Một “trường hợp sư phạm đặc biệt”

Cô bé Nga Olia Morozova (16 tuổi) đã bỏ học năm 13 tuổi, viết và bán hết hai sách chuyên ngành về tạo website, hái ra tiền bởi các khóa dạy tạo trang web trên Internet... đang là đề tài bàn tán ở Nga.

Chuyện bắt đầu từ năm Olia được 11 tuổi, khi cô đã quá quen thuộc với Internet và say sưa với việc tạo các trang web bằng cách tự mày mò và đọc các sách chuyên ngành. Năm 13 tuổi, Olia bỏ học, ký hợp đồng viết sách với một nhà xuất bản (NXB) chuyên ngành.

Do tiếp xúc qua Internet, NXB không mảy may hay biết tuổi đời đối tác của mình. Cho đến khi phải ký hợp đồng, NXB gởi thư đề nghị Olia "sửa lại năm sinh cho đúng" thì mới phát hiện đối tác ở tuổi vị thành niên! Để làm hợp đồng bảo hiểm (thiếu điều kiện này thì không thể ký hợp đồng xuất bản), người ta bèn nghĩ ra cách đưa mẹ cô vào làm đồng tác giả!

1.000 USD nhuận bút đầu tiên cô nhận được sau khi bán hết sách. Trong khi các bạn đồng lứa đang miệt mài học thì Olia bắt tay vào quyển sách thứ hai. Đến nay thì cả hai quyển sách đều bán sạch. Hiện giờ Olia đang tổ chức các lớp dạy làm trang web trên Internet. Giá mỗi "cua" học là ba nghìn rúp. Thu nhập hàng tháng của Olia dao động từ 6 nghìn đến 20 nghìn rúp (khoảng 250 đến 700 đô la Mỹ).

Việc Olia bỏ học và kiếm tiền hoàn toàn không phải vì gia đình cô túng bấn, hay thiếu hiểu biết. Bà ngoại Olia là Tiến sĩ sinh học, mẹ cô tốt nghiệp Đại học y khoa và đã mở những khóa đào tạo riêng trên Internet. Cha cô, ông Mikhail, là kỹ sư, Giám đốc thương mại một công ty ở Matxcơva. Cô có hai em trai và một em gái.

Công thức: "Học thì sáng, không học thì tối" đã là chân lý trong gia đình trí thức này. Vậy mà đứa cháu gái trong gia đình, vừa học được 2/3 chương trình lớp tám đã thở ra: "Kiến thức học đường không áp dụng được trong cuộc sống hàng ngày". Và Olia thuyết phục cha mẹ cho phép cô làm việc cô muốn. Chỉ có bà ngoại cô đến nay vẫn lo âu theo dõi bước rẽ kỳ lạ của cô cháu gái.

Kể về việc vì sao bỏ học, Olia nói: "Nói về trường học, xin nói rõ là tôi không bỏ chạy. Tôi có con đường của mình, tôi không muốn học các công thức nhàm chán. Tại sao cần giáo viên khi tôi có thể xem tất cả những kiến thức trên Yandex (công cụ tìm kiếm lớn nhất trên mạng Internet Nga)".

Liệu có phải là cô bé trưởng thành sớm?

Theo quan sát của các nhà báo, Olia vẫn nghịch đùa với các em, vẫn xuýt xoa mỗi khi mua được một món quà đắc ý từ nhuận bút kiếm được. Cô cũng không phải là kẻ đắm mình trong thế giới ảo. "Tôi có một chú chó giống Anh, rất to và đẹp. Và tôi cũng quan tâm tới bạn trai. Có lẽ phải hơn tôi sáu tuổi tôi mới thích. Quả tình là tôi có quen một cậu bạn trai, Yuri, trên Internet, nhưng chúng tôi không gặp nhau trong các phòng chat, mà ngoài phố cơ", Olia kể.

Nói về cô con gái của mình, bà Tachiana nói: "Tôi đã cãi và chứng minh đến phát mệt điều mà chúng ta cho là đúng đắn. Nhưng rồi tôi phải chấp nhận rằng những quyển sách mà Olia xuất bản sẽ là giấy thông hành vào đời tin cậy nhiều hơn các luận văn tốt nghiệp. Tôi cảm thấy ở tuổi 13, cháu đã biết rất rõ mình muốn gì ở cuộc đời, và quyết định không ép cháu bằng quyền uy của mình.

Tuy nhiên, tôi khuyên các bậc cha mẹ khác đừng thí nghiệm như thế với con cái mình. Khi đứa trẻ không có mục đích rõ ràng, tốt nhất là theo con đường tiêu chuẩn: trường phổ thông, trung học, đại học. Còn Olia, tôi thấy rõ cháu đã không hài lòng thế nào khi từ trường về nhà, trong khi giờ đây, cháu tuơi tắn sinh động hẳn lên khi làm việc mình thích. Còn những giáo trình phổ thông thì cũng chẳng mất đi đâu - khi nào muốn, cháu vẫn có thể đọc".

Olia hình dung con đường tương lai của mình thế nào?

Cô nói vẫn chưa nghĩ tới vì đang... bận bắt tay vào quyển sách chuyên ngành vi tính thứ ba. Trong khi đó, một số nhà sư phạm không đồng tình với Olia và gia đình cô. Họ cho rằng khuyết điểm của Olia là cô không dám đương đầu với sự căng thẳng.

Theo Hiệu trưởng trường phổ thông năng khiếu 1199 Matxcơva Sergei Bebchuk: "Ngay cả truờng phổ thông bình thường nhất cũng cho người ta được nền tảng kiến thức căn bản. Làm sao bạn có thể chọn được một con đường tương lai nếu không biết gì? Thí dụ, Olia phải đi nước ngoài. Khi đó em phải làm gì? Trở về học ngọai ngữ à? Tại sao lại phải mất thời gian vào những việc có thể làm từ bây giờ?".

Tạm thời, người ta gọi Olia là một "trường hợp sư phạm đặc biệt". Chắc chắn con đường của Olia sẽ được nhiều chuyên gia tiếp tục dõi theo.

Theo Duy Văn
Tuổi Trẻ/Sự thật Komsomol