Nạo phá thai tuổi vị thành niên: Kết cục buồn

Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có từ 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó khoảng 300.000 ca ở tuổi vị thành niên, còn những ca nạo phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân thì không thể kiểm soát, thống kê được.

Có người đến bệnh viện hoặc phòng khám tư để phá thai khi mới chỉ 12, 13 tuổi và cũng không thiếu những người nạo phá thai 2, 3 lần. Bên cạnh đó, một cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam cho thấy 7,6% số người ở  độ tuổi này có quan hệ tình dục trước hôn nhân…

 

1. Ngồi ở chiếc ghế cạnh tôi bên ngoài phòng thủ thuật, Khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP HCM là một phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi. Nhìn cách ăn mặc lam lũ của chị, tôi đoán hoàn cảnh kinh tế của chị chắc cũng chẳng khá giả gì. Thấy chị thỉnh thoảng lại đưa tay lên chùi nước mắt, tôi vừa đưa cho chị chai nước khoáng, vừa nói như tự thán với chính mình: "Chị uống đi. Ráng giữ bình tĩnh. Gì chăng nữa thì cũng là chuyện đã rồi".

 

Tôi vào Khoa Kế hoạch hóa gia đình - BV Từ Dũ để lấy tư liệu viết bài về nạn nạo phá thai tuổi vị thành niên. Thật lòng mà nói, tôi chẳng sung sướng gì khi phải đóng vai một ông bố, có đứa con gái mới 16 tuổi nhưng lỡ dính bầu bởi một đứa bạn cùng lớp. Nhưng nếu không ở cái vị trí "đồng cảnh ngộ" như thế thì làm sao có thể hiểu được hoàn cảnh đau lòng của các ông bố bà mẹ khi phải cắn răng đưa con gái đi nạo thai!

 

Hồi bác sĩ Lập còn là phó giám đốc, trong một lần vào gặp anh và khi biết anh đang ở bên Khoa Kế hoạch hóa gia đình để giải quyết một chuyện gì đó, tôi sang. Khi ấy, tôi đã chứng kiến một phóng viên trẻ của một tờ báo hỏi một phụ nữ mà như tra vấn: "Hàng ngày ở nhà chị có quan tâm đến con chị không?”, "Sao chị biết nó có bầu". "Sao không để nó sinh mà dẫn nó đi phá?", "Sao không bắt bên kia phải chịu trách nhiệm?". Chao ôi, vết thương tinh thần đang há miệng, lại bị mũi dao của cậu "phóng viên" thọc sâu vào tận rễ thần kinh thì 1 năm, 2 năm, thậm chí 3 năm nữa, chưa chắc cõi lòng của người mẹ ấy đã quân bình lại được.

 
Cô gái trẻ này nghĩ gì sau một lần… lỡ dại?
Cô gái trẻ này nghĩ gì sau một lần… lỡ dại?
 

Nhìn chai nước, người phụ nữ khẽ lắc đầu và những giọt nước mắt lại tiếp tục trào ra. Tôi đưa cho chị chiếc khăn giấy: "Thôi chị đừng khóc nữa…" thì đột nhiên như một con đập bằng đất không ngăn nổi dòng nước lũ từ đầu nguồn đổ về, chị nấc lên: "Hoàn cảnh nhà anh thế nào tui không rõ nhưng tui khổ lắm anh ơi. Ba nó bỏ theo người khác từ hồi nó mới 3 tuổi. Tui ráng chịu cực làm ăn nuôi nó, chỉ mong nó nên người. Nào ngờ…".

 

Rồi chị lại khóc. Xen lẫn giữa những tiếng nức nở là câu chuyện về đứa con gái 16 tuổi của chị. Vì chỉ có mỗi mình nó nên chị dồn hết tình thương cho nó: "Tui là công nhân thuộc tổ vệ sinh dân lập. Cứ 6 giờ chiều là tui theo xe đến từng nhà trong khu vực, lấy rác. Sau đó đưa rác về nơi tập kết, phân loại đến 11 giờ, thậm chí có bữa 12 giờ khuya mới xong".

 

Lương tháng hơn 3 triệu, cộng với tiền thu gom, bán phế liệu, chị được chia thêm - có tháng 300 nghìn, có tháng chỉ 100 - 200 nghìn. Bên cạnh đó, ban ngày chị còn nhận dán bao bì giấy cho một tổ hợp nên cũng kiếm thêm chút ít.

 

Chị nói: "Vì mình nghèo nên tui ráng cho con ăn học tử tế. Cứ mỗi chiều, chuẩn bị cơm nước cho nó xong, tui dặn nó coi nhà, học bài rồi mới đi làm. Năm lên lớp 9, con xin tui mua chiếc điện thoại di động, tui cũng chiều".

 

Thế nhưng, người mẹ khốn khổ không hề biết rằng ngay giữa năm lớp 9, đứa con gái của chị đã vướng vào chuyện yêu đương. Mỗi chiều, đợi chị ra khỏi nhà là chừng một tiếng sau, nó cũng đóng cửa, đến chỗ hẹn với người yêu: "Khuya nào đi làm về tui cũng thấy nó đã ngủ nên tui chẳng nghi ngờ gì". Vậy mà vừa rồi, bữa cơm hôm đó chị nấu canh cá. Vừa bưng tô canh đặt lên bàn và khi đứa con gái của chị nhìn thấy, ngửi thấy mùi tanh của cá, nó nôn ọe không ngừng.

 

Với kinh nghiệm của một người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau, nhất là khoảng một tuần lễ trước, chị thấy nó hay ăn vặt và ngủ vật vờ thì  chị đã có linh cảm xấu: "Tui gặng hỏi nó. Thoạt đầu nó chối nhưng tui nói nếu không khai thiệt thì tui đưa nó đi bác sĩ. Lúc ấy nó mới thú nhận là nó quen thằng kia và hai đứa đã từng gần gũi nhau nhiều lần. Tới hồi đi khám, cái thai trong bụng nó đã được 6 tuần tuổi…".

 

Câu chuyện giữa tôi và chị bị ngắt quãng vì cánh cửa Phòng Kế hoạch hóa gia đình khẽ mở rồi một cô gái gầy gò, da xanh tái, mặt cúi gằm, nặng nề bước ra. Nhìn thấy cô gái, chị bật dậy, đi như chạy đến bên nó. Tay chị quàng qua bên người, xốc nách nó, miệng chị ghé sát tai nó thì thầm câu gì đó rồi hai mẹ con lặng lẽ bước ngang qua tôi, ngang qua những bà mẹ khác mắt vẫn đăm đăm nhìn về cánh cửa Phòng Kế hoạch hóa gia đình.

 

2. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo hút thai ở độ tuổi từ 15 đến 19, cá biệt có em mới chỉ 12 - 13, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên.

 

Một báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm gần đây đã giảm, nhưng tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai. Với con số như trên, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới.

 

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở Việt Nam ngày càng sớm, có trẻ 13 - 14 tuổi đã quan hệ tình dục nhưng kiến thức về phòng tránh thai, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn rất hạn chế - chỉ khoảng 20,7% biết cách sử dụng các biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.

 
Cô gái trẻ này nghĩ gì sau một lần… lỡ dại?
 

Lý giải về tình trạng này, các chuyên gia dân số nhận định nguyên nhân là do tục tảo hôn, do giới trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục còn chưa được phổ biến rộng rãi, đặc biệt với trẻ sống ở nông thôn, miền núi.

 

Bên cạnh đó với cuộc sống hiện đại, khá nhiều trẻ vị thành niên có điều kiện tiếp cận với những tiến bộ khoa học như điện thoại di động, máy tính, iPad, mạng Internet, trong đó hằng hà sa số những trang web "đen" với những thước phim, những hình ảnh, những câu chuyện "đực, cái", tạo cho trẻ sự kích thích, tò mò, bắt chước làm thử!

 

Chưa kể các loại thuốc phá thai khẩn cấp được quảng cáo tràn lan trên mạng, kèm theo hướng dẫn rất cụ thể nên khi hậu quả xảy ra, cách giải quyết duy nhất là uống thuốc hoặc đến bệnh viện, đến các cơ sở y tế tư nhân để nạo phá thai!

 

Ở Khoa Kế hoạch hóa gia đình BV Hùng Vương, tôi đã thấy một đôi trai gái mặt mũi non choẹt ngồi dựa sát vào nhau. Và trong khi cô gái biểu lộ thái độ bồn chồn, nhấp nhổm không yên thì cậu con trai vẫn thản nhiên chơi game trên chiếc điện thoại di động.

 

Chừng như quá lo lắng, cô hỏi: "Chồng à, có đau không?". Ôi trời, vắt mũi chưa sạch, lấy nhau hồi nào mà đã gọi nhau là chồng, là vợ nhưng ác thay, nó lại là cách xưng hô phổ biến của nhiều cặp trai gái tuổi "teen" bây giờ!

 

Đáp lại câu hỏi ấy, cậu trai vẫn dán mắt vào màn hình điện thoại: "Chắc không đâu. Một chút là xong liền. Bộ vợ  không để ý mấy người vừa đi ra đó sao, họ đi bình thường mà". Cô gái vùng vằng: "Chồng có làm đâu mà biết là không đau". Ngay lúc ấy, nhìn thấy một phụ nữ vừa bước vào, cậu trai như gặp phao cứu sinh: "Thôi, để chồng nhường chỗ cho họ ngồi. Chồng ra ngoài đợi vợ nhé".

 

Rồi cậu đứng dậy, mặc cho cô gái với tay ra như muốn níu giữ. Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng Khoa Sản, BV quận 3 nói: "Hơn 30 năm làm nghề này, tôi vẫn thấy phát hoảng về kiến thức phòng tránh thai của giới trẻ tuổi "teen".

 

Theo bác sĩ Hồng, có những cặp khi đến làm thủ tục nạo phá thai, vẫn cãi nhau chí chóe vì "không hiểu sao mà dính được". Có cô gái lặng lẽ đến một mình, thai 21 tuần tuổi. "Kế hoạch" xong, cô về nhưng 2 ngày sau, bộ phận y tế của nhà trường nơi cô đang theo học đưa cô vào bệnh viện trong tình trạng tụt huyết áp, trụy tim mạch do mất máu. Qua tìm hiểu mới hay khi biết mình có bầu, cô báo cho người yêu thì anh ta đánh bài "lờ".

 

Cực chẳng đã, cô lặng lẽ đi giải quyết rồi hôm sau, cô đi học bình thường. Tới hồi học môn thể dục, phải nhảy, phải chạy bộ, cô cắn răng chịu đựng những cơn đau bụng cho đến khi té xỉu vì mất máu. Bác sĩ Hồng nói tiếp: "Mặc dù trong chương trình, các em đều được học về giáo dục giới tính nhưng không ít em bỏ ngoài tai những lời khuyên, những cảnh báo, dẫn đến nhiều em mất quyền làm mẹ suốt đời".

 

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP HCM cho biết: "Nhiều người phá thai xong, lương tâm cắn rứt vì nghĩ rằng mình đã làm một việc tội lỗi. Do phải giấu giếm, không thể tìm được sự cảm thông, an ủi của ai nên về lâu về dài, họ bị trầm cảm".

 
Nạo phá thai luôn để lại nỗi đau thể xác, tinh thần.
Nạo phá thai luôn để lại nỗi đau thể xác, tinh thần.
 

Theo bác sĩ Thái, ông đã từng điều trị một bệnh nhân gặp phải trường hợp này. Người nhà bệnh nhân cho biết con gái họ đang học lớp 12 thì bỏ ngang, cả ngày đóng cửa nằm trong phòng, ăn uống thất thường, khóc lóc vô cớ. Nhiều lần, họ thấy con họ vừa thắp nhang lên bàn thờ, vừa lâm râm khấn vái. Nghĩ con mình bị bùa bị ngải, cha mẹ cô đưa cô đến "thầy" này, "bà" kia nhưng kết quả chỉ là con số không.

 

Bác sĩ Thái cho biết tiếp: "Khi gia đình dẫn cô ấy đến gặp tôi, thoạt đầu cô ấy không chịu hợp tác, hỏi gì cũng không nói còn nếu có thì cũng chỉ là gật hoặc lắc đầu. Phải sau nhiều lần áp dụng liệu pháp tâm lý, cô gái mới kể ra sự thật".

 

Theo lời cô, ngay từ năm lớp 11, cô đã yêu một anh chàng học trên cô một lớp. Lúc cô lên lớp 12 thì cũng là lúc anh chàng kia tốt nghiệp phổ thông trung học, đồng thời cũng là lúc cô biết mình… có bầu! Báo tin cho người yêu biết thì người yêu xúi cô đi phá thai. Mặc dù đã hết lời năn nỉ, đề nghị anh ta làm đám cưới nhưng anh ta vẫn nhất quyết không chịu vì "chưa có tương lai". Cuối cùng, cô lặng lẽ đến một cơ sở y tế tư nhân để "giải quyết".

 

Bác sĩ Thái nói: "Suốt những lần điều trị cho cô ấy, cô luôn cho rằng mình đã phạm tội giết người". Phải mất gần 6 tháng áp dụng liệu pháp tâm lý, cô gái mới rũ bỏ được mặc cảm tội lỗi nhưng trong tiềm thức cô, cái mặc cảm ấy không thể một sớm một chiều mà phai nhạt được: "Với những người như vậy, trong tương lai họ rất khó tìm được tình yêu vì họ luôn sợ rằng biết đâu bi kịch lại đến với họ thêm một lần nữa".

 

3. Có thể nói mấy năm gần đây, vấn đề nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đang trở nên nhức nhối. Những cuộc khảo sát cho thấy giới trẻ - nhất là giới trẻ thành thị quan niệm rất "thoáng" về tình dục trước hôn nhân. Bác sĩ Hồng cho biết có những cặp khi vào bệnh viện làm thủ tục nạo phá thai, đã trả lời câu hỏi tại sao mới 15 tuổi mà đã quan hệ tình dục thì họ trả lời vì yêu nhau nên… "tự nguyện dâng hiến", hoặc "có "gần" nhau thì mới chứng tỏ được tình yêu".

 

Cũng có một số cho rằng mình không làm chủ được bản thân, bị đánh lừa, bị rơi vào hoàn cảnh bất khả kháng hoặc vì mục đích giữ chân người tình: "Tôi đã từng làm thủ thuật cho một cô chỉ mới 16 tuổi. Theo lời cô ấy thì suốt một năm yêu nhau, cô không cho người yêu quan hệ mặc dù anh ta nhiều lần đòi hỏi. Thế nhưng khi biết người yêu đang ngấp nghé một cô gái khác, cô chủ động "biếu không" cho người tình với niềm tin là qua "quan hệ", cô sẽ giữ được tình yêu".

 

Bác sĩ Hồng lắc đầu: "Chao ơi, sao lại có niềm tin ngây thơ đến thế!". Tới lúc cô báo tin có bầu, anh chàng người yêu cô quay ngoắt 180 độ: "Trước kia em khó khăn chẳng qua là em "làm giá" thôi. Bây giờ em dễ dàng cho anh thì biết đâu mai mốt em lại chẳng dễ dàng cho những thằng khác…"?

 

Theo V.C

An ninh thế giới