Nấp sau “đồng tính”

Những từ khóa như “Thế giới thứ ba”, “đồng tính”, “LGBT”… hiện trở nên quen thuộc, nhận được sự đồng cảm và hiểu biết từ xã hội. Thế nhưng, ở góc độ khác, cuộc sống của những người đồng tính trở thành chủ đề để một số kẻ lợi dụng đánh bóng tên tuổi, câu “view” và kiếm tiền.

“Nóng” như chuyện chuyển giới

 

“Tần số phủ sóng” của các tin dạng như: “Chàng trai trở thành người mẫu sau khi chuyển giới”; “Lộ ảnh trước khi phẫu thuật của người đẹp chuyển giới A”; “Anh B khoe vẻ đẹp nuột nà nữ tính”… ngày càng dày đặc, gây nên bội thực cho người đọc các trang mạng.

 

Đi cùng với thông tin kiểu này là các trò kệch cỡm. Đ. K., một chàng trai chuyển giới, đột nhiên nổi tiếng nhờ vài bộ hình khoe vẻ “nuột nà” như nữ giới. Lượng người “follow” (theo dõi) ngày càng nhiều, khiến Đ. K. nuôi mộng trở thành người nổi tiếng.

 

Anh không ngại khoe những bộ ảnh hở hang, kèm những câu phát ngôn bạo dạn để gây sốc trong dư luận. Đi cùng trào lưu “lộ diện” và “sống thật với giới tính” còn có các thợ chụp ảnh, muốn mau nổi nhờ những bộ ảnh về người đồng tính. Những thợ chụp ảnh này thường nấp dưới chiêu bài “kêu gọi sự đồng cảm” để tung ra những bộ ảnh phản cảm.
 
Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa

 

Nhiều sự biến tướng sinh ra từ việc “công khai giới tính”. Thành Nam (làm việc ở một công ty tổ chức sự kiện) cho biết: “Các bar lớn và địa điểm ăn chơi hiện rất chuộng mốt giao lưu với hotgirl chuyển giới. Người ta đến xem vì hiếu kỳ và ham sự mới lạ”.

 

Tháng Mười vừa qua, một vũ trường tại quận 4 (TP. HCM) đã mở nhạc hội cho một người đẹp chuyển giới, thu hút rất đông khách đến xem. Với một buổi giao lưu như vậy, hotgirl chuyển giới có thể nhận hơn 10 triệu đồng cátxê, tùy theo độ “hot” của tên tuổi.

 

Sự lạm dụng đặc điểm “đồng tính” đã sinh ra rất nhiều clip “rác”, nhân danh nghệ thuật, ở trên mạng. Một số ca sĩ không tên tuổi, tranh thủ tung MV có cảnh giường chiếu 18+ của dân đồng tính. Nhiều bạn trẻ trong cộng đồng đồng tính cảm thấy bị xúc phạm khi các nhóm hài trên mạng chọn đối tượng người đồng tính để làm trò kệch cỡm, chọc cười nhằm thu hút lượt xem…

 

Tẩy chay sự giả dối

 

Gần đây, có nhiều hotboy tự xưng mình là người song tính (có tình cảm với cả nam lẫn nữ) để lấy lòng cả hai phái. Sau khi có chút tiếng tăm và lớp vỏ bọc “vô hại, đáng thương cần được chia sẻ”, những nhân vật này sẽ mon men dụ dỗ các đối tượng khác trên mạng.

 

Chiêu trò thường được các nhân vật này sử dụng là xin gặp mặt, trò chuyện vài lần, sau đó, sẽ đến mượn tiền hoặc mượn đồ đạc có giá trị. Anh Y. (admin một diễn đàn của dân đồng tính nam có tiếng) gây xôn xao dư luận, khi lừa đảo chiếm đoạt tiền đăng ký phẫu thuật của nhiều bạn trẻ cả tin.

 

Lợi dụng tâm lý muốn chuyển giới với giá rẻ, Y. hứa hẹn đặt phòng khám để khách đưa tiền rồi chờ ngày sang Thái phẫu thuật, trong khi, Y. đã ôm tiền cao chạy xa bay.

 

Ngấm ngầm nhưng khá mạnh thời gian gần đây là trào lưu đi tiệc đêm, tại các bar dành cho dân đồng tính. Những buổi offline kiểu này được lên lịch từ các thành viên trong web ngầm, sau đó, lời mời sẽ được tung ra theo những cách hồi hộp và bất ngờ cho người nhận. Một trong những điều kiện bắt buộc của loại tiệc này là người dự phải dẫn một bạn trai đến.

 

Minh Hoàng (năm thứ hai, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ trải nghiệm khó chịu: “Mình từng bị lừa đi đến một buổi offline của giới đồng tính nam, bởi tin tưởng một người bạn mới quen.

 

Nói là dự tiệc nhưng chủ yếu mọi người mời mọc, làm quen nhau theo cách rất sỗ sàng. Uống vài ngụm trong cốc nước ngọt, tự nhiên thấy xây xẩm mặt mày, nghi ngờ bị bỏ thuốc nên mình ra về gấp”.

 

“Sự đồng cảm luôn có sẵn nhưng đừng lợi dụng nó để đi quá xa, biến đặc điểm giới tính thành những trò lố, hòng trục lợi cá nhân”, là tuyên bố của một bạn trẻ trên diễn đàn về đồng tính nữ, được nhiều bạn chia sẻ.

 

Theo Thùy Linh

Sinh viên Việt Nam