Một chuyện tình qua mạng, đẹp như cổ tích

“Câu chuyện của Trân và Philippe, hai người bạn bị câm điếc, mà tôi sẽ kể với các bạn sau đây là một câu chuyện tình, một câu chuyện có thật giống như cổ tích”, đó cũng là phần mở đầu của tác giả có cái tên cực lạ Olivier Buom Bay.

Hồ Thụy Huyền Trân là một thiếu nữ Việt Nam 22 tuổi, cô thật đẹp với mái tóc đen dài và đôi mắt hiền dịu. Cô sống cùng cha mẹ tại thị xã Ngã Bảy (Phụng Hiệp), cách phía Nam Cần Thơ ba mươi kilômét. Cô quyến rũ, duyên dáng, thông minh nhưng lại bị tật nguyền bẩm sinh: cô bị câm điếc từ khi mới lọt lòng mẹ.

 

Cuộc sống của cô không hề bất hạnh bởi cha mẹ luôn dành cho cô tất cả tình yêu thương mà cô cần. Cô cũng không phải lo lắng gì về đời sống vật chất bởi gia đình cô không phải chịu cảnh bần hàn. Cha cô, ông Hoàng là chủ doanh nghiệp, ông điều hành một công ty sản xuất vật liệu xây dựng.

 

Trân hạnh phúc, nhưng cô lại cảm thấy cô đơn về mặt tình cảm. Cô mơ ước gặp được chàng hoàng tử quyến rũ, người sẽ mang lại một niềm hy vọng mới cho cuộc sống của cô. Trái tim cô đơn của cô tìm kiếm một con tim khác để yêu thương.


Một chuyện tình qua mạng, đẹp như cổ tích - 1

Trân và Philippe trong ngày trọng đại của cuộc đời

 

Trước khi cưới nhau, con người ta cần phải yêu nhau, và trước khi yêu nhau họ cần phải biết nhau và vậy là trước hết cần phải gặp được nhau. Chính sự tình cờ làm nên các cuộc gặp gỡ. Khi hai bạn trẻ gặp nhau rồi đem lòng yêu nhau, ta có thể nói rằng đó là một sự tình cờ hạnh phúc...

Webcam tình yêu

 

Giống như nhiều thiếu nữ ở tuổi cô, Trân thường dùng Internet để giải trí. Một lần, khi truy cập mạng cô phát hiện ra một địa chỉ dành cho những người câm điếc trên thế giới. Cô vào địa chỉ ấy để tìm một thanh niên cùng độ tuổi với mình, với mong muốn được làm quen và có một người bạn tốt để có thể trò chuyện với nhau qua webcam.

 

Trong khi tìm kiếm, cô gặp một chàng trai người Pháp cũng bị câm điếc giống mình, chàng trai này sống cách cô hơn 10.000 km. Anh tên là Philippe. Anh là người Pháp và hiện đang sống tại thành phố Mans, phía Tây nước Pháp. 26 tuổi và vẫn còn độc thân, anh là nhân viên trông coi cửa hàng trong một trung tâm thương mại.

 

Philippe rất ngạc nhiên và hạnh phúc khi được gặp cô gái Việt Nam này qua mạng, một cô gái rất khác so với phụ nữ Pháp. Ban đầu giữa hai người là mối quan hệ bạn bè xã giao, họ trò chuyện cùng nhau qua webcam trong nhiều tuần liền. Vì không thể nói như đa số mọi người nên họ dùng ngôn ngữ dấu hiệu, tức là trò chuyện thông qua các cử chỉ của bàn tay. Cùng với thời gian, mối quan hệ giữa Trân và Philippe tiến triển, mối quen biết sơ sơ biến thành tình bạn, rồi tình bạn trở thành tình yêu... Balzac đã từng nói, “Tình yêu là một ngọn gió huyền bí và mạnh mẽ nhưng ta lại chẳng biết nó từ đâu thổi tới”.

 

Hai người tiếp tục gặp nhau từ xa qua màn hình máy tính và trò chuyện cùng nhau mỗi ngày. Hàng nghìn kilômét ngăn cách họ như không còn tồn tại, khoảng cách như được rút ngắn nhờ sức mạnh kỳ lạ của tình yêu và định luật vạn vật hấp dẫn. Quả là vị thần tình yêu bắn mũi tên của mình vào ai và khi nào tùy thích! Một tình huống mới lạ kỳ làm sao! Một thiếu nữ Việt Nam và một chàng trai người Pháp đem lòng yêu nhau nhờ chiếc webcam! Họ chỉ thấy nhau qua khung màn hình máy tính nhỏ bé, nhưng từng ấy cũng đủ để tình yêu của họ nảy nở. Tháng ngày trôi đi, tình yêu ấy không phai nhạt mà ngược lại, mong muốn được hiểu nhau rõ hơn càng tăng lên trong họ.

 

Một ngày, Trân cho mẹ cô hay rằng cô đã gặp một chàng trai qua Internet. Cô phải thuyết phục bà mẹ rằng anh chàng Philippe này có tình cảm sâu nặng với mình. Trân giải thích cho cha mẹ rằng cô muốn thật sự gặp chàng tình nhân yêu quý này, người cũng bị câm điếc giống cô nhưng sống ở nửa kia của Trái đất, ở một nơi rất xa, tại nước Pháp!

 

Đối với hai bạn trẻ, máy tính và khung màn hình nhỏ bé không đủ để thỏa mãn mong muốn hiểu nhau của họ. Họ muốn bước qua thế giới ảo, tuy thật tiện dụng nhưng chỉ là nhân tạo để tới với thế giới thực nơi mọi thứ thật hơn.

 

Hiện tượng Cyberlove có những hạn chế của nó bởi một người đàn ông và một người phụ nữ chỉ có thể thực sự hiểu nhau kể từ thời điểm họ có thể gặp mặt nhau.


Một chuyện tình qua mạng, đẹp như cổ tích - 2


Một chuyện tình qua mạng, đẹp như cổ tích - 3


Một chuyện tình qua mạng, đẹp như cổ tích - 4


Một chuyện tình qua mạng, đẹp như cổ tích - 5

Đôi bạn trẻ đã nên duyên chồng vợ trong sự chứng kiến của gia đình, họ hàng... (Ảnh gia đình cung cấp)
 

Chàng trai khuyết tật một mình đến Việt Nam

 

Philippe bắt đầu để dành tiền và mua một vé máy bay từ Paris tới thành phố Hồ Chí Minh. Anh lên đường chỉ có một mình dù bị tật nguyền, anh tự xoay xở và tới sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 10/2008. Trân cùng cha mẹ tới đón anh. Philippe qua khu vực kiểm soát hải quan rồi tiếp tục bước qua cánh cửa cuối cùng của sảnh đến sân bay, và anh nhận ra Trân ngay giữa đám đông chen chúc.

 

Cả hai cùng bật khóc, như hai vì sao lạc nhau tìm lại được nhau vào buổi bình minh, họ nhẹ nhàng ôm lấy nhau, siết chặt vòng tay. Đây là lần đầu tiên họ thực sự gặp nhau, bên ngoài màn hình máy tính của họ! Sau 12 tháng chờ đợi và hy vọng, sau một thời gian dài đến vậy, giấc mơ đã trở thành hiện thực, cyberlove của họ đã hiển hiện: cuối cùng hai người bạn trẻ đã có thể gặp mặt nhau. Họ đã yêu nhau qua màn hình máy tính. Giờ đây trong đời thực, họ không hề thất vọng, họ vẫn luôn yêu nhau nhường ấy. Chẳng hề có điều bất ngờ ngoài ý muốn nào đối với anh cũng như với cô.

 

Philippe cùng Trân bước lên chiếc ôtô của gia đình cô chạy thẳng hướng đồng bằng châu thổ. Philippe lần đầu tiên khám phá Việt Nam. Mọi thứ đều mới mẻ với anh. Đây thực sự là một cú sốc hạnh phúc! Anh mê đi trước đất nước và nền văn hóa này, và đặc biệt là trước người dân ở đây.

 

Philippe vui thích khám phá ra biết bao kênh rạch rợp bóng cây tạo thành một mạng lưới đường thủy nơi hàng nghìn con thuyền chất đầy hàng hóa tấp nập qua lại. Cha mẹ Trân đã mời Philippe tới nghỉ một tuần tại nhà họ ở gần Cần Thơ. Ngôi nhà nằm ngay bên bờ sông. Từ phòng Philippe nhìn ra quang cảnh thật đẹp. Suốt một tuần, Trân cùng Philippe dạo chơi trên chiếc xe máy Nhật của cô. Mỗi ngày lại là một niềm đắm say đối với đôi tình nhân trẻ chỉ giao tiếp bằng tay. Nếu không biết thứ ngôn ngữ đặc biệt dành cho những người bị câm điếc này bạn sẽ không thể hiểu được họ.

 

Để nói chuyện với cha mẹ mình, Trân nhìn miệng cha mẹ để hiểu những gì họ nói. Đôi khi mẹ cô viết vài lời lên một tờ giấy. Cha mẹ Trân tiếp đón chàng trai trẻ người Pháp bằng tấm lòng nồng nhiệt và họ đã nghĩ tới một đám cưới cho cô con gái đang rất hạnh phúc và vui sướng trong vòng tay anh chàng Philippe này.

 

Sau một thời gian suy nghĩ, Philippe và Trân báo tin họ đồng ý cưới vào năm 2009. Sau một tuần hạnh phúc bên nhau, giờ chia tay đã đến. Philippe trở về Pháp để lại Trân rưng rưng nước mắt tại sân bay. Những thủ tục hành chính và pháp lý cho đám cưới bắt đầu được thực hiện vào mùa đông năm 2008. Một cô gái Việt Nam cưới một chàng trai Pháp là chuyện hoàn toàn có thể nhưng cần phải có thời gian để tập hợp tất cả những giấy tờ cần thiết theo quy định của hai Chính phủ. Tới tháng 7/2009 họ mới có thể làm đám cưới.

 

Đám cưới dưới mưa, đám cưới hạnh phúc

 

Có một câu ngạn ngữ Pháp nói rằng nếu trời mưa vào ngày hôn lễ, cô dâu chú rể sẽ được hạnh phúc. Ngày 20/7/2009, tại Cần Thơ, trời mưa rất to, nước như trút xuống từ bầu trời phủ kín mây. Bầu trời toàn một màu xám xịt chỉ trừ trong trái tim đôi vợ chồng trẻ, họ mặc quần áo cổ truyền của người Việt Nam với màu sắc rực rỡ: màu xanh lam cho chú rể còn màu vàng cho cô dâu.

 

Ngay từ sáng sớm, đoàn đón dâu bên gia đình Philippe đã tập trung trong sân một khách sạn tại Cần Thơ. Trong số các thành viên gia đình, có mẹ anh, Sylvie, đây cũng là lần đầu tiên bà tới Việt Nam, người bạn của bà Gil cùng con trai ông. Chị gái Philippe tên là Adèle, cô cũng bị câm điếc giống em trai mình. Cô thực sự rất mong muốn tới Việt Nam dự lễ cưới. Chồng cô tên Claude, anh là người thuộc quần đảo Antilles và trông rất giống Ronaldo.

 

Tại chợ Cần Thơ, nhiều bạn trẻ Việt Nam tới thật gần để nhìn anh chàng ngoại quốc này với ánh mắt như muốn nói: “Anh có phải Ronaldo không?” Từ Cần Thơ tới nhà cô dâu mất nửa tiếng đi ôtô. Những thành viên trong gia đình chú rể đã tới thị xã Ngã Bảy. Họ mang tới nhiều đồ lễ trên những chiếc mâm trang trí sặc sỡ, theo đúng truyền thống Việt Nam. Trên ngưỡng cửa gia đình, cô dâu xinh tươi trong chiếc áo dài vàng được cha mẹ, người thân vây quanh, và hơn 500 khách mời đã tới chật kín phòng ăn lớn nơi sẽ diễn ra bữa tiệc cưới.

 

Sau khi đã đứng suốt để chờ đợi, họ chào đón chú rể, theo đúng nghi lễ xa xưa của người Việt Nam. Mọi phong tục đều được tuân thủ. Gia đình chú rể trao những mâm lễ vật cho các thành viên gia đình cô dâu. Lễ cưới cũng diễn ra theo truyền thống của Việt Nam: thắp hương trước bàn thờ tổ tiên gia đình cô dâu, lễ vật, hai gia đình có vài lời, trao nhẫn cưới, rồi đến thời điểm xúc động của đám cưới. Sau đó, Trân và Philippe mời mỗi khách dự đám cưới một ly "vodka Hà Nội" nhỏ.

 

Bên ngoài nhà hàng, mưa tiếp tục rơi, mưa to tới mức một tấm bạt che đầy nước đã đổ sụp xuống... Nó khiến mọi người sợ hãi chứ không gây thiệt hại gì. Trời mưa nhưng Mặt Trời thì lại nằm trong tim tất cả mọi người vào ngày hôm ấy. Đôi vợ chồng trẻ nhìn nhau và họ ra dấu bằng tay: yêu nhau mãi mãi!

 

 

Olivier Buom Bay tên thật là Olivier Page. Anh là Tổng Biên tập của cuốn cẩm nang du lịch Le guide du routard Vietnam. Olivier Page năm nào cũng qua Việt Nam vài lần để cập nhật thông tin cho cuốn sách và cả để đi du lịch. Anh lấy bút danh là Olivier Buom Bay, vì như anh nói, anh giống con bướm cứ lang thang mãi hoài.
 
Một chuyện tình qua mạng, đẹp như cổ tích - 6

Tác giả Olivier Buom Bay

 

Lần trở lại Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa rồi đặc biệt hơn vì anh là nhân chứng của một đám cưới giữa một chàng trai Pháp bị câm điếc và một cô gái Việt không nghe, không nói được.

 

 

Oliver Buom Bay

Theo Sinh Viên Việt Nam