Một người Việt được lưu danh trong “Những bộ óc vĩ đại của TK 21”

Mới đây, PGS.TS Dương Quốc Việt, Khoa toán Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đã nhận được bản thông báo của “Viện tiểu sử danh nhân Hoa Kỳ” về việc anh được bầu chọn là bộ óc vĩ đại của thế kỷ 21.

“Những bộ óc vĩ đại của thế kỷ 21” là ấn phẩm phổ biến nhất và được ưa chuộng nhất trong số những bộ sách viết về những trí tuệ sáng tạo, có tầm ảnh hưởng đối với nhân loại.

 

Với lòng đam mê toán học bền bỉ, khả năng học tập và làm việc độc lập PGS, TS Dương Quốc Việt đã kết thúc phổ thông vào đại học với nhiều thành tích xuất sắc. Tên tuổi của anh đã xuất hiện khá nhiều trên tờ báo “Toán học và tuổi trẻ” những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.

 

Sau sáu năm công tác tại Trường CĐSP Tây Bắc, năm 1982 anh trở về công tác tại Hưng Yên, quê hương của anh. Một giai đoạn mới trong học tập và công tác bắt đầu. Anh có dịp tiếp xúc với các nhà toán học hàng đầu của nước ta để củng cố thêm cho quan điểm học toán và làm toán của mình.

 

Một bước ngoặt đến với anh, mùa xuân năm 1987, anh đã được tiếp cận lĩnh vực đại số giao hoán qua các bài giảng cập nhật của GS Nguyễn Tự Cường. Bằng những trao đổi riêng đầy tâm đắc của GS Cường, anh đã quyết định chuyên tâm vào lĩnh vực này.

 

Tháng 6/1993, anh đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ về lý thuyết các vành nổ Cohen-Macanlay và Gorenstein. Toàn bộ kết quả trong luận án của anh đều được công bố trên các tạp chí quốc tế hàng đầu trên thế giới và đã được trích dẫn rất nhiều. Luận án của anh dưới sự hướng dẫn của GS Ngô Việt Trung và GS Nguyễn Tự Cường đã giải quyết được ba vấn đề mở của lý thuyết các vành nổ lúc đó.

 

Kết thúc nghiên cứu sinh, anh về công tác tại Khoa Toán ứng dụng của Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Ngay từ năm 1926, trong hình học đại số và đại số giao hoán đã biết đến một đối tượng toán học gọi là bội trộn. Tuy rất nhiều nhà toán học đã nghiên cứu về nó, nhưng người ta không hiểu được mối quan hệ của nó và bội Hilbert Samuel. Bội trộn vẫn chỉ là một đối tượng mà người ta chỉ biết đến vỏ ngoài của chúng. Với lòng can đảm và bản lĩnh vốn có, PGS, TS Dương Quốc Việt đã lao vào nghiên cứu lý thuyết này.

 

Một thắng lợi đã đến với anh. Cuối năm 1998, anh đã đưa ra lý thuyết các dãy (FC) và đã hoàn thành việc quy bội trộn về bội Hilbert Samuel quen thuộc. Sau một loạt công trình nghiên cứu khác về dãy (FC) đã và sẽ công bố tại các tạp chí quốc tế lớn trên thế giới, anh đã giải quyết được nhiều vấn đề về bội của các vành nổ của Fiber Cone, và tính chất Cohen - Macanlay của Fiber Cone, một vấn đề nan giải trong nhiều năm của đại số giao hoán.  

 

Lý thuyết về dãy (FC) của anh ngày càng trở thành một công cụ mạnh để giải quyết nhiều vấn đề của đại số giao hoán, đang được nhiều nhà toán học trên thế giới quan tâm. Đó là nguyên nhân vì sao mà anh đã vượt qua một cuộc bầu chọn khắt khe của các chuyên gia hàng đầu thế giới dưới sự chỉ đạo của ban giám đốc “Viện tiểu sử danh nhân Hoa Kỳ” để tên tuổi và những cống hiến của anh được đưa vào bộ sách “Những bộ óc vĩ đại của thế kỷ 21”.

 

Con đường khoa học là con đường đầy khó khăn và gian khổ. Dương Quốc Việt đã trải qua những thời khắc khó khăn, gian khổ: vừa làm toán vừa kiếm sống nuôi vợ con những lúc hàn vi. Bây giờ anh đang vượt qua cái thành công ban đầu để bắt đầu một nhịp đập mới của toán học, vượt qua 15 bài từng được đăng trong các tạp chí lớn trên thế giới, trong đó có lý thuyết (FC) của mình.

 

Theo Nguyễn Tài Quynh
Nhân Dân