Năm mới, giá phòng… mới
(Dân trí) - “Giá phòng từ tháng này tăng thêm 100.000 đồng, lên 1,6 triệu con nhé!”, đúng ngày đầu năm mới, chủ nhà “xông đất” báo tin làm Nguyệt và Lai rụng rời. Thế là phải cắt thêm một khoản chi tiêu nữa khi mức sống đã bị cắt giảm tối đa.
Sang năm mới, rất nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn TPHCM áp dụng giá phòng thuê mới với mức cao hơn giá cũ. Nơi thấp thì 50.000 - 100.000 đồng, nơi cao thì tăng vọt lên vài trăm nghìn. Lý do chủ nhà đưa ra rất đơn giản, giá cả mọi thứ đều tăng nên phòng trọ cũng tăng. Họ xem đầu năm là thời điểm thích hợp để áp dụng giá cho thuê mới.
Nhiều nhà trọ sinh viên tăng giá theo… năm mới (Ảnh: Hoài Nam)
Nguyệt và Lai cùng là SV trường ĐH Văn Hiến, thuê chung một phòng trọ ở đường Nguyễn Kiệm (P.1, Gò Vấp). Đầu tháng 8, đợt SV nhập học giá phòng đã một lần tăng. Hồi cách đây khoảng 2 tháng, thấy nhiều nơi chủ nhà tăng giá phòng theo bão giá mà chỗ mình thuê không “động tĩnh” gì hai cô đang mừng thầm. Vậy mà, chưa vui hết ngày đầu năm đã phải thanh toán giá phòng mới.
Nguyệt hoang mang: “Phòng quy định chỉ được ở hai người, mà giờ có được ghép thêm cũng chật chội học hành sao nổi. Đợt rồi giá cả tăng, chi tiêu mọi thứ bọn mình dè xẻn hết cỡ rồi, bây giờ biết cắt vào khoản nào nữa”.
Trước mắt, Nguyệt sẽ đổi sang đi học bằng xe buýt thay vì đi xe máy dù đường tới trường cách cả chục cây số mà rồi cô cũng bải hoải: “Mà xe buýt từ đầu năm mới này cũng tăng thêm 1.000 đồng/lượt. Cái gì cũng tăng, em oải quá!”
“Mỗi tháng em được gia đình trợ cấp 1,5 triệu, em chẳng biết tằn tiện gì nữa khi tiền phòng tăng, tiền vé xe buýt tăng, ăn uống đều tăng hết… Sinh viên xa nhà, chi tiêu gì quá tay đâu mà cắt với giảm. Giờ chỉ tập… giảm ăn đi thôi”, Đức Thiện, ĐH Sài Gòn tỏ ra đuối trong cuộc “chạy đua” với giá.
Tại một số nơi, giá phòng trọ của SV, công nhân thuê còn tăng thêm cả vài trăm ngàn. Theo các chủ nhà trọ, đầu năm nốt công tăng một thể để… “bình ổn” giá trong năm. Hầu hết người thuê trọ đành phải chấp nhận giá phòng mới vì thời điểm giờ đến Tết Nguyên đán, ai cũng bề bộn chẳng muốn chuyển nhà.
“Hơn nữa, tăng thường tăng đồng loạt, mình chuyển chắc gì đã tìm được chỗ tốt hơn”, Lê Văn Quyết, công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình cho biết khi phòng trọ chỗ cậu tăng mạnh từ 2,5 triệu lên 2,8 triệu.
Để ứng phó với mức giá mới, chỗ trọ của Quyết đã có 7 công nhân ở, giờ đang “tuyển” thêm 2 người nữa để giảm nhẹ tiền phòng. “Phòng trọ với công nhân bọn mình chỉ là một chỗ để đặt lưng nên thế nào cũng được. Nhưng cứ đà giá tăng, thêm người thì đến lúc chỗ ngủ cũng không có mất thôi”.
Mức sống đã cắt giảm tối đa, SV xa nhà không biết có thể cắt giảm vào khoản nào (Ảnh: Hoài Nam)
Nguyễn Thị Nga, kế toán công ty bảo vệ, thuê trọ ở phường Thạnh Lộc, Q.12, giá phòng vừa lên 50.000 đồng cho rằng như vậy cũng là cũng… hợp lý. “Chủ nhà chỗ tôi thuê cũng đắn đó lắm khi quyết định tăng giá phòng vì người thuê ai cũng khó khăn. Nhưng cả gia đình người ta sống bằng tiền cho thuê trọ mà giá cả mọi thứ đều tăng, họ tăng giá phòng cũng không trách được. Mức tăng vậy là tình nghĩa lắm rồi. Chỉ có điều giá cả tăng không thấy lương tăng”.
Chị Nga mong sang năm mới, giá cả mọi thứ được bình ổn thì nhà trọ cũng sẽ được giữ giá. “Chỗ tôi còn đỡ, chứ nhiều nơi khác, giá cả tăng 1, chủ nhà được đà tăng giá 2, 3 thì khổ cho SV, người lao động lắm”, chị Nga nói.
Rất nhiều SV, người lao động thuê trọ đang phải tìm cách ứng phó khi giá phòng tăng và mọi thứ đều tăng. Điệp khúc tiết kiệm ăn tiêu, tăng người thuê phòng… áp dụng từ lâu giờ được tận dụng tối đa.
“Em thấy kêu nhiều cũng vậy, chỉ thấy mình là… giỏi thôi. Thì quanh năm giá cả tăng vòn vọt mà mình vẫn xoay xở sống được nên cỡ nào rồi cũng phải sống cả thôi”, sự lạc quan của chàng SV Đức Thiện nghe mà không khỏi xót gan ruột. Cả một năm trời, cậu SV này chưa sắm một chiếc áo, chiếc quần mới nào.
Hoài Nam