Một tuần ở Nam Phi của Thư

(Dân trí) - Phạm Anh Thư là một trong ba học sinh Việt Nam được sang Nam Phi tham gia chương trình “Tìm hiểu môi trường hoang dã” do Cathay Pacific tài trợ hồi tháng 8/2006. Sau chuyến đi kéo dài một tuần, những ấn tượng của Thư về một đất nước xa lạ còn đọng lại rất nhiều điều.

Nam Phi thân thiện

 

Ngày đầu tiên 23/8/2006, cái cảm giác lơ lửng trên máy bay vẫn cứ ám ảnh tôi. Trời Nam Phi rét đến cực độ nên khó có thể nói tôi hoàn toàn tỉnh táo khi đặt chân vào khu tập trung. Đoàn Việt Nam chúng tôi cùng gặp các bạn mới ở khách sạn Indaba.

 

Có tổng cộng 42 thành viên tham gia chuyến đi này. Chúng tôi không mấy khó khăn khi làm quen với nhau, chỉ đơn thuần trao nhau những nụ cười, những cái bắt tay, những cái nhìn cảm mến và đầy tự hào, tinh thần của những người trẻ tuổi. 

 

Phải mất khoảng hơn 2 giờ để chúng tôi đi bằng xe buýt đến khu bảo tồn Botshabelo (Middleburg, huyện Pmumalanga), nơi tôi và các bạn dành hầu hết thời gian ở đấy. Đường phố Nam Phi tuyệt đối sạch sẽ, thậm chí bạn có thể chỉ cần đi chân trần dạo phố mà thôi. Tất cả các cửa hiệu, các ngôi nhà dân đều chỉ có một tầng, nhường chỗ cho những bải cỏ rộng lớn, các loài cây lớn và những con thú nhỏ xinh…, điều mà Việt Nam đang cố gắng thực hiện.

 

Tôi được xếp ở chung phòng với Fatima (Bahrain) và Dale (Nam Phi). Dĩ nhiên là tiếp xúc với các bạn ấy ban đầu hơi khó vì vốn tiếng Anh của tôi vẫn còn quá nghèo nàn để tham gia vào câu chuyện  của các bạn.

 

Thời gian ở đây chậm hơn Việt Nam 6 tiếng và thời tiết ở đây khắc nghiệt hơn. Tôi bắt đầu ngày mới bằng việc cùng đội Brave Betsy’s của mình chuẩn bị thức ăn trong im lặng. Ở đó, tôi đã học được tinh thần đồng đội cao, cách làm việc theo nhóm và học sinh Việt Nam vẫn còn rất thiếu.

 

Không cần nói gì cả nhưng chúng tôi hiểu nhau, chúng tôi dùng “body language” để giao tiếp. Sau đó chúng tôi có 30 phút để ôn lại những gì mình đã trải qua ngày hôm qua và cảm giác lúc ấy. Tôi được phát một cuốn sổ nhỏ, tự tìm cho mình chỗ ngồi thật yên tĩnh và đẹp nhất, và sau đó là viết trong im lặng hoàn toàn.

 

Người Việt Nam gây ấn tượng mạnh

 

Tôi cùng nhóm đi vào rừng Botshabelo với sự hướng dẫn của cô Hanneke để khảo sát về thiên nhiên. Chúng tôi là nhóm duy nhất leo lên đỉnh núi để học về các sinh vật, các loài cây. Người Việt Nam chúng ta dẻo dai lắm. Ai cũng thấm mệt, chỉ trừ tôi là sung sức nhất. Alex, một bạn Nam Phi hỏi vì sao tôi khỏe thế. Tôi đã tự hào trả lời: “Chúng tôi đã từng sống trong rừng, chiến đấu trong rừng”. Giây phút Alex kêu ồ là lúc mà tôi tự hào về con người Việt Nam nhất.

 

Thật khó tin là chuyến đi ấy giúp ích cho tôi nhiều thứ. Tôi không ngờ lúc về phòng, tôi có thể đọc vanh vách từng tên các giống cây, các loài chim, tình trạng sinh thái của chúng, cách bảo vệ… mà không cần ghi chú một dòng nào vào sổ. 

 

Một tuần ở Nam Phi của Thư - 1

Các bạn trẻ làm công tác từ thiện ở trường Mkhulu. 

 

Tôi đã khá quen với thời gian ở đây. Chỉ có điều thời tiết ở đây quá lạnh đối với tôi. Tôi đã có dịp ngủ ngoài trời. Hầu như tôi chẳng thể ngủ được vì mải ngắm sao cho đến khi đến phiên tôi trực lửa (2h đến 3h). Chỉ trong 10 phút ấy, tôi nhìn vào ngọn lửa và thấy Việt Nam của tôi trong đó, một Việt Nam trong xứ sở shâu Phi.

 

Các bạn nước ngoài rất thích tà áo dài trắng mà tôi mặc. Họ bảo nó toát lên một vẻ kín đáo, nhưng cởi mở… Đến ngày cuối, tôi đã tặng chiếc áo dài đi học và nón lá của mình cho các bạn người Nam Phi để đổi lấy mấy cái váy nilon của họ.

 

Những điều học được

 

Trong suốt bảy ngày đó, tôi học được rất nhiều, những bài học mà bạn không thể học khi ở Việt Nam. Sự tự tin là điều đầu tiên tôi học được ở các bạn nước ngoài. Các bạn Việt Nam của mình luôn sợ sẽ mất thể diện trước đám đông, luôn sợ ý kiến của mình bị bác bỏ (các bạn học sinh Việt Nam hay nói “sợ quê”).

 

Nhưng đã học thì không sợ, mà đã sợ thì đừng học. Những câu hỏi ngớ ngẩn nhất mà tôi đặt ra trong chuyến đi hóa ra lại là chìa khóa để cả nhóm tìm ra phương pháp mới cho vấn đề chung. Trước đây tôi chẳng dám đứng lên phát biểu, nhưng giờ tôi thậm chí có thể đứng trước toàn trường hát Dạ Cổ Hoài Lang.

 

Tinh thần đồng đội là thứ mà tôi thấy cần thiết nhất. Người Việt Nam hơi bảo thủ, làm việc quá độc lập, hay làm việc theo nhóm nhưng không hiệu quả. Một bạn Nhật Bản nói với tôi: “Một kĩ sư Việt Nam sẽ thắng một kĩ sư Nhật Bản. Hai kĩ sư Việt Nam sẽ bằng hai kĩ sư Nhật Bản. Và ba kĩ sư Việt Nam chắc chắn sẽ thua ba kĩ sư Nhật Bản”. Bạn hãy nghiệm lại xem!

 

Điều cốt yếu là chúng ta phải đảm bảo mọi người trong nhóm đều có một vai trò nhất định. Tất cả các lời phát biểu hay góp ý đều có giá trị và bạn phải lắng nghe, đặc biệt khi bạn là nhóm trưởng. Hãy đặc biệt lắng nghe những ý tưởng mà bạn cho là ngu xuẩn, ngốc ngếch nhất.

 

Tôi đã hát bài hát Nam Phi “Shosholoza” khi về Việt Nam. Tôi yêu nhạc dân tộc hơn khi quay về nước. Tôi làm được tất cả khi quay về Việt Nam. Việt Nam mình lớn hay nhỏ? Việt Nam không hề và không bao giờ nhỏ. Các bạn nước ngoài đã nói với tôi như vậy.

 

Tôi tin là như vậy vì tôi cũng chính là người Việt Nam.

 

Bảo Trung ghi