“Mong con trai tôi có thể yêu được một cô gái đẹp”
(Dân trí) - “Tôi có một cậu con trai 19 tuổi. Nó đã từng có đến dăm bảy cô bạn gái, cô bé nào cũng xinh xắn, cao ráo. Tôi thì chả mong nó lấy được hoa hậu hay người tài giỏi xuất chúng gì. Tôi chỉ mong nó có thể yêu được một cô gái đẹp thôi”.
Con trai tôi là một đứa giàu tình cảm, hiền lành, ít nói, làm gì cũng nhỏ nhẹ, tôi sợ nó bị đồng cô, nam chẳng ra nam, nữ không phải nữ thì xấu hổ. Năm nó học lớp 9, tôi đăng ký cho con đi học bơi, học võ mặc dù thằng bé lại thích học đàn ghi-ta. Tôi lại sợ nó vừa hiền lại có tính lãng mạn thì lớn lên dễ bị bắt nạt, tụi con gái nó cũng “dắt mũi” được.
Tôi cũng bảo ông xã dành nhiều thời gian cho con hơn hoặc đưa nó đi đây đi đó cho dạn dĩ, không cần phải “ăn to nói lớn” như bố nhưng chí ít cũng ra dáng đàn ông cương trực, mạnh mẽ.
Một ngày tôi bắt gặp con trai mình đang ôm eo một cô gái rất xinh trên đường. Thằng con trai tôi mà phải ngồi sau ôm eo một con bé sao? Tôi cứ bực mình về chuyện ấy và khi về đến nhà mới sực nhớ ra nó chưa hề tập đi xe máy. Cô bé là bạn học cùng lớp của con trai tôi và đã tốt bụng cho nó quá giang đến lớp học thêm vì lỡ mất chuyến xe buýt. Sau hôm đó, tôi bàn bạc với chồng và nhất trí mua cho nó một chiếc xe tay ga để tiện việc đi học và cũng là để không phải ôm eo con gái.
Từ ngày có xe, thằng bé ít ở nhà hơn. Có hôm thứ bảy, chủ nhật được nghỉ cũng kiếm cớ đến nhà bạn không về nhà. Tôi lo thì chồng tôi lại bảo “chả phải em muốn con đi nhiều cho dạn dĩ là gì, đàn ông con trai phải va vấp mới trưởng thành được”. Ừ, thì đúng là tôi đã nghĩ và muốn con như thế, nhưng thấy nó thay đổi lệch “đường hướng chỉ đạo” của tôi thì không hay chút nào.

Thằng con trai tôi ngờ nghệch nên mới kêu tôi khó tính như Ban giám khảo chấm thi hoa hậu. Tôi thì chả biết họ có bao nhiêu tiêu chí, bao nhiêu cách “cân đo đong đếm” để chọn ra một cô hoa hậu vừa xinh, vừa đẹp, lại phải hội tụ dịu dàng, quyến rũ, bao dung, có tấm lòng nhân ái… và đương nhiên là không thể thiếu học thức đi kèm được. Vì phải có học thức, tức là phải qua rèn giũa, từ đó mới có thể tiếp thu và phát triển, chứ không ai ngộ nhận rằng một cô gái xinh thì có sẵn kèm theo một trí tuệ mẫn tiệp, thông minh uyên bác cả.
Vẻ đẹp thì muôn hình vạn trạng, mỗi người một cảm nhận. Ngày xưa các cụ còn đánh giá một cô gái đẹp, “mỹ nhân” là cả một tầng tầng, lớp lớp “thang điểm”. Có câu “nhất dáng nhì da”, dáng đi là phải cẩn trọng, đoan trang, người nặng mà chân nhẹ, nhịp bước dễ dàng, khoan thai. “Hình, sắc, thần, khí” từ khuôn mặt, đôi mắt, làn da, mái tóc, cái mũi, ngón tay đều phải hài hòa, cân đối, đẹp đẽ. Đến giọng nói cũng là một chuẩn mực để đánh giá người đẹp. Nói phải đúng chỗ đúng lúc, không được vọng trần, cũng không vọng phát, cần phải có: thuận, chính, giản, tĩnh, khiêm, cung.
Còn chuyện “học thức” là được đánh giá theo “nữ công gia chánh”, thậm chí phải am tường “cầm, kỳ, thi, hoạ”. Kể ra cũng là để cho vui, chứ thời xưa còn khó kiếm “mỹ nhân” “mười phân vẹn mười” như vậy nữa là bây giờ.
Nhưng cũng phải kể ra để tỏ rõ quan điểm của tôi, con gái xinh chưa hẳn đã là con gái đẹp. Vì tôi nghĩ, cái đẹp nó còn nằm ở trong cái đầu và con tim. Thế nên chắc cũng như nhiều bà mẹ khác, tôi không mong con trai mình sau này lấy được hoa hậu, hay người tài giỏi xuất chúng gì. Tôi chỉ ước có một cô con dâu vừa xinh vừa đẹp, thế thì có tham quá không nhỉ?
Ly Vũ (ghi theo lời kể của cô Q.P)