Mùa hè xanh và câu chuyện tình yêu bạn trẻ

Muốn cống hiến sức trẻ ở những nơi còn nghèo khó, sinh viên tình nguyện không quản ngại những vất vả, khó khăn đến với người dân trong mùa hè tình nguyện. Không chỉ có trải nghiệm, trưởng thành, những kỷ niệm mà còn có nhiều tình yêu đẹp đã đơm hoa.

Những kỷ niệm khó quên

 

Mùa hè năm nay, để có được một “suất” đi tình nguyện tại xã Kim Nọi (Mù Cang Chải, Yên Bái), Nguyễn Thị Linh, sinh viên trường Cao đẳng Y (Yên Bái) phải “tranh đấu” với nhiều bạn thân vì cả lớp chỉ được một, hai người đi.

 

“Bạn mình học giỏi hơn, lại quen đi hoạt động tình nguyện, cơ hội của mình rất ít. May mắn, cuối cùng mình cũng được tham gia”, Linh chia sẻ. Người nhà không thích Linh đi xa khó khăn vất vả, Linh chỉ cười, bảo đi tình nguyện với các bạn vừa vui, vừa có những trải nghiệm, cực khổ cũng không sao.

 

Lên địa bàn hoạt động tình nguyện, nhiều khi Linh và cả đội phải đi bộ vượt qua mấy quả đồi để sửa đường, đào hố rác, đi gặt cho bà con dân bản. Vốn quen cuộc sống ở thị thành, nhưng ai cũng tỏ ra hào hứng, quên hết mọi mệt mỏi.

 

Có hôm, cả đội phải mang theo gạo, mỳ tôm để nấu ăn dọc đường. Nhiều hôm đói quá, Linh ăn mỳ tôm sống, sau đó uống nước. Linh bảo, vào trong bụng là vừa chín. “Vất vả thì mới đích thực là đi tình nguyện. Nếu đi tình nguyện mà sướng như ở nhà thì còn gọi gì là tình nguyện nữa”, Linh nói. Ở Yên Bái, Linh cũng quen với nhiều món ăn lạ, độc đáo của sinh viên như “chanh chấm muối, dưa Mèo chấm đường”…
 
Sinh viên tình nguyện hỗ trợ bà con xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải học chữ. Ảnh: Trường Phong.
Sinh viên tình nguyện hỗ trợ bà con xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải học chữ. Ảnh: Trường Phong.

 

Giống như Linh, mùa hè tình nguyện này, Nguyễn Thị Ngoan, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái cũng có nhiều kỷ niệm. Ngoan cùng các bạn làm nhiệm vụ dạy xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải).

 

Những ngày đầu tình nguyện, lên vùng xa lạ không quen với cảnh rừng núi, mỗi khi mẹ gọi điện hỏi thăm Ngoan đều khóc vì nhớ nhà. Do lên vùng cao, khí hậu lạnh nên Ngoan bị viêm họng cấp, phải nhập viện điều trị một tuần. Ra viện, dù vẫn còn bị ho, nhưng Ngoan tiếp tục đến lớp hỗ trợ giáo viên dạy chữ cho đồng bào.

 

“Lúc đầu do bất đồng ngôn ngữ, bà con không hiểu được. Mình phải nhờ các em học sinh ở đây phiên dịch giúp. Mình nói bây giờ xuống chợ, để mua hàng phải dùng tiếng Việt, ký kết các loại giấy tờ cũng phải dùng tiếng Việt… Nói mãi họ mới đồng ý đi học”, Ngoan kể.

 

Lúc bà con đến lớp, Ngoan và các bạn hát cho bà con nghe. Bà con vỗ tay khen hay. “Bọn mình tận dụng cơ hội, hỏi bà con có muốn biết hát như thế không. Bà con đồng ý và học chữ hăng say hơn nhiều. Có những tối học đến 22h rồi mà bà con vẫn muốn học nữa, không muốn về”, Ngoan nói.

 

Tuy chỉ đóng vai trò là trợ giảng, nhưng các “thầy cô” tình nguyện chiếm nhiều cảm tình của bà con. Ngoan vẫn nhớ mãi, một buổi sáng đến lớp thấy trên bảng có dòng chữ viết nguệch ngoạc “Yêu cô giáo lắm”.

 

Tình yêu đẹp đơm hoa

 

Mùa hè tình nguyện cũng là dịp nảy nở những tình yêu đẹp của các cặp đôi tình nguyện. Đến nay, Nguyễn Hoàng Long được coi là “ngôi sao” trong đội tình nguyện của Khoa Luật (ĐHQG Hà Nội) tại xã An Bình (Văn Yên,Yên Bái). Vốn đẹp trai, lại có tài lẻ chơi ghita, nên Long nổi bật nhất trong hội. “Đội chúng mình vừa tổ chức “Đêm tỏ tình” cho các cặp đôi.

 

Đêm đó, Long là người duy nhất dám thổ lộ, nên nổi tiếng nhất”, Nguyễn Ngọc Quý, Đội trưởng đội sinh viên tình nguyện cho biết. Quý kể, Long mến một nữ sinh trong đội. Trong “Đêm tỏ tình”, Long mang đàn sang phòng bạn gái kèm theo một bông hồng đẹp.

 

“Tuy chưa có câu trả lời cuối cùng, nhưng có vẻ “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, Quý lém lỉnh nói. Đến nay, các thành viên trong đội vẫn đang chuyền tay nhau clip quay lại cảnh Long đi tỏ tình.

 

“Đại bản doanh” đội tình nguyện của Long đóng tại trường Mầm non xã An Bình. Từ đây, phải vượt qua vài cây số đường đất để ra đến chợ. Tranh thủ các thầy, cô giáo đến họp, Long mượn xe máy ra chợ mua một hộp kẹo mút về tặng bạn gái. Về đến nơi, bị các bạn trêu, Long thoáng đỏ mặt, nhưng vẫn đủ dũng cảm để tặng hộp kẹo cho người cần được tặng.

 

Không chỉ có Long, mùa hè tình nguyện cũng là nơi nảy sinh và vun đắp tình yêu cho nhiều bạn trẻ. Tính đến nay, đã là mùa hè xanh thứ ba kỷ niệm tình yêu của Đào Thị Quỳnh Trang, sinh viên ĐH Y tế công cộng. Trang kể, chuyện tình của Trang bắt nguồn từ hành trình tình nguyện.

 

Yêu nhau được mấy tháng thì hai đứa tiếp tục đi tình nguyện cùng nhau trong chiến dịch mùa hè xanh. “Anh ấy vừa là người yêu, vừa là bạn, là người hướng dẫn mình trong các hoạt động tình nguyện. Cũng vì thế mà hai đứa hiểu nhau hơn. Có khi xa nhau 2 tuần mà không liên lạc được cũng thông cảm cho nhau”, Trang nói.

 

Đến nay, với Trang, mùa hè tình nguyện để lại nhiều kỷ niệm yêu thương. “Có đợt cuối chiến dịch tình nguyện, chúng mình làm chương trình tổng kết. Hai đứa phải đi đến nhà dân trên núi để lấy đồ.

 

Đường chính thì phải đi xa, nên hai đứa đi đường tắt. Anh ấy thấy lũ trẻ đi xuống ở dốc nên cũng thử theo. Được một đoạn thì bị ngã. Anh ấy túm lấy chân mình, thế là cả hai đứa ngã lăn từ đỉnh đồi xuống. Vừa đau, vừa buồn cười. Lũ trẻ lại còn trêu ghẹo nữa”, Trang nói.

 

Theo Trường Phong

Tiền phong