Nam sinh trả giá đắt vì vỡ nợ cờ bạc
(Dân trí) - Ngày 24/3 vừa rồi, tại Hà Tĩnh, một nam sinh trường CĐ Nghề Việt Đức tự vẫn bằng cách nhảy từ sân thượng tòa nhà 17 tầng. Nguyên nhân được xác định là do sinh viên này vỡ nợ cờ bạc.
Lối vào khu Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) nơi rất đông sinh viên các trường đại học thuê trọ tầm 5, 6 giờ chiều lại có khá nhiều nam sinh viên lượn lờ đi ghi “con số may mắn” của mình. Từ các hàng bán xổ số, đến các quán nước vỉa hè đều có dáng dấp sinh viên đến ghi lô đề. Ghé vào một hàng nước ngay trước con ngõ nhỏ dẫn vào một khu nhiều xóm trọ sinh viên, lúc có hai cậu vừa cầm trên tay mẩu giấy đi ra, tôi hỏi bà hàng nước hai cậu này ghi con nào, lấy cớ để ghi theo. Bà hàng nước nói ngay: “Một cậu ghi con 57 bảy - nửa triệu, con 69 - 100.000 đồng. Còn cậu kia “đập” 20 điểm lô (mỗi điểm 23.000 đồng)”.
Tôi tròn xoe mắt: “Hai cậu này sinh viên trường nào mà ghi cao thế”. Bà hàng nước cười: “Hai đứa này học trường Kiến trúc, thuê trọ chỗ ông Năm. Mà thế này đã ăn thua gì”. Rồi bà xởi lởi lật cuốn sổ ghi chép ra để chứng minh lời mình nói. Tôi choáng váng, có rất nhiều con số được ghi với giá tiền triệu. Theo lời bà hàng nước, nhiều con số trong này là sinh viên, chủ yếu các trường ĐH Hà Nội, Kiến trúc, CĐ Giao thông Vận tải...
Không phải con số nào cũng được trả tiền thẳng thừng, nếu trở thành khách quen, sinh viên ghi lô đề có thể ghi nợ nhưng phải để lại chứng minh thư và thẻ sinh viên. Có những sinh viên nợ cả chục triệu, vậy nhưng bà hàng nước này cho hay, bà ít, không cho nợ nhiều chứ nơi khác, việc sinh viên nợ hàng trăm triệu không phải là không có.
Thạch, sinh viên trường ĐH Hà Nội cho hay ở xóm trọ của cậu, 8 phòng nam với khoảng 20 người thì quá nửa bạn ghi lô đề thường xuyên. Ngoài ghi đề, có người còn chơi phỏm, xóc đĩa. “Có những bạn ghi ít, vài ngày mới ghi một lần nhưng cũng có người ghi thường xuyên, ghi cao ngất ngưởng nhưng là phần lớn là mất, năm thì mười họa mới trúng. Người nào người nấy đều đi cắm đồ nhưng chẳng mấy khi lấy được về”.
Thạch nói về Phong, trường ĐH K, bên cạnh phòng cậu mấy hôm nay cứ bất thần, ũ rũ. Không nói ra thì mọi người cũng biết, cậu đang bị thua bạc. Thạch nói: “Hôm trước Phong chơi xóc đĩa với mấy ông cờ bạc trong làng, nghe đâu mất gần chục triệu. Lại còn vay nợ thêm người ta để đánh. Rồi ngoài hàng ghi đề nữa, không thể biết được cậu đã nợ bao nhiêu. Lãi mẹ đẻ lãi con, chẳng biết lấy đâu mà trả. Đồ đạc còn gì nữa đâu”. Gia đình Phong khá giả, trước đây cậu còn có xe máy, máy tính xánh tay... thì giờ đến chiếc nồi cơm điện cậu cũng mang đi bán để lấy tiền ghi đề, mong trúng để trả nợ.
Mới đây, sinh viên xóm trọ ở cuối đường Mai Động được phen tá hóa khi một chủ nợ lao vào tận xóm để tìm Mạnh, sinh viên trường ĐH C. Mạnh nợ người ta hơn 50 triệu tiền cờ bạc hơn nửa năm trời mà mới chỉ gán được chiếc xe Wave, giá 7 triệu. Chẳng những nợ lớn, Mạnh còn vay tiền nhiều sinh viên trong xóm. Mạnh đã trốn sang chỗ một người bạn gần cả tháng nay.
Vậy nhưng, Mạnh không phải là trường hợp đặc biệt ở xóm trọ. Quỳnh, trường Kinh tế Quốc dân cho biết: “Có anh Tiến, bị chủ nợ về tận nhà đòi, bố mẹ cậu đã phải xách tiền lên trả để con yên ổn lấy được tấm bằng. Thế mà vẫn không chừa, dạo này em lại thấy anh ta lượn lờ ở các điểm ghi lô đề, chơi cờ bạc. Chẳng hiểu anh ta nghĩ gì mà dám vay nợ hàng chục triệu như thế, trong khi gia đình thuộc diện nghèo, phải vay vốn để đi học.
Đau lòng hơn, cuối năm ngoái, một cậu sinh viên năm thứ 3 trường ĐH L đã uống trừ sâu tự vẫn tại phòng trọ vì nợ nần cờ bạc. May là chủ nhà phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên cậu ta thoát chết, nhưng lại bị di chứng của thuốc, gần như trở thành người vô thức. Những lời ân hận, xin lỗi trong lá thư tuyệt mệnh của cậu dường như quá muộn. Chẳng những phải gác bỏ chuyện học hành và cả tương lai phía trước, giờ cậu sinh viên này còn trở thành gánh nặng cho bố mẹ đã già. Giá như cậu tỉnh táo sớm hơn, hậu quả chắc không nặng nề đến thế.
Khi đã dây vào cờ bạc, nợ nần, sinh viên dễ rơi vào vòng luẩn quẩn khó gỡ. Khi đã nợ, họ càng cố gỡ mong có tiền trả nhưng càng gỡ càng thua, lại càng phải nợ. Lại thêm lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ ngày càng lớn. Những lúc “thiêu thân” như thế, có lúc nào họ lường đến cảnh một ngày mình rơi vào ngõ cụt?
Hoài Nam