Muôn nỗi khổ khi nhà trọ tăng giá
(Dân trí) - Mặc dù không phải là giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” nhưng các chủ nhà trọ vẫn rục rịch tăng giá phòng. Trong khi chủ nhà thì viện nhiều lý do để “bao biện” thì sinh viên lại một lần nữa chật vật xoay xở mùa bão giá.
Hè mà giá phòng… vẫn tăng
Mặc dù không phải là thời điểm "sốt" nhưng nhiều chủ nhà vẫn tranh thủ để tăng giá
Chính vì thế, mặc dù bây giờ không phải là thời điểm “sốt” nhà trọ nhưng nhiều nhà chủ vẫn tranh thủ để tăng giá những phòng còn trống và thà để trống phòng chứ không cho thuê luôn với giá rẻ.
Bạn Nguyễn Thị Huế, trọ ở xóm 8 Cổ Nhuế tâm sự: “Hôm rồi bác chủ nhà sang thu tiền phòng, bảo tháng này phòng tăng lên 1 triệu mà không báo trước. Mình cũng không biết cái giá 1 triệu còn được bao lâu nữa, từ tết tới giờ xóm mình đã tăng 3 lần rồi.”
Lắc đầu ngán ngẩm Huế kể tiếp, khi bọn mình hỏi sao giá phòng trọ tăng nhanh thế thì ông chủ nhà lạnh lùng trả lời: “Chúng mày đã có bố mẹ lo, bố mẹ không lo được thì nhà nước lo. Còn nếu ai thấy không ở được thì … chuyển”.
Với những xóm trọ đã đủ người, chủ nhà vẫn không muốn kém cạnh, thay vì đợi đến năm học mới, họ tranh thủ tăng giá luôn từ trước hè để ai ở được thì ở, không chịu được nhiệt thì chuyển.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, thì với tâm lý có phòng tốt hoặc rẻ lại chuyển, hay thay đổi người cùng ở nên nhiều sinh viên khi thuê phòng cũng không làm hợp đồng ràng buộc gì với chủ nhà. Hay dù có hợp đồng cũng không quy định rõ là giá phòng duy trì được bao lâu nên khi nhà chủ có tăng giá thì sinh viên cũng chẳng dám “ho he”.
Xoay xở và tiết kiệm
Những biến động trong giá phòng trọ, giá điện, nước, thực phẩm sinh hoạt đã không còn là chuyện mới mẻ. Đối với những sinh viên gia đình có điều kiện thì không ảnh hưởng mấy, nhưng đối với những sinh viên khó khăn hơn thì bị ảnh hưởng không nhỏ.
Giá phòng tăng thì cũng là lúc sinh viên luyện "độc chiêu" tiết kiệm
Một tuần thì may mắn chỉ có 1- 2 bữa có thịt, mà thịt thì dù nghe “dịch lợn tai xanh” cũng phải mua. “Chẳng dám mua cá vì đắt, mua ít quá thì chẳng biết ai ăn ai đừng; thịt gà công nghiệp thì cũng lên đến 60 nghìn/kg, ít khi bọn em mua lắm”, Vân Anh nói.
Không chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm tiền sinh hoạt để trả tiền phòng, nhiều sinh viên chọn cách rủ nhau ở đông hơn để giảm chi phí. Tuy nhiên, đó có lẽ cũng chỉ là phương pháp tạm thời.
Giữa cái nóng buổi trưa như đổ lửa, bốn nam sinh viên trường ĐH Điện Lực, hai người quê Nam Định và hai Bắc Ninh ngồi quanh mâm cơm mà mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Đức, một trong bốn người kể: “Bọn em vốn ở chung xóm, trước ở mỗi phòng hai người, tiền phòng cao, mùa hè dùng điện lại tốn nên mới chuyển sang ở cùng nhau. Nhưng mà nóng thế này, phòng thì chật như nêm, nhìn đâu cũng thấy đồ đạc, thỉnh thoảng mất điện thì nóng chịu không nổi.”
Một số ít sinh viên không chịu được cảnh sống nhiều người lại chọn giải pháp giá phòng tăng thì “cắm đầu” đi làm thêm kiếm tiền “bù” vào.
Hương Lan, trọ tại xóm 15 Cổ nhuế, nghe tin phòng tăng lên 1,2 triệu, hè giữ phòng mà cũng không được giảm nên bạn và chị gái đã quyết định không về nghỉ hè mà đi tìm việc làm thêm, kiếm chút đỉnh cho học kỳ tới.
Bài, ảnh: Đỗ Chiêm