Nam sinh Bách khoa điển trai kiếm chục triệu mỗi tháng nhờ cắt tóc
(Dân trí) - Đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, Phạm Nam Phong được nhiều bạn bè thán phục vì thu nhập “khủng” từ nghề cắt tóc.
Sinh ra và làm việc ở Hà Nội, Phạm Thành Đạt (24 tuổi) thường được bạn bè quen gọi với cái tên Phạm Nam Phong, hiện đang là sinh viên năm cuối của trường Đại học bách khoa Hà Nội. Chàng trai này được nhiều bạn bè để ý với ngoại hình điển trai.
Không những thế, Nam Phong còn được bạn bè gán cho danh hiệu “Study stylist” vì trong những năm đang ngồi trên ghế nhà trường, nam sinh này đã tự mở được quán cắt tóc và thu nhập có tháng lên tới vài chục triệu khiến bạn bè thán phục.
Phạm Nam Phong sinh viên năm cuối Đại học bách khoa Hà Nội
Nói về cơ duyên bước chân vào nghề “nắm đầu người khác” ngay khi còn đang là sinh viên, Phạm Nam Phong chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp cấp 3, em thi đỗ được vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm đầu đại học do thời gian rảnh còn nhiều, bài vở chưa quá áp lực, lại sẵn có máu nghệ thuật trong người nên em hay xem các tạp chí của nước ngoài và các video ca nhạc Hàn Quốc để xem các kiểu tóc của ngôi sao.
Sau đó, em nảy ra ý định thử tự tạo kiểu tóc, vào những buổi chiều rảnh không phải đi học, em tới viện tóc của các đàn anh quen biết để được học nghề”. Sau một thời gian theo học nghề tóc, Phạm Nam Phong bắt đầu thực hành trên ma-nơ-canh để quen dần các cách cắt tóc, nhuộm màu và làm xoăn.
Nghề cắt tóc giúp Nam có thu nhập lên tới hàng chục triệu và còn tạo công ăn việc làm cho 3 nhân viên phụ giúp quán
Vốn có năng khiếu, nên chỉ mất vài tháng, Nam Phong đã thuần thục được tay nghề và hay gọi các bạn cùng lớp đến nhà để làm đẹp trên người thật. “Ban đầu chỉ một hai bạn cùng lớp tới, sau thấy em cắt ưng ý lại không lấy tiền, cả lũ con trai rồi cả con gái đều đến nhờ em cắt tóc.
Sau một thời gian hành nghề “không công” em đã nghĩ tới việc mở một cửa hàng hẳn hoi ngay tại nhà và thuê thêm thợ phụ”, Nam Phong tâm sự. "Để có tiền mở quán cắt tóc mang tên “Dream 2”, ngoài thời gian học tập ở trường, em đã xin đi làm nhân viên ở một quán cắt tóc ở phố cổ Hà Nội. Sau hơn 1 năm tích cóp, quán cắt tóc do chính tay em đặt tên, dựng biển, chọn màu sơn cũng đã được khai trương vào năm thứ 2 đại học".
Chàng sinh viên Bách Khoa nhớ lại: “Ban đầu khi mở quán, bố mẹ cũng ko đồng ý vì sợ sao nhãng việc học tập. Nhưng em đã cố gắng thu xếp thời gian hành nghề và học tập trên giảng đường để tránh chồng chéo với nhau. Em học chính là buổi sáng trên trường, còn lại các buổi chiều và buổi tối rảnh em dùng để làm nghề”.
Ngoài cắt tóc, chàng sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội còn đang ấp ủ mở studio
Mặc dù mới bước chân vào nghề cắt tóc chưa được bao lâu nhưng Phạm Nam Phong với tay nghề khéo léo đã thu hút được rất nhiều khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Nguồn thu nhập từ công việc này của Nam Phong có tháng lên tới con số hàng chục triệu đồng, một điều đáng mơ ước của nhiều bạn trẻ hiện nay. Quán cắt tóc của chàng sinh viên Bách Khoa này cũng tạo công ăn việc làm cho 3 nhân viên, cũng đều là những người trẻ, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định.
Phạm Nam Phong cho biết rất đam mê với công việc cắt tóc, chàng trai này cũng góp mặt trong các hội thảo tóc của Ý như Selective hay Bioline để thử sức với những đồng nghiệp của mình.
Ngoài việc làm tóc, Nam Phong còn một đam mê khác đó là nhiếp ảnh. Nam chia sẻ rằng: “Mỗi lần cắt tóc cho khách, em thường chụp lại để ghi nhận kết quả, dần dần em nghĩ tới việc chụp ảnh một cách chuyên nghiệp nên đã cùng một số người bạn thành lập nhóm nhiếp ảnh nhỏ.
Việc chụp ảnh cũng giống như việc đi kiếm tìm những vẻ đẹp tiềm ẩn của con người quanh ta. Nhờ có chút năng khiếu về tạo hình với nghề tóc nên khi làm thêm lĩnh vực nhiếp ảnh em đã được hỗ trợ rất nhiều về bố cục và các góc đẹp”.
Ước mơ của Nam Phong sau khi ra trường là sẽ mở được studio chụp ảnh thời trang, làm tóc, trang điểm, tổ chức sự kiện, chụp nghệ thuật cưới để mang lại vẻ đẹp cho mọi người.
Tuy nhiên, chàng sinh viên điển trai cũng bộc bạch: “Ước muốn là vậy nhưng việc em cần chú tâm hiện tại là hoàn thành đồ án và thi tiếng Anh. Sau khi ra trường em sẽ xin vào làm ở một doanh nghiệp của nhà nước. Còn niềm đam mê em sẽ thực hiện khi đã có công việc ổn định để không phụ công cha mẹ nuôi ăn học”.
Hoành Sơn
(Email: Lengoctu@dantri.com.vn)