Muốn khẳng định, phải bứt phá!
“Có nhiều yếu tố tạo nên thành công, nhưng quan trọng hơn cả là không thể không có chí tiến thủ”. Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Oanh rút ra kết luận từ quyết định của bản thân mình cách đây hơn nửa thế kỷ.
Ai sống cũng phải có ước mơ và mục đích phấn đấu. Khi ta xây dựng cho mình mục tiêu, nhất định ta phải biết sẽ làm những gì để hoàn thành mục tiêu đó.
Thành công hay thất bại, dám làm hay không dám làm đều bắt nguồn từ việc ta có kiên định trong suy nghĩ và có bản lĩnh vươn lên hay không.
Nói cách khác, chí tiến thủ cũng giống như một đòn bẩy tâm lý, thể hiện nhiệt huyết và ý chí của một cá nhân, rộng hơn là cả một thế hệ, một xã hội.
Khi bàn về chí tiến thủ, gia đình và xã hội là môi trường chủ yếu để cá nhân hình thành và phát triển về mọi mặt. Khi môi trường ấy có sự thay đổi sẽ làm thay đổi cá nhân, trong cả hành vi và nhận thức.
Thanh niên trong xã hội hiện nay có một bộ phận vượt trội hẳn trên mặt bằng những người cùng thế hệ. Một số còn lại tôi thấy quá thụ động, nhưng chúng ta chưa thể kết luận về chí tiến thủ của họ mà nguyên nhân nảy sinh là do lỗ hổng trong giáo dục và cái chính vẫn là nền tảng gia đình. Cứ nhìn vào cách các em học sinh “chạy đua” mỗi mùa thi đại học thì thấy.
Thưa bà, phải chăng thế hệ trước đây và hiện nay có sự khác biệt nhau trong việc khẳng định mình ?
Chúng ta không nói đến sự khác biệt, mà là sự phù hợp của chí tiến thủ với môi trường. Hoàn cảnh xã hội hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Sự cởi mở của một xã hội thông tin làm cho những người trẻ có nhiều cơ hội hơn để tiến lên, họ tự thấy được nhiều hướng mở mới cho tương lai của mình.
Người có tài có thể tự mình tiến lên, dám nghĩ dám làm và dám khẳng định mình với vị trí cao trong xã hội. Bất cứ trong xã hội nào cũng thế, nếu anh không có chí tiến thủ thì anh không thể đứng trên đôi chân của mình. Không có những cá nhân nhiệt huyết, hoài bão và chí tiến thủ, xã hội không thể vươn lên.
Trước đây, khi đất nước còn đang chiến tranh thanh niên coi con đường cống hiến cho thống nhất dân tộc là lý tưởng, là thể hiện chí tiến thủ. Thanh niên bây giờ không sống trong môi trường ấy nữa, họ coi sự đóng góp sức mình vào lợi ích chung để cùng phát triển là lý tưởng.
Thực tế đang có những đánh giá trái ngược nhau về việc có và không có chí tiến thủ của thanh niên. Cô giải thích và đánh giá về điều này như thế nào?
Thực chất đó chỉ là kết luận đưa ra từ một vài hiện tượng, và tuỳ theo cái nhìn dựa trên độ chênh lệch giữa thành công và thất bại mà thôi. Việc có hay không có chí tiến thủ ở một vài cá nhân không thể đại diện cho cả một thế hệ được. Theo tôi thanh niên hiện nay rất năng động, có chí tiến thủ và suy nghĩ rất cởi mở.
Ngày nay xã hội và gia đình cần làm gì để định hướng cho chí tiến thủ của thanh niên?
Theo tôi nghĩ xã hội và gia đình trước hết phải tôn trọng và ủng hộ ước mơ của bạn trẻ, hãy tạo cho họ có nhiều cơ hội mạo hiểm thử sức với mục đích của mình. Có một thực tế không thể chối cãi là nhiều bạn trẻ vẫn còn quá lệ thuộc vào quyết định của gia đình.
Các bạn trẻ không thiếu hoài bão, nhưng đang lẫn lộn và tuân thủ một cách thụ động chữ hiếu của mình. Họ coi việc không làm theo ý cha mẹ là tội lỗi ghê gớm mà không nhận ra điều hạnh phúc nhất là làm được điều mình mơ ước. Xã hội hãy cởi mở và thay đổi nhiều hơn để hỗ trợ thanh niên. Nói như vậy, chúng ta không nên lẫn lộn và hiểu sai những giá trị truyền thống của dân tộc với việc phát triển.
Năm 1951, khi quyết định ra nước ngoài học, tôi đã vấp phải sự băn khoăn của cha tôi. Ông là một nhà giáo và chỉ muốn một đứa con gái như tôi trở thành một bác sĩ, dược sĩ hay theo ngành nông nghiệp mà ông rất thích là đủ rồi.
Sau đó tôi quyết định làm theo ý mình và khi trở về ông đã thay đổi thái độ, ủng hộ tôi hết mình vì thấy công việc của tôi giúp ích được cho nhiều người, nhất là hài lòng về quyết định trước kia của tôi. Phải biết lựa chọn cái mình muốn vì nói như một danh nhân là “không ai có thể hạnh phúc khi phải thực hiện kế hoạch do người khác đặt ra”.
Thế hệ trẻ hiện nay phải làm gì để phù hợp với đà đi lên của đất nước? Phải chăng đang có sự đánh đồng chí tiến thủ với việc làm giàu?
Tôi chọn hai chữ “Bứt phá”. Bứt phá để vươn lên khẳng định mình và đi tìm những cái mới lạ. Hãy xoá bỏ rào cản để mở ra con đường mới đẹp và rộng hơn. Muốn như vậy thì chúng ta phải có kiến thức.
Khi mà cả thế giới như một cỗ máy không ngừng lao lên phía trước để đào sâu tri thức thì chúng ta không thể đứng yên mà tiếp nhận lại. Nếu không hoà nhập chúng ta sẽ bị đánh bật. Các bạn trẻ hiện hay rất mạnh mẽ và chính họ sẽ làm thay đổi diện mạo xã hội.
Nếu chúng ta đồng nhất việc làm giàu với chí tiến thủ thôi sẽ chưa đủ. Làm giàu không hề xấu và xã hội cần khuyến khích thanh niên vươn lên làm giàu. Nhưng tất nhiên là phải đặt nó trong phạm vi pháp luật, đạo đức và phù hợp với lợi ích cộng đồng.
Quan trọng nhất là chúng ta có cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa. Phải chọn cho mình con đường phù hợp và có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Theo Sinh Viên Việt Nam