“Một ban mai, hay một tiếng chim gù đã rủ thầy tôi ra đi?...”

(Dân trí) - Sáng 19/8, vừa đủ nắng, không nồng, tiết trời sang thu - mềm nhẹ, nỗi nhớ như vô thức, và nỗi buồn lại chừng như quá đột ngột. Viếng thầy trong một sáng đau buồn như vậy tại Nhà tang lễ Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội...

Trong cái tê lặng của sự mất mát, hay trong tiếng khóc than đau xót, lại có cả sự thảng thốt của ý nghĩ - và sự thảng thốt ấy đã ùa chạy trên nhiều trang viết...

Ngay từ đêm 16/8 rạng sáng 17/8 và đến hôm nay 19/8/2008- ngày viếng thầy, ngập tràn trên các trang báo, các blog là những lời tiễn biệt, những kỷ niệm, những ngậm ngùi… về người thầy kính yêu Trần Hòa Bình. Chúng tôi mạn phép xin được trích đăng một số đoạn trong các bài viết trên blog - để hiểu thêm về thầy - một nhà giáo, một nhà báo đáng kính trọng!- Thầy Trần Hòa Bình:

 

* “Tôi ngửa mặt lên trời, tháng 8, Hà Nội, không biết đã chớm thu chưa. Bài thơ mà vĩnh viễn thi đàn Việt Nam phải ghi nhớ, hàng triệu triệu người đã ghi nhớ, thầy tôi đã nhặt được cũng trong một ngày thu, khi bước ra khỏi giảng đường Đại học Báo chí thì một chiếc lá rơi thẳng vào mái đầu bù rù cú vọ của thầy: “Thêm một chiếc lá rụng/ Thế là thành mùa thu/ Thêm một tiếng chim gù/ Thành ban mai tinh khiết…” (Bài thơ “Thêm một” của Trần Hòa Bình). Một ban mai, hay một tiếng chim gù đã rủ thầy tôi ra đi? Ở tuổi ba mươi, có thể là do ngẫu nhiên, nhưng tôi nghĩ là do tôi quá trẻ để phải khóc quặn lòng trước sự ra đi của một người thầy đã quá gắn bó với mình. Hôm nay, người ra đi là thầy Trần Hòa Bình.

Quả là tôi chưa lần nào thảng thốt vì một người thầy như hôm nay. Lý do nữa là thầy tôi quá “thanh niên tính”, quá trẻ so với cái tuổi 53 của mình. Có thể còn một lý do nữa, mười mấy năm tôi học thầy rồi giao du với thầy như bạn vong niên “chén chú chén anh”, là ngần ấy năm thầy sống độc thân nuôi cô con gái của vợ cũ, ngần ấy năm thầy liên tục có những mối tình với những cô gái rất trẻ, rất tử tế - và điều đó làm tôi có cảm giác thấy còn quá trẻ so với cái ba-rem “bốn chín chưa qua, năm ba lại tới” lúc này của thầy, trong Cõi Người.

 

Nụ cười hào hoa, phong cách ga-lăng cổ điển chưa bao giờ thay đổi. Lúc nào cũng đeo ba lô rất là 9x, tay đeo cái vòng rất là Hàn Quốc (dù mười năm trước phim Hàn chưa tràn bứa phứa sang ta), cổ có khi đeo cả cái dây đen có miếng gốm màu nâu rất là… trai lơ. Tay có khi đeo cái xích bạc to như con rết được chạm khắc cầu kỳ, cổ kính. Liên tục hút thuốc, tôi cảm giác môi thầy bợt đi vì thuốc lá. Kính lúc nào cũng tròn như cậu bé Harry Potter. Tóc lúc nào (tôi nhấn mạnh là lúc nào cũng thế, mấy chục năm qua) cũng phủ đến tận chân mày, phủ kín trán, dày sù, cong queo như rễ tre.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy vừng trán của thầy. Người suốt đời làm thơ, nhưng Trần Hòa Bình hình như chưa bao giờ in một tập thơ nào thì phải. Cũng chưa bao giờ tôi nghe ông đọc thơ. Tôi chỉ đọc thơ của thầy trên báo chí, và trong sách vở, có nhiều bài của thầy, hình như chả tập thơ tình nào người ta không “tinh tuyển”. Điều đáng nói nhất trong ngày thường của thi sỹ Trần Hòa Bình là các mối tình. Chẳng ai trách một người đàn ông độc thân khi họ yêu. Yêu cháy bỏng, hết mình, không giấu giếm”.

 

Nhà thơ, nhà giáo Trần Hòa Bình tuổi Ất Mùi (1955), quê Xứ Đoài, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội, ra đi vào đêm 16 rạng ngày 17/8/2008, hưởng dương 53 tuổi.

“Lần đầu tôi gặp thầy là ở trên bục giảng. Vẫn kính tròn, tóc xòa xoăn, quần bò, áo phông, hoặc áo cổ tròn nút khuy cài cổ kính, thầy đứng khoanh tay, tựa lưng hông vào cái bàn giáo viên và nói chuyện suốt buổi này qua buổi khác. Thầy dạy cái môn cực kỳ khô khan là: Lịch sử báo chí Việt Nam và thế giới. Tôi, cũng là người từng đứng trên bục giảng cho sinh viên các trường báo chí khá nhiều, tôi dám khẳng định rằng: nếu không phải Trần Hòa Bình dạy, thì thật khó để cho hàng nghìn nhà báo tương lai nhai được món khô rách như… lịch sử báo chí. Sinh viên, các thế hệ nuốt lấy từng lời của thầy. Đôi khi đó là lời hào hoa, kiểu gỡ rối tơ lòng của mục Tầm Thư trên báo Tiền Phong mà nhiều năm qua Trần Hòa Bình đang phụ trách. Đôi khi là sự nghẹn ngào của thầy khi nói về các nhà báo tâm huyết như Nguyễn Văn Vĩnh, các trí thức như Phạm Quỳnh, các nhà canh tân báo chí thời ông Tản Đà còn bôn ba làm báo khắp Bắc Nam, khi mà “giặc” nó còn kiểm duyệt, “bắt bớ” các nhà canh tân có tư tưởng khả kính. Thầy đau nỗi đau của các đại trí thức trong buổi giao thời xưa cũ...”  (trích blog của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng).

 

“Một ban mai, hay một tiếng chim gù đã rủ thầy tôi ra đi?...”  - 1
 "Chân dung thầy giáo tôi". (Ảnh: Đõ Doãn Hoàng)

 

* “Tôi nghe tin Trần Hòa Bình bị xuất huyết não từ một cú điện thoại của con gái thầy, cháu Hà Trang, mếu máo thông báo: Chú ơi, bố cháu, bố cháu... Khi đó, người ta đang đưa thầy tôi đi cấp cứu ở Nam Định, còn nước còn tát. Cách nhà tôi khoảng 250 km. Nghe rằng đang biên tập những bài báo cho số tới thì đột ngột nằm lăn ra đất. Tôi nghe tin thầy mất bằng một cú điện thoại khác trong đêm. Sao lại chết xa nhà thế? Nước mắt cứ thế chảy ra gối, không ngờ lại dễ dàng như vậy. Quá dễ dàng. Chết dễ dàng thế. Nước mắt chảy dễ dàng thế. Nước mắt không dùng để khóc người thân thì để làm gì? Bàn tay trái của thầy tôi, đường nghề chia làm ba nhánh bằng nhau. Đó là đường nhà báo, đường nhà thơ, đường nhà giáo. Đến bây giờ thì cả ba đường ấy đều đã đứt đoạn rồi.


Đi vào nhà xác thăm thầy. Gió thổi vù vù xung quanh người. Gió mạnh thế mà người thổn thức. Thầy tôi nằm trong một khối inox bịt kín 6 phía. Người ta đang làm lạnh cái thân xác ấy để thân hữu nhìn ngắm lần cuối, trước khi hỏa táng. Tôi là trai nhà quê về Hà Nội học. Trần Hòa Bình đã dạy cho tôi quá nhiều điều, từ kiến văn cho đến cách ngồi ăn ngồi uống. Cái dáng người ngồi ăn phải thảnh thơi, lưng phải thẳng, đương thực bất khởi, cầm cái chén uống rượu thì phải thế này thế này, cụng với người ngang hàng thế này, người trên thế này, người dưới thế này. Thầy đã đưa cho tôi vay hàng chục triệu để tôi ném vào các cuộc yêu đương.

Thầy đã chạy các tòa soạn để đăng cho tôi cái phóng sự điều tra đầu tiên. Bài báo đầu tiên trong đời ấy là viết về bệnh nghề nghiệp của một nhà máy lớn. Các tòa soạn từ chối phần vì chẳng biết tôi là ai, phần vì hình như có nhận quảng cáo của nhà máy ấy. Tôi ngồi học trong lớp, thầy vẫy tôi ra, chỉ vào một dòng được khoanh tròn bằng bút chì trên bản thảo. Ấy là thầy thấy người ta từ chối khéo chỉ vì cái câu ấy, thầy mang về để hỏi lại tôi có bỏ đi được không, rồi lại cho vào cái balô để mang đến tòa soạn khác. Thầy đã chạy chọt xin cho tôi ở lại KTX không bị đuổi ra ngoài vì đánh nhau. Ai bảo chúng nó đã ăn cắp còn đánh em em, máu của thằng bé ướt đẫm áo ngực, nhìn như thế thì làm sao chịu được? Thầy xin: các anh đừng đuổi nó, không nó lại về ở nhà em thì khổ em ra. Luôn phải thế chấp uy tín. Toàn như thế”.

 

“Thầy tôi yêu nhiều. Đôi tháng lại thấy một người con gái xách vali về nhà ở. Rồi đôi tháng, tôi lại thấy ngôi nhà ấy thay một ổ khóa mới. Khi yêu ai thì trao tất, không giấu giếm, kể cả cửa nhà. Khi chia tay nhau thì chỉ cần thay ổ khóa mới thôi…” (trích blog Huy Bom - nhà báo Huy Minh).
 

“Một ban mai, hay một tiếng chim gù đã rủ thầy tôi ra đi?...”  - 2
 Nhà thơ Trần Hòa Bình với một cô xòe xứ Thái mộng mơ ở bản Phiêng Lơi của miền Tây Bắc mà ông mê đắm, năm 2006.  (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)

 

* “Các thế hệ sinh viên báo chí ở Học viện, từ nay, sẽ không bao giờ còn được nhận sự ân cần mang thương hiệu Trần Hòa Bình nữa: khi mà thầy lên ban quản lý kí túc xá, nói với các đồng chí ấy rằng, ông đừng trục xuất nó ra khỏi Ký túc, vì nó rất ngoan, chỉ nhỡ nóng nảy, ông đuổi nó, nó lại xuống nhà tôi ở thì chật lắm. Thầy gọi sinh viên ra hành lang, lôi trong ba lô ra cái bản thảo choe choét đỏ “tôi đã sửa cho chú”, chú chép lại rồi tôi gửi đăng báo cho, bài đầu tiên trong đời là quan trọng lắm đấy. Căn nhà nhỏ ấy, sẽ không còn là nơi cư ngụ, là cái ga xép chờ việc, chờ thuê nhà trọ của không ít nhà báo trẻ khi còn lận đận công danh nữa…”. (trích blog của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng) . Có lẽ chỉ như này cũng đủ những tiếng khóc gọi “Thầy ơi” bật lên từ đáy lòng mà không sao ngăn được...

 

Xin vĩnh biệt thầy giáo Trần Hòa Bình!

 

 Thêm một

Thêm một chiếc lá rụng,
Thế là thành mùa thu.
Thêm một tiếng chim gù,
Thành ban mai tinh khiết.

Dĩ nhiên là tôi biết,
Thêm một - lắm điều hay.
Nhưng mà tôi cũng biết,
Thêm một - phiền toái thay!

Thêm một lời dại dột,
Tức thì em bỏ đi.
Nhưng thêm chút lầm lì,
Thế nào em cũng khóc.

Thêm một người thứ ba,
Chuyện tình đâm dang dở.
Cứ thêm một lời hứa,
Lại một lần khả nghi.

Nhận thêm một thiệp cưới,
Thấy mình lẻ loi hơn.
Thêm một đêm trăng tròn,
Lại thấy mình đang khuyết.

Dĩ nhiên là tôi biết,
Thêm một lắm điều hay.

Trần Hòa Bình

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm