“Nấm mỡ lùn” - “đạo diễn” tuổi 17

(Dân trí) - Thần tượng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nhớ như in câu nói “điện ảnh là một nghề chơi, phải có rất nhiều tiền thì mới có thể học được những gì mình muốn” của anh nên cô bạn "đạo diễn" 17 tuổi mới quyết chí như thế đấy.

Hành trình làm đạo diễn của “Nấm mỡ lùn”

Khuôn mặt bầu bĩnh và nụ cười cực dễ thương của Diệp luôn gây cảm tình ngay với người đối diện. Được bạn bè đặt cho nhiều nick name như “Nấm mỡ lùn” vì vẻ bụ bẫm hay “khoai hà” (không biết có phải là món khoái khẩu của Diệp không) nhưng Diệp chẳng hề tự ti chút nào, cô bạn thông minh và tự tin kể về quãng thời gian “thâm nhập cuộc sống để đi làm phim” của mình.
 
“Nấm mỡ lùn” - “đạo diễn” tuổi 17 - 1

Bộ phim đầu tay Diệp tham gia làm kể về cuộc sống ở nông thôn của một bạn gái đã đoạt giải 3 trong Liên hoan phim dành cho học sinh phổ thông do Đại sứ quán Nhật tổ chức năm 2007. Cơ hội đã đến với “nấm mỡ lùn” khi được các anh chị biên kịch, đạo diễn ở trung tâm TPD, trực thuộc hội điện ảnh Việt Nam giúp đỡ hoàn thiện bộ phim. Khi được biết về dự án “Chúng ta cùng làm phim” với mục đích đưa điện ảnh tới gần hơn với học sinh, sinh viên và phát hiện, đào tạo những tài năng trẻ của trung tâm thì Diệp và nhóm làm phim của bạn ấy đã được mời đến tham dự.

Được làm việc với những đạo diễn, biên kịch nổi tiếng như anh Bùi Thạc Chuyên, anh Nguyên Mạnh Hà, chị Nguyễn Trinh Thi (đạo diễn phim tài liệu), chị Juilie... nên điều đầu tiên mà Diệp cảm nhận được đó chính là sự “ngợp” trước ngồn ngộn kiến thức cần được lĩnh hội và núi công việc phải triển khai.
 
“Mặc dù đã có những kiến thức nền, cơ bản về làm phim nhưng khi tham gia dự án này mình cũng phải vật lộn với guồng công việc. Nhưng điều hấp dẫn mình nhất là cách tổ chức công việc và sự nhiệt tình của các anh chị trong dự án, đặc biệt quyết liệt là khi đưa ra những ý kiến thẳng thắn, bảo vệ chính kiến của mình”.

 
“Nấm mỡ lùn” - “đạo diễn” tuổi 17 - 2
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (ngoài cùng, bên phải) và các bạn học sinh trong dự án “Chúng ta cùng làm phim”

Trong lớp học này, các bạn đều được nêu ý kiến cho dù nó phủ định hoàn toàn ý kiến của người hướng dẫn. Chính vì thế mà khi xem một đoạn phim theo lối thể nghiệm thì “chị Thi bảo là tác giả yêu cuộc sống đô thị, mình vẫn khăng khăng cho là tác giả ghét nó. Hai chị em đã tranh luận khá nhiều nhưng điều mình muốn nói ở đây là không hề có quan niệm giáo viên - học sinh, mà bọn mình được quyền nói, sáng tạo và tranh luận như những đồng nghiệp với các anh chị”.

Họ tên: Võ Ngọc Diệp

 

Năm sinh: 28/3/1991

 

Học sinh lớp 12A7, THPT Kim Liên

 

Thích đọc sách Lịch sử và văn học thế giới.

 

Đạo diễn Việt Nam hâm mộ nhất: Bùi Thạc Chuyên

 

Thần tượng: Johnny Depp (đẹp trai, tài giỏi)

 

Câu nói tâm đắc: “Điện ảnh Việt Nam đã 50 tuổi nhưng vẫn còn còi xương, và chúng ta đều đang cố gắng xây dựng một thế hệ trẻ để làm nó có da có thịt” ( Bùi Thạc Chuyên)

 

Bài học quý báu nhất mà Diệp đã học được là khi làm phim phải theo một ê-kíp đòi hỏi sự phân công nhiệm vụ, tổ chức khoa học và có trách nhiệm nhưng ai cũng đều phải học cách lắng nghe ý kiến của người khác, đừng để cái tôi quá lớn làm hỏng công việc cả nhóm. Tất cả những kinh nghiệm này đã được Diệp vận dụng trong quá trình làm phim tài liệu - thể loại phim cô bạn “kết” nhất vì “mình thấy phim tài liệu hay hơn phim truyện ở chỗ nó phản ánh trung thực cuộc sống và con người.
 
Khi đi quay bộ phim tài liệu “Kim Ngưu...”, Diệp đã học thêm được cách giao tiếp với những con người thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội mà bình thường “mình còn cảm thấy hơi run, có thách mình cũng không dám đến bắt chuyện đâu”. Từ chị sinh viên ở bến xe bus, các bác xe ôm, đến mấy chú làm cửu vạn ở cầu Mai Động, Diệp đã vượt qua được sự e ngại của bản thân và qua những cuộc trò chuyện ấy, cô bạn đã tìm ra “cái hồn” cho bộ phim của mình.
 
“Nấm mỡ lùn” - “đạo diễn” tuổi 17 - 3
Mê làm phim nên Diệp rất chăm đến rạp

Dấu ba chấm (...) đặt sau tên dòng sông Kim Ngưu như gợi đến một khoảng lặng, một tiếng thở dài. Khi các nhân vật trong bộ phim kể hết về cuộc đời họ, tâm sự những lo toan, những ước mong trong cuộc sống thì đó cũng là lúc người xem chìm trong im lặng để suy nghĩ về tất cả. Suy nghĩ, cảm nhận của mỗi người sẽ tự viết tiếp vào dấu ba chấm ấy.

Và để có những thước phim chân thực, giàu hình ảnh, cảm xúc truyền tải, Diệp đã không quên đến các “đồng nghiệp” của mình: “Nhóm mình có bạn Thành Ngọc Trâm là quay phim, ý tưởng kịch bản mình viết và sau đó là Trâm cùng Việt Dương chỉnh sửa, phần dàn dựng là do mình và Dương lo liệu. Phim tài liệu chỉ cần một nhóm nhỏ, nhưng bọn mình đã kết hợp thành bộ tam rất ăn ý”.

Làm luật sư để kiếm tiền, dùng tiền để làm phim!

“Mình nhớ nhất những ngày đi quay phim dọc theo sông Kim Ngưu vừa bẩn vừa hôi, càng đi sâu xuống phía Metro Hoàng Mai thì toàn xe tải, phi ầm ầm. Mình cầm lái còn Trâm quay, run lắm thế mà cũng quay được nhiều cảnh đẹp không ngờ, thế mới biết mình lái lụa”, Diệp lại cười tít kể về những kỷ niệm đi làm phim.

Còn cả những đoạn phim về xem lại mới thấy “dào dạt cảm xúc, bọn mình đứng quay trên cầu Mai Động, góc máy tốt bao quát được cả hai thành cầu, rồi lia máy xuống dòng nước đen ngòm, cống đổ xối xả phía dưới...”

Yêu nghệ thuật và đam mê làm phim nhưng ước mơ của “Nấm mỡ lùn” lại là trở thành một luật sư tư vấn tài giỏi. Năm tới, Diệp dự định sẽ thi vào khoa Luật kinh doanh quốc tế của Đại học Ngoại thương. “Mình với thằng bạn chí cốt đã lên dây cót rồi, mình sẽ cố kiếm thật nhiều tiền để làm nhà sản xuất (tức là người chi tiền đó) và để nó làm đạo diễn”.
 
“Nấm mỡ lùn” - “đạo diễn” tuổi 17 - 4
Một buổi xem phim ngoại khóa của các “nhà làm phim” xì tin
 
Và Diệp vẫn sẽ trung thành với thể loại phim tài liệu vì “những thước phim chân thực thể hiện tình yêu cuộc sống và giúp mọi người nhìn thấy những góc khuất ngay bên cạnh mình. Thế giới thật rộng lớn nhưng cũng thật nhỏ bé khi ta chạm vào cảm xúc, suy nghĩ của nhau”.
 
Diệp mơ đến năm 21 tuổi sẽ là có một bộ phim tài liệu thành công, bạn ấy cũng mong “tiền đừng trượt giá nữa để với 10 triệu mình có thể biến ước mơ thành hiện thực. Mình sẽ đi làm thêm để nuôi dưỡng niềm đam mê này, tiền có thể kiếm được lúc này, lúc khác nhưng một khi mất đi niềm đam mê thì dù có nhiều tiền đến mấy cũng không thể tâm đắc và hạnh phúc được”.

Ly Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm