Nem chua nướng - đặc sản hiệu “ét-vê”

Nói đùa, nếu nem chua nướng được mang đi xuất khẩu hay quảng cáo, chắc chắn, phải chua thêm một dòng chữ: “Thực phẩm được Sinh Viên tin dùng”. Đến cả chục năm nay, nem chua nướng vẫn giữ vững danh hiệu: “Đặc sản SV”…

“Sự tích” nem chua nướng...

 

Nem chua nướng đầu tiên chỉ là một cái nem chua còi cọc, cắm một cái que rồi nướng trên bát than đen sì, quạt quạt vài cái đến khi nó thơm, hơi cháy cháy 1 tí là được. Để lên lá chuối xanh, một chén tương ớt và một chai rượu. Thế là đủ cho dân nhậu ngồi khật khừ, chấm mút ở góc phố Nhà Thờ - Ấu Triệu cả ngày.

 

Cái  ngõ hình phễu đầu phố Ấu Triệu, đèn đường tù mù, trẻ con chạy tung bụi trên sân nhà thờ. Nhưng dân nhậu lại khoái cái thú “đường phố” ấy. Quán nem của cụ Thành, 85 tuổi, tồn tại 13 năm và là quán nem chua “có chế biến” đầu tiên ở Hà Nội.

 

Câu chuyện nem chua nướng là thế này: “Trước đây, bà chỉ có cái mẹt với mấy con cá khô, mực khô kèm bát than hồng để nướng. Bà nhớ hôm ấy mùa đông, lạnh lắm, mấy cháu học sinh trường tiểu học Hoàn Kiếm - Tân Trào đi qua, thấy có bát than đỏ, chúng nó xin bà cho nướng nhờ mấy cái nem chua đã khô cứng. Nướng xong, cả bà và mấy đứa trẻ đều ngạc nhiên nem thơm phức, ăn vào chua chua, cay cay và dinh dính. Thế là bà quyết định làm cái món nem chua nướng ấy.

 

Đó cũng là một giả thiết về sự ra đời của nem chua nướng mà chúng tôi ghi nhận được bên cạnh rất nhiều giả thiết khác qua nhiều lời kể của chính những người đang kinh doanh món sinh viên khoái khẩu này!   

 

Phố Nem Chua - Phố SV

 

Ngõ Tạm Thương, rộng 3m, dài gần 50m. Bà Nghĩa, 75 tuổi kể lại: “Trước đây, các nhà chỉ được mở một cái cửa sổ nhỏ sang ngõ để lấy ánh sáng. Thế rồi, chật chội, cửa sổ đầy mối mọt và xập xệ, bà xin phép chính quyền mở một cái cửa nhỏ sang ngõ. Các nhà khác cũng làm theo. Từ những năm 80 ấy, ngõ đông dần. Các nhà bán hàng cháo, phở... Hàng ế, ngõ lại buồn thiu. Vậy mà khi bà Nghĩa bắt đầu mở hàng nem rán “hiệu Bà Già” đầu tiên, rồi 5 hàng nữa đua theo mở, thì SV đến đây như trảy hội. 

 

Cuối ngõ, hàng nước bà Bộ có vẻ yên tĩnh hơn dãy hàng nem. Vừa rót nước bà Bộ kể : “Ngõ này từ 3h chiều trở đi thì gần như nửa trên của ngõ bừng tỉnh. Từ 5h đến 8h tối thì náo động hơn cả ngoài đường Hàng Bông. Qua 11h đêm mới lắng trở lại. Chúng nó ngồi trong ngõ không đủ, dạt ra cả mặt phố. Hay một cái là bọn SV được coi như Thượng đế ở đây. Bọn nó đòi gì, ngày mai các hàng có ngay tắp lự. Nem chua với dưa chuột, rồi lại thêm xoài xanh, củ đậu, rượu. Có hàng thêm cả khô mực”.

 

SV đến, ngõ này giàu hơn. Đương nhiên! Nhưng quan trọng là ngõ có sức sống hơn. Cả chủ cả khách, tối mắt tối mũi với mấy cái mẹt lá chuối. Vui chứ mệt nỗi gì. Bà Bộ tiếp: “Thôi thì đủ loại: lành có, ăn chơi có. Đứa chơi nguyên đồng phục, đứa hip-hop, đứa hở hang... Trung bình mỗi tối có đến hơn 100 đứa kéo vào ngõ. Hôm nào sinh nhật SV, thì thôi rồi: rượu say, gõ cốc, hát hò inh ỏi. Có đôi SV (chắc là cãi vã nhau chi đó) cứ ngồi vừa ăn nem vừa thút thít, dỗ dành nhau một góc... Hàng bên cạnh còn có cậu SV năm thứ 2, chỉ đi một mình. Cứ thấy cậu ngồi xuống là bà bán nem tự động bê ra 1 mẹt, 1 trà đá”...

 

Thế là nem rán bùng nổ tới đâu, thì SV tràn tới đó. Họ ghi dấu ấn lên những con phố, những mẹt nem mà bây giờ gọi cái tên rất dễ thương là “phố nem Sinh Viên”. Chị bán nem hàng Giấy vẫn hay đùa: “Không có lũ SV nhộn nhạo, ngồi cả ngày chán cứ gọi là bắt gián làm vui”!

 

Theo Thanh Nga
Sinh Viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm