Một phút “anh hùng rơm” trả giá bảy năm tù
Ngồi đối diện với chúng tôi trong căn phòng nhỏ của trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội) là phạm nhân Phạm Hoàng Giang (SN 1995). Khi đang học lớp 10, Giang tham gia một vụ xô xát làm một người chết và một người bị thương…
Cuộc sinh nhật… chia ly
Dù khoác bộ áo tù nhân, nhưng Giang vẫn khiến người đối diện nghĩ tới những cậu học trò 16, 17 tuổi vô tư, nghịch ngợm đang ngồi trên ghế nhà trường.
Mái tóc húi cao, khuôn mặt nhỏ và hay cười, nhìn Giang thật hiền pha chút tinh nghịch. Nghe cách kể về chuyện về gia đình, thời đi học… thêm cái gãi đầu ngại ngùng, khó hình dung được cảnh cậu học trò có thân hình nhỏ bé cầm dao lao vào đả chiến với nhóm thanh niên khác…
Giang kể về vụ án của mình. “Đó là buổi tối sinh nhật một cô bạn được tổ chức tại một quán hát trên đường Nguyễn Khuyến. Khi em mới đến, một bạn trong nhóm nói xảy ra xích mích với nhóm thanh niên khác cùng dự sinh nhật; bị dọa đánh bằng dùi cui điện”.
“Em và mấy người nữa trong nhóm rời sinh nhật, xuống ngồi tạm ở quán nước để xem nhóm kia định làm gì thì nhóm kia lại đến gây sự. Bọn em gọi điện cho mấy bạn trong nhóm còn lại trên tiệc sinh nhật xuống hỗ trợ.
Những bạn này đã sang cửa hàng dao đối diện quán karaokê mua, rồi phát cho bọn em mỗi đứa một con. Nhóm em 6 người đã lao vào đánh nhóm kia khiến một người chết, một người bị thương”, Giang kể.
Gây án xong cả nhóm hoang mang, chạy trốn tại nhà một thành viên. Sau hai ngày lẩn trốn, được gia đình vận động, Giang ra đầu thú.
“Em có mức án nhẹ nhất, 7 năm tù giam. Còn mấy bạn kia, người cao nhất là 17 năm, 11 năm, 10 năm rưỡi và 8 năm. Thương mấy bạn, ngày về xa hơn”. Nói về mức án, rồi Giang ngậm ngùi: “Lúc đó em mới học kỳ I, lớp 10 trường PTTH Dân lập Đ.K. , Hoàng Mai, Hà Nội”.
Muốn thể hiện bản lĩnh
Trong câu chuyện của mình, Giang nhắc nhiều đến những từ “bồng bột”, “thích thể hiện bản thân”, “tự ái vặt”…
Theo Giang, đến khi tỉnh ngộ, biết nuối tiếc thì đã muộn. Ngày bị bắt giam, nằm ở phòng dành riêng cho trọng phạm, cậu học trò nuối tiếc giá như biết kiềm chế bản thân. Kiềm chế để giảng hòa, xí xóa xích mích.
Cậu cười chua xót cho thời nông nổi, “máu anh hùng rơm” đến lúc trượt dốc mới tỉnh ngộ. “Ngày mấy đứa nằm lì trong nhà lẩn trốn chẳng nghĩ được gì, còn không biết mình có phải đi tù hay không. Nhưng vẫn anh hùng rơm, đứa nào cũng bảo, tôi ra nhận hết tội cho các bạn”.
Giang lại nuối tiếc và trách mình đã tự đánh mất mình trong những lần theo bạn bè trốn học, ham chơi, hiếu thắng. Mấy lần cậu có mặt trong những xích mích, gây gổ mà kể ra đều rất đơn giản, đó là: “nhìn đểu”, hay phát hiện người này nói xấu mình, nghe người kia dọa nạt…
Bài học xương máu
“Em tiếc vì đánh mất mấy năm tuổi trẻ trong trại giam. 7 năm tuổi trẻ để rút ra bài học xương máu trước khi làm gì cũng phải bình tĩnh, không thể nông nổi”, Giang chua xót.
Cậu chia sẻ thêm: “Ba cái tết xa nhà, buồn lắm anh ạ, đang ở ngoài có bố mẹ, có bạn bè,… Nhưng buồn cũng có thay đổi, giải quyết được điều gì đâu. Càng nghĩ tới gia đình thì mình càng phải cố gắng cải tạo”.
Giọng sôi nổi lại một chút, Giang kể, “ngày mới vào em là người nhỏ tuổi nhất trại nên được các phạm nhân khác động viên nhiều lắm. Giờ em ở trong đội khâu gương, công việc nhẹ nhưng học được tính nhẫn nại.
Chứng kiến cảnh người ra trại cũng có chút chạnh lòng khi nghĩ tới bản thân, nhưng hơn hết là tâm lý vui với anh em. Ai có ngày đi thì cũng có ngày trở về. Em phải cố gắng cải tạo tốt, còn làm một người lương thiện”.
Theo Mai Xuân Tùng - Trường Phong
Tiền phong