Nào, cùng đi “gap year” tình nguyện!

Trên thế giới rất thịnh hành chương trình “gap year”: các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp trung học thường không vào đại học ngay mà dành một năm liền đi du lịch balô, đi làm thêm kiếm tiền để trau dồi thêm hiểu biết về xã hội và thế giới.

Năm 2005, ở Anh có hơn 50.000 bạn trẻ vào độ tuổi 18, 19 đi “gap year”. Pauline đến từ London, dành một phần “gap year” của mình dạy tiếng Anh ở Costa Rica trước khi về nước theo học chương trình dược tại Đại học Bath.

 

Cô chuẩn bị cho chuyến đi từ trước đó một năm, làm việc toàn thời gian trong nước trong vòng sáu tháng dành dụm tiền theo học một lớp đào tạo dạy tiếng Anh và mua vé máy bay sang Nam Mỹ. Số tiền đó cũng đủ cho cô học thêm lớp căn bản tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính ở Costa Rica, để dễ dàng hòa hợp với người địa phương hơn.

 

Lucy, 19 tuổi, từ Windsor, đi Honduras làm việc cho một tờ báo tiếng Anh tại đây. “Chỉ sau tháng đầu tiên, biên tập tờ báo rời tòa soạn, còn mỗi mình tôi với một bạn phóng viên trẻ người địa phương cũng chỉ mới 18 tuổi phải cáng đáng tất cả dù không có chút kinh nghiệm nào.

 

Công việc rất đa dạng: từ viết bài về các khách sạn cho đến phỏng vấn những băng nhóm gangster. Tôi học được mọi thứ: viết bài, gặp gỡ nhiều người thú vị, nhìn thấy sự vật từ một góc nhìn khác... Cách nhìn thế giới của tôi cũng thay đổi rất nhiều. Tôi tự đặt cho mình kế hoạch làm việc rất đàng hoàng. Tôi cũng được tiếp xúc với rất nhiều người dân địa phương.

 

Về định hướng nghề nghiệp, tôi hi vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích tôi nhiều trong tương lai khi tôi chọn nghề làm báo. Chương trình ở đây không chỉ là một năm du lịch “gap year” bình thường mà đã thay đổi đời tôi. Nghe có vẻ hơi sáo nhưng thật đấy!”.

 

Theo tờ The Observer, mục đích lớn nhất của chính sách này vẫn là giúp làm thấm nhuần ý nghĩ làm tình nguyện cho cộng đồng không chỉ trong “gap year” mà cho cả cuộc đời.

 

Theo Giáng Uyên
Tuổi Trẻ