẽ tự bảo vệ bản thân bằng cách nào? - 6
Và không chỉ "tu thân", Nguyệt Ánh quan niệm người thầy thì phẩm chất đạo đức phải đặt lên hàng đầu.

Cô bày tỏ: "Người thầy ngoài dạy chữ còn phải dạy đạo đức nữa. Cách dạy đạo đức hay nhất là giữ tư cách phẩm chất của mình. Nếu sinh viên có hành vi "gạ tình" thì phải nghiêm túc nhắc nhở, dạy dỗ chứ cớ làm sao mà lại nhắn tin qua lại nhiều lần. Sinh viên thi lại như là "cá nằm trên thớt", hơn nữa còn danh tiếng gia đình và bản thân".

Trước những ý kiến có phần "thông cảm" cho thầy giáo, anh Trần Mạnh Tiến (Đông Anh, Hà Nội) cho rằng: "Chúng ta chưa biết trắng đen là nữ sinh kia có chủ ý hay không nhưng dù cho nữ sinh này có chủ ý thì thầy giáo cũng là giảng viên, đã chín chắn, trưởng thành hơn, cũng có trình độ học vấn cao hơn, hiểu biết hơn. Lẽ ra trong hoàn cảnh thầy giáo phải tỉnh táo, không để bị cuốn đi xa hơn".